Cách Quốc lộ 1A khoảng 2,5km, làng Đại An Khê (xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) dễ dàng nhận diện bởi mùi thơm đặc trưng của thứ bánh truyền thống. Từ nhà ra ngõ, mùi nếp đỗ thơm phức tỏa ra từ đòn bánh tét mới vớt ra khỏi nồi giăng mắc trên mọi lối.
Mới sáng sớm nhưng lò bánh của gia đình ông Đào Bá Vây (SN 1962) đã tất bật với công việc. Người lau lá chuối, người gói bánh, người thì trông canh nồi bánh để giao cho khách, người thì ghi chép đơn đặt hàng của khách... Dịp Tết Nguyên đán năm nay, gia đình ông Vây gói trên 1 tấn nếp để làm các loại bánh tày, bánh tét và bánh chưng xuất bán.
Gia đình ông Vây là một trong những hộ làm bánh tét thường niên và lâu năm có tiếng của làng. Khác với mọi miền quê khác trên đất nước hình chữ S, bánh tét nơi đây thay vì có hình dáng tròn lại được gói thành hình bán nguyệt (hình vầng trăng khuyết) độc đáo. Bánh còn có màu xanh như ngọc trông rất đẹp mắt, hương vị dẻo thơm, đậm đà.
Chính sự riêng biệt, đặc trưng về hình dánh, màu sắc kèm chất lượng nên từ một loại bánh chỉ làm để phục vụ nhu cầu thờ cúng, tiêu thụ của gia đình, nay bánh tét làng Đại An Khê đã cung ứng cho thị trường khắp cả nước, được người tiêu dùng đón nhận.
Nếp được trộn với nước lá rau ngót tạo màu xanh ngọc cho chiếc bánh |
Theo ông Vây, để làm được đòn bánh tét mặt trăng ngon và đẹp phải trải qua nhiều công đoạn. Trước đây, bánh được làm từ loại gạo nếp ngon của địa phương. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng, nguồn gạo nếp địa phương không đủ cung cấp nên các lò bánh phải nhập nếp từ Lào về để làm. Gạo sau khi được vo, để ráo nước và trộn đều với nước lá rau ngót để tạo màu xanh, đồng thời nước lá rau ngót còn giúp cho bánh mềm và thơm ngon hơn. Phần nhân bánh được làm bằng đỗ xanh nấu nhuyễn trộn với tiêu, hành... kẹp cùng dong, thịt lợn.
Khâu gói bánh luôn đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo nên cần những thợ “chắc tay” đảm nhận. Người gói vừa cột vừa nén để lớp vỏ bọc không bị bung và lại tạo thành hình mặt trăng cho chiếc bánh. Sau đó ép chặt, cột 2 chiếc bánh lại vào nhau rồi nấu bằng lửa củi trong suốt 12 tiếng đồng hồ.
Lý giải về hình dáng và màu của bánh, ông Vây cho hay, hình chiếc bánh mang cả một triết lý về cuộc sống. Đó là cuộc đời mỗi người chẳng ai mỹ mãn, tròn trịa cả. Nên khi úp 2 chiếc bánh hình bán nguyệt lại với nhau tạo thành hình tròn, với mong ước cuộc đời này sẽ tròn trịa hơn, hòa hợp hơn. Màu xanh của bánh chính là khát vọng về cuộc sống làng quê yên bình, ấm no và sung túc.
Lò bánh nhà bà Lê Thị Vinh (SN 1960) cũng rất bận rộn. Để gói đủ lượng bánh và kịp phân bổ đi khắp các tỉnh thành trên cả nước, gia đình bà thuê thêm 3 - 5 nhân công. Cận Tết, gia đình bà Vinh phải dùng 2 - 3 tạ nếp mỗi ngày mới gói đủ lượng bánh khách đặt, có hôm nấu đến 7 nồi bánh lớn. Giá mỗi đòn bánh dao động 40 – 60 nghìn đồng tùy thuộc vào trọng lượng.
Những ngày cao điểm, lò bánh nhà bà Lê Thị Vinh dùng 2 – 3 tạ nếp gói các loại bánh tày, bánh tét mặt trăng |
Năm nay, phải đến 29 tháng Chạp lò bánh mới tắt lửa, tạm nghỉ Tết. Hiện lượng khách đặt bánh của gia đình bà vẫn khôn ngừng tăng, trải dài từ Bắc chí Nam, từ Hà Giang, Hà Nội, Nghệ An, Quảng Bình... đến Đà Nẵng, Bình Phước, TP Hồ Chí Minh... Bánh tét của gia đình bà Vinh còn được một số kiều bào mua đưa sang “trời Tây” làm quà biếu người thân.
Sản phẩm bánh tét mặt trăng của làng Đại An Khê hiện nay rất được thị trường ưa chuộng |
Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Văn Hiêu – Trưởng thôn Đại An Khê cho biết, tục gói bánh tét bán nguyệt có từ xa xưa và là món bánh không thể thiếu trong mâm cỗ cúng gia tiên ở địa phương mỗi dịp Tết đến xuân về. Bánh ngon lại có hình dạng độc đáo, tiếng lành đồn xa, khoảng 4 – 5 năm trở lại đây, nơi này dần hình thành nghề nấu bánh tét mặt trăng để bán.
Toàn thôn có 652 hộ, với 2525 nhân khẩu,trong đó có khoảng 25 hộ làm nghề này quanh năm. Vụ Tết năm nay, ở thôn có trên 100 hộ gói bánh tét mặt trăng xuất bán.
“Sản phẩm bánh tét mặt trăng của địa phương hiện nay rất được thị trường ưa chuộng. Vì thế phía hợp tác xã đang có chủ trương đề nghị cấp trên hỗ trợ để đăng ký chất lượng, thương hiệu cho sản phẩm và quyết tâm hoàn thành trong năm 2019 này. Từ đó, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, để tương lai nhân rộng nghề này tại địa phương và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con”, ông Hiêu nói.