Bảo vệ môi trường liên quan đến nhiều lĩnh vực, hoạt động sản xuất, được các doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, các điều luật, văn bản hướng dẫn thi hành quá hàn lâm, chi tiết dẫn tới nhiều sự chồng chéo, không cần thiết. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp, vừa khó tiếp cận, vừa chưa đáp ứng mục tiêu quản lý, kiểm soát môi trường.
Quá nhiều quy định và thủ tục
Các doanh nghiệp đang phải thực hiện quá nhiều quy định về BVMT. Đáng chú ý, các quy định nằm rải rác khắp các chương, mục và muốn biết và làm theo đầy đủ phải đọc rất kỹ toàn bộ Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn thi hành. Để thực thi, tránh sai phạm, doanh nghiệp buộc phải có tư vấn pháp luật riêng.
Thống kê cho thấy, mỗi doanh nghiệp, từ khi bắt đầu hình thành (lập dự án đầu tư) cho đến khi đi vào hoạt động chính thức cần làm nhiều thủ tục về môi trường, trước hết là thủ tục đánh giá tác động môi trường (ĐTM)/Bản cam kết BVMT. Sau khi cơ quan Nhà nước thẩm định ĐTM/Bản cam kết, doanh nghiệp báo cáo kết quả thực hiện, báo cáo kết qủa xây dựng các công trình BVMT, kế hoạch vận hành thử nghiệm, kết quả quan trắc môi trường,…, trên bản tin tại khu vực dự án, với chính quyền địa phương… Thủ tục xin cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, hợp đồng thuê xử lý, xác nhận hợp đồng. Nếu doanh nghiệp có giẻ lau dính dầu, bóng đèn nêông, mực máy in... thuộc loại chất thải nguy hại phải xin đăng ký cấp sổ chủ nguồn thải. Phí BVMT đối với nước thải công nghiệp. Quan trắc, báo cáo định kỳ với cơ quan Nhà nước về kết quả quan trắc, vận hành các công trình BVMT và các hoạt động tuân thủ pháp luật khác về BVMT. Các văn bản giấy tờ chứng minh đã công khai hóa thông tin môi trường cũng cần cung cấp cho nhà quản lý môi trường.
Và hàng loạt thủ tục khác có liên quan đến đặc thù của hoạt động sản xuất, kinh doanh như: kế hoạch phục hồi sau khai thác khoáng sản, quản lý vận chuyển và xử lý chất thải, tái chế chất thải, hồ sơ xả thải vào nguồn nước, hồ sơ xin khai thác nước, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu (do UBND thành phố phê duyệt).
Các loại máy móc cũ, hư hỏng được một số đơn vị kinh doanh trên đường Hà Nội nhập về phá dỡ lấy sắt, thép phế liệu. Ảnh: Trường Giang |
Chưa chặt, lãng phí thời gian và tốn kém không cần thiết
Mặc dù những quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều nhưng hiệu quả quản lý vẫn chưa chặt chẽ. Điều này có thể thấy trong quy định về nhập khẩu phế liệu, lập báo cáo ĐTM.
Thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhập khẩu phế liệu nhằm mục tiêu bảo đảm phế liệu nhập khẩu không gây ảnh hưởng tới môi trường, bảo đảm sự hoạt động của doanh nghiệp nhưng có sự chồng chéo giữa các quy định. Tại điều 35, 37 Luật Bảo vệ Môi trường quy định các doanh nghiệp phải đủ điều kiện về BVMT mới được phép hoạt động. Điều này lại tiếp tục được nhắc lại tại khoản 2, điều 43 quy định về phế liệu nhập khẩu. Khi khai báo nhập khẩu, doanh nghiệp đều được cơ quan Hải quan yêu cầu xuất trình văn bản chứng minh có đủ điều kiện theo điều 43. Việc này làm phát sinh giấy phép “con” theo Thông tư số 002/2007/ TTLT-BCT-BTNMT. Thủ tục hành chính này không cần thiết, cần huỷ bỏ. Để bảo vệ môi trường chỉ cần điều kiện của phế liệu được phép nhập khẩu một cách rõ ràng, dễ thực hiện, dễ kiểm tra.
Sự thiếu chặt chẽ có thể thấy ở các quy định và thực thi về lập báo cáo ĐTM Cơ cấu Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM tại các tỉnh, thành phố thường bao gồm lãnh đạo các sở, ngành và địa phương (quận, huyện), thiếu những thành phần chuyên môn về môi trường, nhất là về ĐTM. Chưa kể nhiều thành viên không tham dự trực tiếp thường ủy quyền hoặc gửi phiếu nhận xét nên rất khó khăn, mất nhiều thời gian khi tổ chức phiên họp của hội đồng. Hội đồng thẩm định ĐTM gần như chỉ là tham mưu với chủ đầu tư hoàn thiện các giải pháp BVMT cho dự án. Sau đó, chủ đầu tư và cơ quan tư vấn chỉ chỉnh sửa qua loa; hoặc không chỉnh sửa hết những yêu cầu của hội đồng rồi nộp lại. Ngoài ra, thủ tục để tiến hành kiểm tra, cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình BVMT theo quyết định phê duyệt ĐTM quá nhiều công đoạn. Thực tế cho thấy, cách kiểm soát bảo vệ môi trường các dự án đầu tư theo ĐTM ít hiệu quả, mất nhiều nhân lực và thời gian của nhiều cơ quan quản lý; chủ đầu tư tốn kém nhiều kinh phí cho thủ tục hành chính này.
Việc ban hành các thủ tục hành chính là để kiểm soát mọi hoạt động của con người vì mục tiêu bảo vệ môi trường. Để giải quyết vấn đề này phải xem xét lại từ góc độ vĩ mô, đổi mới quan điểm về quản lý, kiểm soát để hướng tới mục tiêu BVMT.
Thạc sĩ Lê Sơn
(Tổng thư ký Hội bảo vệ Môi trường)