- Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả nổi bật sau hơn 5 năm triển khai Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/02/2010?
Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả giám định tư pháp” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/02/2010 đặt ra nhiều nhiệm vụ với 07 nhóm giải pháp. Đề án đã được triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và cơ bản đã hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng, có thể kể như:
Thứ nhất, thể chế giám định tư pháp đã được hoàn thiện cơ bản với việc trình Quốc hội ban hành Luật giám định tư pháp năm 2012 và 36 văn bản hướng dẫn được Chính phủ, các Bộ, ngành ban hành (02 Nghị định của Chính phủ, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 33 Thông tư của các Bộ, ngành). Các văn bản pháp luật nói trên đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng làm tiền đề cho việc trưng cầu, thực hiện giám định và quản lý nhà nước về giám định tư pháp. Trong đó, có những vấn đề tồn đọng từ nhiều năm gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho hoạt động giám định nay đã được hướng dẫn như: quy định về tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần; quy trình giám định áp dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự…
Thứ hai, củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức giám định tư pháp và việc tăng cường cơ sở vật chất
Hệ thống tổ chức giám định tư pháp công lập, hoạt động giám định chuyên trách trong 03 lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự đã được củng cố, hoàn thiện một bước rất quan trọng; cùng với đó cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động giám định được các Bộ, ngành chủ quản lĩnh vực giám định quan tâm, đầu tư bảo đảm điều kiện hoạt động cho các tổ chức giám định tư pháp, có thể kể đến:
Hệ thống tổ chức giám định pháp y thống nhất trong toàn quốc gồm: Viện Pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế; Viện pháp y Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng; Trung tâm giám định pháp y trực thuộc Viện Khoa học hình sự Bộ Công an và 63 Trung tâm pháp y cấp tỉnh.
Tổ chức pháp y tâm thần được “tổ chức lại” theo hướng tập trung, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn yêu cầu của hoạt động tố tụng, theo đó ngoài Viện pháp y tâm thần Trung ương đã được thành lập từ trước, có thêm Viện pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa và 05 Trung tâm pháp y tâm thần khu vực tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, các tỉnh Đắk Lắk, Thừa Thiên Huế và Phú Thọ.
Tổ chức giám định kỹ thuật hình sự được củng cố, trong đó gồm: Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an, 63 Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh và Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.
Các tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở các lĩnh vực tài chính, thuế, ngân hàng, xây dựng, thông tin và truyền thông… được các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, lập và công bố 179 tổ chức theo vụ việc.
Thứ ba, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ người giám định tư pháp
Theo số liệu tổng hợp, hiện trong toàn quốc có khoảng 5.717 giám định viên tư pháp (trong đó có 5.000 giám định viên tư pháp thuộc các lĩnh vực ngoài pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự), 1.472 người giám định tư pháp theo vụ việc và 184 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.
Đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hầu hết giám định viên tư pháp được bổ nhiệm đều có trình độ đại học trở lên, đối với giám định viên pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự đều có chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giám định trước khi được bổ nhiệm, nhiều giám định viên tư pháp có trình độ sau đại học.
Thứ tư, đổi mới hoạt động trưng cầu, yêu cầu và thực hiện giám định tư pháp
Hoạt động giám định tư pháp chủ yếu được thực hiện theo trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng. Theo số liệu tổng hợp, trung bình mỗi năm, từ 2011 đến nay, các tổ chức giám định trong toàn quốc thực hiện giám định hơn 150 nghìn vụ việc. Việc trưng cầu giám định được cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương thực hiện, phù hợp với năng lực chuyên môn, lĩnh vực giám định của tổ chức giám định. Việc tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định được các tổ chức, cơ quan giám định thực hiện kịp thời hơn trước, nhất là đối với lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự được thực hiện khá nề nếp; hoạt động giám định trong một số lĩnh vực: xây dựng, thông tin và truyền thông, ngân hàng, tiền tệ, tài chính, thuế... cũng có nhiều mặt tích cực, đáp ứng một bước cơ bản yêu cầu của hoạt động tố tụng nói chung, trong giải quyết án kinh tế, tham nhũng nói riêng.
Thứ năm, công tác quản lý giám định tư pháp có nhiều tiến bộ
Công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp đã “phân định” thẩm quyền, trách nhiệm rõ hơn; sự “cộng đồng trách nhiệm” giữa cơ quan đầu mối quản lý nhà nước với các Bộ, ngành quản lý lĩnh vực giám định, các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan, tổ chức liên quan tạo sự “tương tác” trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của hoạt động giám định, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
- Do còn nhiều nhiệm vụ phải tiếp tục hoàn thành nên ngày 28/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250), xin Thứ trưởng cho biết các công việc mà Bộ Tư pháp đã, sẽ thực hiện để triển khai có hiệu quả Đề án nói trên?
Như đã nói trên, về cơ bản, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” đã được triển khai thực hiện, tuy nhiên còn một số nhiệm vụ cần phải tiếp tục thực hiện để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Bộ Tư pháp đã chủ động rà soát, xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/02/2018 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 250/QĐ-TTg phê duyệt Đề án.
Căn cứ nhiệm vụ đề ra trong Đề án 250, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ (Quyết định số 1166/QĐ-BTP ngày 23 tháng 5 năm 2018). Bản Kế hoạch đã nêu cụ thể các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ được giao cho Bộ Tư pháp, trong đó cần tiến hành nghiên cứu trình Thủ tướng chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp cho phù hợp với thực tế; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp số 992/QCPH-BTP-BCA-BQP-VKSNDTC-TANDTC ngày 26/3/2018. Nội dung Quy chế đề ra trách nhiệm của từng bộ, ngành đối với từng nội dung cần phối hợp trong việc xây dựng văn bản về giám định tư pháp, giải quyết vướng mắc về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng, việc thống kê và cung cấp thông tin, số liệu về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng, kiểm tra về giám định tư pháp... góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng nói chung, việc giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng nói riêng.
Ngoài ra, với trách nhiệm là cơ quan đầu mối thực hiện Đề án 250 và là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giám định tư pháp, Bộ Tư pháp sẽ đôn đốc các bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Đề án 250; tăng cường kiểm tra, thanh tra tình hình tổ chức, hoạt động giám định tư pháp, việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan tiến hành tố tụng về giám định tư pháp.
- Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay chế độ, chính sách thu hút nhân lực làm giám định tư pháp còn chưa tương xứng, nhất là trong các lĩnh vực giám định đặc thù (giám định pháp y, tâm thần…). Tới đây vấn đề này sẽ được quan tâm, sửa đổi như thế nào thưa Thứ trưởng?
Giám định tư pháp là công việc có tính chất đặc thù (người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự... Điều 2 Luật Giám định tư pháp) nặng nhọc, độc hại, có nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao và chịu định kiến xã hội nặng nề. Do đó, dẫn đến những người làm giám định tư pháp chuyên trách không yên tâm gắn bó với công việc giám định.
Thực tế những năm gần đây cho thấy, nhiều giám định viên tư pháp xin chuyển công tác khác, trong khi các tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần không thể tuyển thêm được người mới vào làm việc, công tác giám định tư pháp ngày càng đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực trầm trọng hơn, nhất là trong lĩnh vực pháp y tử thi.
Điều này đã khiến cho việc trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác tố tụng. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm cả về tinh thần cũng như vật chất đối với người làm giám định, cụ thể là ngoài chính sách tôn vinh, khen thưởng đã có nhiều văn bản pháp luật quy định chế độ ưu đãi cho người giám định tư pháp như: Thông tư số 02/TT-BTP của Bộ tư pháp quy định về chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc giám định tư pháp, Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp, Nghị định số 56/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, Quyết định số 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “khuyến khích đào tạo và phát triển nhân lực y tế các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh”.
Ngoài ra, một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Định, Thừa Thiên Huế… căn cứ tình hình địa phương đã ban hành chính sách thu hút, ưu đãi đối với giám định viên tư pháp công tác tại địa phương.
Các quy định về chế độ ưu đãi nêu trên đã phát huy hiệu quả tốt góp phần động viên, khuyến khích đối với người giám định tư pháp. Tuy nhiên, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, do đó, Đề án 250 đã đề ra nhiệm vụ về hoàn thiện chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực làm giám định tư pháp. Tới đây, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chế độ trực, chế độ phụ cấp thâm niên, việc kéo dài thời gian công tác đối với giám định viên pháp y, pháp y tâm thần…
- Xin Thứ trưởng cho biết trong thời gian tới có những giải pháp gì để công tác giám định phục hoạt động tố tụng nói chung, việc giải quyết các vụ án về kinh tế, tham nhũng nói riêng đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới ?
Để tháo gỡ và giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13/12/2017. Nội dung Thông tư liên tịch này có nhiều điểm tích cực như: Những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp; việc phối hợp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế; các nguyên tắc trưng cầu giám định, đánh giá và sử dụng kết luận giám định; việc phối hợp trong tổ chức, thực hiện việc giám định....
Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất và đưa vào các nội dung, giải pháp tại Đề án 250, trong đó có một số nhiệm vụ nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, nhất là đối với việc giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng, chẳng hạn: thành lập Tổ tư vấn liên ngành về giám định tư pháp gồm đại diện Ban Nội chính Trung ương, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp. Tổ tư vấn hoạt động kiêm nhiệm, làm đầu mối tổng hợp, nghiên cứu, tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về giám định tư pháp trong quá trình chỉ đạo, giải quyết án về kinh tế, tham nhũng; chỉ định và tăng cường năng lực, trách nhiệm của đơn vị đầu mối ở các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực giám định chịu trách nhiệm tiếp nhận, báo cáo người có thẩm quyền quyết định phân công tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Rồi việc đã làm như ban hành Quy chế phối hợp số 992/QCPH – BTP – BCA – BQP – VKSNDTC – TANDTC ngày 26/3/2018 trong công tác giám định tư pháp (sau đây gọi chung là Quy chế phối hợp liên ngành). Nội dung Quy chế phối hợp đã quy định những giải pháp nhằm đảm bảo việc tăng cường trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan về giám định tư pháp; đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng, giải quyết các vấn đề về giám định tư pháp… nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giám định tư pháp.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!