Vụ bê bối nói trên bùng lên hôm 3/4 vừa qua, khi các tập đoàn truyền thông trên thế giới bắt đầu tiết lộ kết quả điều tra kéo dài 1 năm trời đối với 11,5 triệu tài liệu từ công ty luật chuyên lập các công ty vỏ bọc ở nước ngoài Mossack Fonseca của Panama.
Theo AFP, bản thân các giao dịch tài chính ở nước ngoài không phải là bất hợp pháp nhưng những giao dịch này có thể được sử dụng để che giấu các tài sản từ cơ quan thuế vụ, rửa tiền thu được từ các hoạt động phạm tội hay các che giấu các tài sản chiếm đoạt được hoặc bất tiện về mặt chính trị.
Trong số những người được nêu tên trong khối tài liệu khổng lồ được gọi là “Tài liệu Panama” nói trên có các cộng sự thân thiết của Tổng thống Nga Vladimir Putin, họ hàng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, cũng như cầu thủ Barcelona Lionel Messi.
Tờ Le Monde dẫn các tài liệu cho thấy Syria cũng đã sử dụng Mossack Fonseca để lập các công ty vỏ bọc ở nước ngoài hòng “né” các lệnh trừng phạt quốc tế và trang trải chi phí chiến tranh. Các thông tin khác có liên quan đến vụ việc dự kiến sẽ được tiết lộ trong những ngày tới đây.
Những tiết lộ ban đầu trong khối thông tin khổng lồ này đã gây chấn động thế giới. Hàng loạt bên liên quan đến đã lên tiếng bác bỏ các thông tin được đưa ra. Điện Kremlin cho rằng việc rò rỉ các thông tin này là âm mưu của Mỹ.
“Ông Putin, nước Nga, sự ổn định của chúng tôi và cuộc bầu cử tới đây là mục tiêu chính, đặc biệt nhằm gây bất ổn tình hình” — người phát ngôn Điện Kremlin trong một tuyên bố nhấn mạnh và cho rằng các nhà báo là cựu nhân viên Bộ Ngoại giao, CIA và cơ quan mật vụ Mỹ. Theo các thông tin mới được công bố, một người bạn thân của ông Putin được cho là sở hữu một đế chế trị giá hơn 2 tỉ USD ở nước ngoài.
Gia đình Messi cũng đã bác bỏ thông tin danh thủ này có liên quan đến hoạt động mờ ám. Thông tin này được đưa ra trong lúc Messi đã bị truy tố về cáo buộc trốn thuế trong một vụ việc riêng rẽ và dự kiến sẽ phải ra hầu tòa về cáo buộc này tại Tây Ban Nha trong tháng 5 tới.
Ngay sau khi các thông tin trên được công bố, Australia thông báo đã mở cuộc điều tra đối với 800 khách hàng giàu có của Mossack Fonseca. Pháp và Hà Lan cũng đã mở các cuộc điều tra liên quan đến vụ việc còn Tây Ban Nha cho biết đang tiến hành điều tra rửa tiền đối với Mossack Fonseca.
Theo VOA, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết đang xem xét một cách nghiêm túc tất cả những cáo buộc khả tín về tình trạng tham nhũng ở nước ngoài có thể có liên quan tới Mỹ hoặc hệ thống tài chính của Mỹ được nêu trong báo cáo. Giới chức Na Uy, Áo và Thụy Điển cũng đã bắt đầu điều tra những ngân hàng lớn để xác định vai trò của các ngân hàng này trong việc lập ra những tài khoản ở nước ngoài.
Về phía Panama, nước này cũng đã cam kết sẽ mở cuộc điều tra nhằm phát hiện các hành vi phạm tội có thể đã xảy ra. Tổng thống Panama Juan Carlos Varela tuyên bố Panama sẽ hợp tác với các cuộc điều tra quốc tế về vụ việc nhưng cũng khẳng định sẽ “bảo vệ hình ảnh của đất nước”, mà theo AFP vốn nổi tiếng là trung tâm của những giao dịch ngầm. Bản thân Công ty Mossack Fonseca đang là các chủ thể điều tra ở Đức và Brazil trong vụ điều tra về rửa tiền có liên quan đến chính phủ hiện tại ở Brazil.
Còn tại thủ đô Reykjavik của Iceland, hàng nghìn người đêm 4/4 đã xuống đường biểu tình yêu cầu thủ tướng nước này phải từ chức vì cáo buộc ông và vợ ông đã sử dụng một công ty bình phong ở nước ngoài để che giấu những khoản đầu tư hàng triệu USD. Tuy nhiên, Thủ tướng Iceland từ chối từ chức.
Các nhà lập pháp Ukraine cũng đã yêu cầu quốc hội điều tra những cáo buộc nói rằng Tổng thống Petro Poroshenko đã chuyển công ty bánh kẹo của mình đến Quần đảo Virgin thuộc Anh vào năm 2014 để tránh thuế, điều mà ông Poroshenko đã kiên quyết bác bỏ.