Khu vực nông nghiệp “đói” vốn
Hiện nay, đầu tư vào nông nghiệp rất hạn chế, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tính hết năm 2015, ngành Nông nghiệp chỉ thu hút được 521 dự án, chiếm 2,6% tổng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký vỏn vẹn 3,63 tỷ USD chiếm chưa tới 1,3%. Một kênh mà Chính phủ ưu tiên để thu hút nguồn lực vào cho ngành là đầu tư theo hình thức PPP, nhưng thời gian qua thu hút nguồn lực từ kênh nay cũng không mấy hiệu quả.
Theo Ban Thư ký Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững (PSAV), Bộ NN&PTNT, hiện PSAV có 8 nhóm ngành hàng PPP đã được thành lập gồm: cà phê, chè, nhóm hàng hóa chung, nhóm rau quả, nhóm gia vị hồ tiêu và nhóm thủy sản, tài chính và hóa chất nông nghiệp.
Nhưng 6 năm qua, nhóm ngành hàng cà phê và chè được đánh giá có hoạt động tiêu biểu có hiệu quả, nhiều mục tiêu đạt được so với các nhóm khác. Theo đó, chỉ nói riêng ngành hàng cà phê, đã triển khai được 256 mô hình vườn mẫu tại 4 tỉnh, làm tăng năng suất cà phê lên 17%, tăng thu nhập cho nông dân lên khoảng 14% và giảm phát thải tới 55% khí nhà kính trong. Ngoài việc tập huấn cho nông dân, nhóm công tác ngành hàng cà phê cũng đã hỗ trợ xây dựng được bộ tài liệu quốc gia để hướng dẫn sản xuất cà phê bền vững áp dụng cho các vùng trồng cà phê trên cả nước.
Trong khi đó, nhóm rau quả, đặc biệt là nhóm ngành hàng thủy sản dược đánh giá là hoạt động rất yếu. Mặc dù được chỉ định đóng vai trò đồng chủ trì nhưng các cơ quan quản lý nhà nước thuộc khu vực công của Tổng cục Thủy sản thờ ơ trong việc tham gia thực hiện cùng các đối tác.
Theo bà Phạm Thị Hồng Hạnh - Ban Thư ký PSAV, do các ngân hàng thương mại quốc tế đầu tư tại Việt Nam cũng như một số ngân hàng thương mại lớn trong nước không có hệ thống vươn tới các cấp huyện, xã nên dự án thuộc nhóm tài chính không thực hiện được vì chi phí giao dịch tăng quá cao. Thậm chí, quá chán ngán có đối tác tham gia trong nhóm đã chủ động xin rút lui.
“Thực chất các nhóm công tác trong lĩnh vực nông nghiệp gọi là PPP nhưng nó không mang đúng tính chất như các dự án PPP. Bởi, nếu là dự án PPP thì có nghĩa là Nhà nước phải trực tiếp bỏ vốn vào tham gia cùng doanh nghiệp để thực hiện. Nhưng thực tế là không có nên các nhóm công tác PPP này chỉ mang tính chất hợp tác công - tư mà thôi” - bà Hạnh nói.
PPP thế hệ mới
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, chủ trương ưu tiên thu hút đầu tư theo hình thức PPP đã được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật như: Nghị định 15 về đầu tư theo hình tức đối tác công - tư PPP được Chính phủ ban hành tháng 2/2015; thông tư về đầu tư PPP theo chuỗi giá trị hiện đã được Bộ NN&PTNT xây dựng và đang trình Chính phủ xem xét, phê duyệt để nâng cao hiệu quả đầu tư dòng vốn tư nhân trong lĩnh vực này.
“Chúng tôi coi PPP là một trong những khu vực quan trọng để thu hút đầu tư vào ngành phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và tăng cường đầu tư chuyên sâu. Trong giai đoạn phát triển này bên cạnh vai trò điều hành của Chính phủ, vai trò động lực của người sản xuất cần phải có sự đồng hành của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp là tác nhân năng động nhất trong chuỗi giá trị, có tiềm lực để giải quyết các nhiệm vụ lớn của nông nghiệp Việt Nam hiện nay”- Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Cam kết của “tư lệnh” ngành nông nghiệp có vẻ không xa vời khi trong năm 2015, Bộ NN&PTNT bắt đầu có chủ trương thực hiện các dự án mang tính chất “PPP mới”. “Ngành nông nghiệp đã thực hiện 6 dự án, trong đó có riêng một dự án PPP với ngành chè và cà phê đích thân do Bộ NN&PTNT thực hiện với các đối tác là các tập đoàn. Ở dự án này Chính phủ Việt Nam cam kết đầu tư tới 30% nguồn kinh phí vào dự án. 70% còn lại là từ các công ty đối tác. Dự án đến nay đã hoàn thiện về mặt hồ sơ và đã được Bộ NN&PTNT gửi sang Bộ KH&ĐT để đăng ký vào gói dự án”- bà Hạnh tiết lộ.
Tuy nhiên, theo bà Hạnh, hiện nay vướng mắc lớn nhất là thông tư về chuỗi giá trị PPP mà Bộ NN&PTNT xây dựng hiện vẫn đang chờ Chính phủ phê duyệt nên chưa có hành lang pháp lý để thực hiện. “Nghị định 15 do Chính phủ ban hành chỉ thiên về các vấn đề đầu tư hạ tầng, và trong lĩnh vực này thì có rất nhiều văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, đối với PPP theo chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp chúng ta chưa có văn bản pháp lý nào để quy định vấn đề này. Cho nên mặc dù dự án đã hình thành nhưng chưa có hành lang pháp lý nên chúng ta cũng chưa có cơ chế thực hiện” - bà Hạnh cho biết.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), để hợp tác giữa 2 khu vực công –tư đạt được mục tiêu mong muốn cần phải thu hút được sự tham gia các doanh nghiệp trong nước.
Bởi theo chuyên gia này, muốn mở rộng được các mô hình “ưu việt” của các nhà đầu tư nước ngoài lớn thì phải kết nối được hệ thống “chân rết” là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. “Nếu không thì chúng ta sẽ không bao giờ tận dụng được lợi thế của nhau. Các nhà đầu tư nước ngoài có điều kiện rất tốt về công nghệ, vốn, thị trường nhưng lại yếu hơn các nhà đầu tư trong nước trong một số việc như: làm sao làm việc được với nông dân, làm sao làm việc được với chính quyền địa phương, thậm chí làm sao để làm việc được với hệ thống ngân hàng tài chính... Nếu chúng ta nối được với nhau, có một sân chơi chung và có các cơ quan hữu quan của Nhà nước làm “bà mối” thì tôi nghĩ mọi thứ sẽ phát triển rất nhanh” - ông Tuấn nêu quan điểm.
Doanh nghiệp là tác nhân năng động nhất
“Chúng tôi coi PPP là một trong những khu vực quan trọng để thu hút đầu tư vào ngành phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và tăng cường đầu tư chuyên sâu. Trong giai đoạn phát triển này bên cạnh vai trò điều hành của Chính phủ, vai trò động lực của người sản xuất cần phải có sự đồng hành của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp là tác nhân năng động nhất trong chuỗi giá trị, có tiềm lực để giải quyết các nhiệm vụ lớn của nông nghiệp Việt Nam hiện nay”.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường