Vì sao nhân lực ngành du lịch bỏ nghề hàng loạt?
Từ thời điểm bùng phát đại dịch cho đến nay, trên toàn thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam, một làn sóng nghỉ việc trong ngành du lịch đã diễn ra. Như Thái Lan, một đất nước có lực lượng làm du lịch đông đảo lên đến khoảng 7,7 triệu việc làm ngành du lịch, sau đại dịch đã có gần 4 triệu lao động ngành này bỏ việc làm. Điều này đặt Thái Lan, một trong những đất nước có nền du lịch phát triển mạnh hàng đầu Đông Nam Á phải đau đầu vì bài toán nhân lực ở giai đoạn phục hồi sau dịch.
Tại Việt Nam, tình hình cũng đáng lo không kém khi mà lượng lao động du lịch bỏ việc trong dịch đã dẫn đến hệ lụy thiếu trầm trọng nhân lực ở thời điểm này.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ thời điểm đại dịch đến nay, tổng cộng có đến 72 - 82% lực lượng lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cho đến nay, phần nhiều trong số này đã chuyển nghề, không ít người tìm được nghề nghiệp khác thích hợp và không có ý định quay về với nghề cũ.
Đến nay, dịch bệnh đã lắng xuống, nhiều quốc gia đã hoàn toàn mở cửa, các chính sách về du lịch được khuyến khích trở lại. Thời gian qua, người ta chứng kiến một làn sóng du lịch trong nước mạnh mẽ, như một cách “đi chơi bù” những năm tháng bị kìm hãm do dịch bệnh. Đồng thời, Việt Nam là một trong những điểm đến lý tưởng cho du khách quốc tế. Năm 2023, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón và phục vụ 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 102 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 650 nghìn tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta phải có lực lượng lao động du lịch đáng kể, giỏi tay nghề đáp ứng được nhu cầu về du lịch ngày càng đa dạng, đổi mới của du khách.
Theo bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện nay ngành Du lịch cần khoảng 485.000 lao động trong cơ sở lưu trú du lịch cho công suất trên 70%, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 45.000 người. Dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan, đến năm 2025 cả nước cần có 950.000 - 1.050.000 buồng lưu trú và đến năm 2030 cần 1.300.000 - 1.450.000 buồng. Như vậy, năm 2025, cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800.000 và năm 2030 là hơn 1 triệu, giai đoạn 2022 - 2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động.
Theo chiến dịch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, số lượng lao động ngành Du lịch cần bổ sung trong năm 2022 là trên 3 triệu lao động, trong đó có khoảng hơn 1 triệu lao động trực tiếp. Trong khi đó, khảo sát từ các doanh nghiệp du lịch hiện nay cho thấy, cơ bản lực lượng lao động du lịch đang làm việc chỉ có thể đáp ứng khoảng hơn 50% nhu cầu của thị trường trong thời gian hiện nay, chưa kể nếu có nhu cầu đột biến phát sinh trong thời gian sắp tới.
Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, họ đã đặt kế hoạch phải tuyển dụng nhân sự ổn định, lấp đầy các chỗ trống trước thời điểm cuối năm 2022, nhưng cho đến nay, đã sang năm 2023 mà chỉ tiêu chỉ đạt tầm 60%. Tại một số doanh nghiệp, nhân viên phải đảm trách nhiều vị trí một lúc, hoặc ở những vị trí không quan trọng phải tuyển dụng lực lượng lao động bán thời gian, thời vụ để ứng phó vào thời điểm cao điểm.
Cái khó của việc tuyển dụng lao động đến từ nhiều lý do. Ngoài việc một số lao động du lịch sau thời gian mất việc đã tìm được công việc mới ổn định, không muốn trở lại với nghề thì một lý do quan trọng khác là hiện nay, ngành du lịch chưa hồi phục thực sự, công suất của các hoạt động lưu trú, du lịch lữ hành... vẫn còn chưa ổn định, dẫn đến thu nhập của người tham gia du lịch chưa cao, chưa thu hút được nhân lực.
Một số nhân lực sau thời gian nghỉ việc dài hạn, giờ đây quay trở lại với nghề đã trở nên tụt hậu, bài toán tái đào tạo, giúp lao động cập nhật lại kiến thức, xu hướng mới đòi hỏi phát sinh chi phí, trong khi các đơn vị kinh doanh du lịch vẫn còn nhiều cái khó phải giải quyết.
Cạnh đó, đào tạo không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt nhân sự ngành du lịch. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hàng năm với định hướng phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn, cần đến 40.000 lao động có trình độ thì các trường đào tạo nghề, trường cao đẳng hiện nay cũng chỉ đáp ứng được khoảng 15.000, như vậy thiếu hụt rất lớn.
Ảnh minh họa |
Giải pháp cho hiện tại và tương lai?
Thời điểm hiện tại, để giải bài toán nhân lực, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đang “tự thân vận động” gỡ rối cho chính mình.
Một số đơn vị kinh doanh du lịch ban đầu đưa ra yêu cầu tuyển dụng khá cao với những nhân sự có kinh nghiệm, có chuyên môn vững vàng, nhưng giờ đây phải chấp nhận tuyển dụng sinh viên, người mới ra trường, người chưa có kinh nghiệm và tổ chức đào tạo cấp tốc “tại chỗ” để cung ứng cho nhu cầu trước mắt. Nhiều doanh nghiệp còn tổ chức những hoạt động đào tạo miễn phí chất lượng cao, đưa ra những chính sách hấp dẫn để thu hút nhân sự ở lại với mình.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã chứng tỏ sự nhạy bén khi liên kết với các trường cao đẳng, đại học có chuyên ngành du lịch, tuyển dụng tại chỗ các sinh viên năng động vào làm việc với những cam kết rõ ràng về chính sách đào tạo và thu nhập. Điều này góp phần giúp các em sinh viên tăng thêm va chạm, kinh nghiệm làm nghề ngay từ khi chưa rời ghế nhà trường, tạo đầu ra cho nhà trường và quan trọng là giúp doanh nghiệp phần nào gỡ được cái khó trước mắt.
Đây đều là những cách làm hay, mang lại lợi ích cho nhiều phía, cần được triển khai rộng rãi và sâu hơn.
Tuy nhiên, bài toán thiếu nhân lực không chỉ cần doanh nghiệp nỗ lực là được. Để đi đường dài, cần có những chính sách tốt từ phía cơ quan quản lý. Làm thế nào để “kéo” nhân lực du lịch có kinh nghiệm, có chuyên môn quay lại với nghề? Cạnh đó, cần liên tục đào tạo nhân lực mới với nhiều cấp bậc, trình độ đáp ứng nhu cầu của từng mảng, từng khâu trong ngành du lịch.
Thời gian qua, cơ quan quản lý cũng đã có sự quan tâm đúng mức cho việc xây dựng, phát triển nhân lực ngành du lịch. Bộ VH-TT&DL đã ban hành đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch thích ứng với tác động của đại dịch COVID-19 giai đoạn 2021- 2030”. Theo đó, giai đoạn 2022- 2023 sẽ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho 100% đội ngũ nhân lực du lịch hiện nay, gồm kiến thức, kỹ năng liên quan đến xử lý tình huống phòng, chống dịch bệnh, kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ và các kỹ năng bổ trợ cần thiết khác.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã có kiến nghị Chính phủ ban hành Chương trình phục hồi lao động trong ngành Du lịch. Trong đó, Chính phủ hỗ trợ chi phí đào tạo cho người lao động thông qua doanh nghiệp du lịch hoặc Hiệp hội Du lịch. Mức kinh phí hỗ trợ là 50% chi phí đào tạo từ Ngân sách Trung ương hoặc địa phương, thực hiện trong 2 năm 2023-2024.
Theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, sắp tới, sẽ diễn ra một hội nghị chuyên sâu về đào tạo nhân lực cho ngành du lịch với sự tham gia tổ chức và chủ trì của ba Bộ VHTTDL, GD&ĐT, LĐ,TB&XH. Hội nghị được kì vọng là sẽ đem đến những giải pháp, hướng đi hữu hiệu, có thể cụ thể hóa thành các văn bản để phần nào giải quyết được bài toán nhân lực cho ngành du lịch trong hiện tại và về lâu dài.
Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định: “Mục tiêu đến năm 2025: Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm ba quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới. Đến năm 2030: Du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững...”.
Tất cả những mục tiêu này chỉ có thể đạt được một khi ngành du lịch có thể giải được bài toán nan giải về nhân lực thời điểm này, xậy dựng được những nền tảng bền vững về con người cho tương lai.