Vừa qua, một số trang báo mạng đã cho đăng tải các bài viết với nội dung: “Bộ Khoa học và Công nghệ kết luận: Phân bón của công ty Thuận Phong là hàng giả”. Tuy nhiên, ông Khiếu Mạnh Tường – Giám đốc công ty TNHH SX&TM Thuận Phong cho biết: “Chúng tôi hết sức bất ngờ trước thông tin đó. Khi viết bài này, tác giả đã không hề liên lạc làm việc với chúng tôi để xác nhận sự việc. Đưa ra các lập luận nhưng không hề có căn cứ nào xác minh sự chính xác”.
Bản hợp đồng giữa cty Thuận Phong và cty BIO HUMA NETICS, trên đó có đầy đủ chữ ký của ông Lyndon W. Smith – Chủ tịch HĐQT & Tổng giám đốc công ty BIO HUMA NETICS, dấu mộc của công ty BIO HUMA NETICS cũng như của công ty Thuận Phong. |
“Nói về hợp đồng của công ty BIO HUMA NETICS và Thuận Phong, tác giả bài báo không biết đã dựa vào đâu khi kết luận rằng nó không hề có chữ ký của 2 bên. Trong khi đó, ngày 22/9, chúng tôi có buổi gặp gỡ báo chí. Tại đây, chúng tôi cũng đã cung cấp đầy đủ bản hợp đồng giữa 2 công ty, trên mỗi trang của bản hợp đồng này, đều có chữ ký của đại diện công ty BIO HUMA NETICS, và cuối hợp đồng có đầy đủ chữ ký của ông Lyndon W. Smith – Chủ tịch HĐQT & Tổng giám đốc công ty BIO HUMA NETICS, dấu mộc của công ty BIO HUMA NETICS cũng như đầy đủ chữ ký, dấu mộc của ông Khiếu Mạnh Tường, giám đốc cty Thuận Phong”, đại diện cty Thuận Phong nêu ý kiến.
Đại diện Cty Thuận Phong cũng cho rằng, lập luận mà các báo đưa ra “chiếu theo quy định của pháp luật tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ và tại Thông tư số 09/2007/TT- BKHCN ngày 6/4/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ, do Cty Thuận Phong cung cấp không có chữ ký của hai bên, do đó theo quy định của Luật Doanh nghiệp, hợp đồng này không có giá trị pháp lý tại Việt Nam…” là “đánh tráo khái niệm”. Bởi Nghị định này liên quan đến quy định về nhãn hàng hóa, còn thông tư là để hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP, không liên quan đến việc ký kết hợp đồng. Ông Tường bức xúc: “Chúng tôi thừa nhận, về việc in tem nhãn, logo; do còn chưa hiểu biết nên nếu có sai sót sẽ chỉ là vi phạm hành chính. Nhưng tại sao lại đưa Nghị định và thông tư này ra rồi nhận định hợp đồng của 2 công ty không có chữ ký, không có giá trị pháp lý”.
Đứng trước những luồng thông tin thiếu kiểm chứng như trên, Cty Thuận Phong đang rơi vào tình thế hết sức điêu đứng. Sức mạnh thông tin của truyền thông là điều không thể bàn cãi. Nhưng khi ngôn luận được tự do một cách thái quá không đảm bảo sự công tâm, sẽ gây hậu quả nặng nề cho đối tượng bị nhắc tới. Những mất mát về uy tin mà Cty Thuận Phong gây dựng suốt nhiều năm qua là không thể đong đếm được. Nói hợp đồng giữa Thuận Phong và BIO HUMA NETICS không có chữ ký, chẳng khác nào quy kết Thuận Phong sản xuất kinh doanh phân bón giả.
Trong khi, phía Cty Thuận Phong đã cung cấp mọi giấy tờ, giải trình đầy đủ các vấn đề liên quan, thế nhưng không hiểu sao cho đến thời điểm này, các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức để kết thúc vụ việc. Trái lại, những luồng thông tin một chiều, không khách quan về Cty Thuận Phong, lại khiến cho doanh nghiệp này “lãnh đủ“.