Điều này thể hiện cam kết của Việt Nam đối với việc thực hiện nghiêm túc, nhất quán, toàn diện chủ trương tôn trọng và thúc đẩy quyền con người, được quốc tế đánh giá cao. Báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc – Trưởng Đoàn Việt Nam tham gia Phiên đối thoại vừa qua - để giúp độc giả có thêm thông tin về hoạt động trên.
-Sau khi Việt Nam đã bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR lần thứ 3 thì đâu là những việc mà Việt Nam cần phải làm tiếp theo để thực thi có hiệu quả Công ước và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc: Có thể nói, thành công có được của Phiên đối thoại với Ủy ban Nhân quyền vừa qua về Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR lần thứ 3 là do Việt Nam đã có nhiều nỗ lực vượt bậc, được quốc tế ghi nhận về cải cách sâu rộng, toàn diện, trong đó có cải cách pháp luật và tư pháp, cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, đặt con người vào trung tâm của các chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để người dân có tiếng nói, đóng góp vào sự phát triển đất nước và được hưởng thụ một cách công bằng những thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Sau Phiên đối thoại, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1252/QĐ-TTg ngày 26/9/2019 phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (sau đây gọi tắt là Kế hoạch), thể hiện cam kết và quyết tâm của Việt Nam trong nỗ lực thực hiện nghiêm túc Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền.
Quyết định số 1252/QĐ-TTg đã được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Do đó, chi tiết các nhiệm vụ, lộ trình thực hiện cụ thể mọi người có thể dễ dàng tiếp cận. Tôi xin nói tóm gọn là Quyết định số 1252/QĐ-TTg đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, tập trung vào 03 nhóm vấn đề: thứ nhất là tiếp tục nội luật hóa và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật nhằm thực hiện Công ước ICCPR; thứ hai là nâng cao hiệu quả thực thi các quy định của pháp luật về các quyền dân sự và chính trị và thứ ba là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và đào tạo về các nội dung Công ước.
Các bộ, ngành, cơ quan có liên quan và địa phương có trách nhiệm ban hành kế hoạch thực hiện riêng của mình hoặc bổ sung, lồng ghép các nhiệm vụ vào các kế hoạch, đề án, chương trình, chiến lược quốc gia và cơ chế khác; có báo cáo việc thực hiện Kế hoạch gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Là cơ quan chủ trì, Bộ Tư pháp đang tích cực xây dựng để sớm ban hành kế hoạch của Bộ Tư pháp thực hiện đối với từng lĩnh vực công tác có liên quan.
-Theo Thứ trưởng, việc thực hiện Công ước ICCPR trong thời gian tới đứng trước những cơ hội và thách thức của Việt Nam nào?
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc: Sau những việc mà chúng ta đã làm được trong ghi nhận, tôn trọng bảo đảm và bảo vệ quyền con người, trong đó có những nội dung quan trọng tại Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và kết quả xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp gần đây thì có thể thấy chúng ta có nhiều cơ hội lớn hơn so với trước đây để thực hiện hiệu quả Công ước ICCPR.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc |
Nói như vậy không đồng nghĩa với việc mọi việc sẽ đều thuận lợi hoặc sẽ không có khó khăn, thách thức gì đối với Việt Nam trong thực hiện Công ước này trong thời gian tới. Bởi vấn đề quyền con người có thể được mổ xẻ, phân tích, đánh giá và khai thác từ nhiều góc độ khác nhau, phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Việc hiểu đúng vấn đề này, đặt đúng vào bối cảnh, hoàn cảnh, điều kiện của mỗi quốc gia luôn là một thách thức.
Bản thân khuôn khổ pháp luật quốc tế về quyền con người luôn phát triển phù hợp với sự phát triển của tình hình quốc tế. Chính vì vậy, việc cập nhật, nâng cao hiểu biết để theo kịp sự phát triển của pháp luật quốc tế về quyền con người là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam. Công ước ICCPR đã tồn tại 53 năm mà chưa có sửa đổi, nhưng những bình luận, giải thích chính thức về các quy định tại Công ước của Ủy ban Nhân quyền đã có những sự phát triển mạnh mẽ, đi cùng với đó là sự gia tăng trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam.
Với vai trò đặc biệt, trung tâm của Công ước ICCPR trong hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người thì việc thực hiện Công ước này đã, đang và sẽ luôn là nội dung quan trọng trong các cuộc thảo luận về chính sách, pháp luật ở tầm quốc tế, khu vực và quốc gia. Trong khi đó, với điều kiện, hoàn cảnh và trình độ phát triển của Việt Nam thì ngoài những khó khăn, thách thức chung như đối với các công việc khác, những thách thức đối với Việt Nam trong việc thực hiện Công ước đã được thể hiện ở 03 nhiệm vụ chính mà Kế hoạch đã nêu: thứ nhất là cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; thứ hai là nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật và thứ ba là nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đào tạo về Công ước ICCPR.
Nói về cơ hội và thách thức thực hiện Công ước ICCPR là để chúng ta cùng hiểu đúng, thống nhất về nhận thức để cùng hành động, nhất là thực hiện hiệu quả Kế hoạch. Tuy nhiên, cơ hội và thách thức là đan xen nhau và phụ thuộc nhiều vào cách mà chúng ta tiếp cận, giải quyết vấn đề.
-Xin Thứ trưởng cho biết Bộ Tư pháp dự kiến sẽ hành động ra sao để thực hiện được rất nhiều nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Kế hoạch?
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc: Bộ Tư pháp đang tích cực xây dựng kế hoạch riêng của Bộ để triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch nhằm thực hiện hiệu quả Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền. Chắc chắn sẽ có sự vào cuộc thực chất, hiệu quả và quyết tâm cao của Lãnh đạo Bộ và của tất cả các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Tư pháp và cơ quan Thi hành án dân sự vì đơn giản là các chức năng, nhiệm vụ của Bộ và ngành Tư pháp đều gắn kết chặt chẽ với nội dung Công ước ICCPR và 3 nhóm nhiệm vụ chính được nêu tại Kế hoạch.
Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan được giao chủ trì thực hiện Công ước và Kế hoạch, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì báo cáo về việc thực hiện Công ước này và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền trong thời gian tới. Bộ Tư pháp cũng sẽ phát huy vai trò của mình, phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện Kế hoạch cũng như phối hợp với Ủy ban Nhân quyền của Công ước thực hiện nghiêm túc các quyền và nghĩa vụ thành viên Công ước quan trọng này.
-Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!