Mang bao tải tiền đi mua vé số
Trước tiên, cần giải thích sơ qua về cách chơi cờ bạc bằng hình thức lô đề. Đây là cách chơi dựa hoàn toàn vào kết quả xổ số, một loại hình kinh doanh hoàn toàn hợp pháp.
Theo đó, nếu người chơi đánh "đề" thì so với 2 số cuối giải đặc biệt của xổ số, nếu đánh "lô" thì so với toàn bộ 27 giải của kết quả xổ số. Nói cách khác, lô đề như "đứa con rơi" sống bám trên "cơ thể" của xổ số và góp phần khiến cho "cha mẹ nuôi" là xổ số ngày càng teo tóp.
Cần trở lại quãng thời gian hàng chục năm về trước, thời hoàng kim của xổ số để có thể hiểu được phần nào cuộc "soán ngôi" vĩ đại của lô đề. Khoảng giữa những năm 1980, thật khó tin khi biết nghề bán vé xổ số là một nghề hái ra tiền, có thể kiếm ra "cây", ra "chỉ" vàng lấp lánh.
Bà Trần Nguyệt Viên (năm nay 75 tuổi, ngụ ở phố Quán Thánh, Hà Nội) một người có thâm niên hàng chục năm bán vé số cho biết: "Năm 1985, mặc dù đang có sạp bán hàng khô ở chợ Đồng Xuân nhưng qua tìm hiểu kỹ càng về lợi nhuận khi bán vé số, tôi đã quyết định sang nhượng lại sạp hàng để chuyển nghề mới".
Theo bà Viên, ngày đó để trở thành đại lý bán vé số không phải chuyện dễ dàng. Ngoài khoản tiền đặt cọc không nhỏ, bà còn phải có mối quen biết với người của công ty xổ số. Rời khỏi chợ Đồng Xuân, bà về bày hàng bán vé số ở phố Hàng Than, nơi quy tụ của hàng chục hàng xổ số.
Đông đúc như thế nhưng đúng với câu "buôn có bạn, bán có phường", hàng ngày, vé số ở khu vực này hầu như đều được bán hết, những ngày ế vài chiếc chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Kể về thời hoàng kim của nghề bán vé, bà Viên chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị. Ngày đó, có những người chơi mang cả... bao tải để đi mua xổ số. Chuyện không hề ngoa bởi những người máu mê rất thích mua cả một "chưởng" xổ số.
Ví dụ người chơi thích vé số có hai số cuối là 87 chẳng hạn, khi đi mua xổ số, họ thường "vét" tất cả những tờ vé có hai số như thế. Mà theo bà Viên, mỗi đại lý thường có "chưởng" ít thì vài trăm nhiều thì cả nghìn tờ vé số có cùng hai số cuối. Như thế, nếu người chơi mua "chưởng" xổ số ở khu vực phố Hàng Than nơi có hàng chục đại lý, thì việc phải mang bao tải đi đựng vé số cũng không có gì là lạ.
Bà Viên kể lại một câu chuyện "chết buồn cười" của những năm 1980 ấy. Lần đó thấy một khách quen đi qua, bà đon đả chào mời "Anh ơi, vào đánh cho tôi một "chưởng" đi". Người khách bật cười "Cháu thanh niên trai tráng thế này, đẩy cô một cái là đủ rồi, lại còn đánh cho cô một "chưởng" nữa thì làm sao cô chịu nổi". Nhận ra sự trùng nghĩa giữa "chưởng" vé với "chưởng" là nắm đấm, dẫn đến sự hiểu nhầm kỳ khôi, cả người mua và người bán đều ôm bụng cười.
Thời đó, chuyện vé số bán chạy, chỉ chưa hết buổi chiều là đại lý đã hết vé diễn ra như cơm bữa. Những lúc như thế, bà Viên thường huy động gần chục người thân, đi thu mua vé ở một vài nơi khác rồi mang về bán hơn vài giá so với giá in trên tờ vé số mà vẫn hết veo.
"Nếu việc làm đại lý xổ số không mang lại lợi nhuận cao thì dại gì tôi bỏ sạp hàng trên chợ. Đúng là có một thời, người làm nghề bán vé số có thể kiếm ra tiền, sống khỏe. Nhưng chỉ được vài năm thôi, khi tệ nạn lô đề bắt đầu hoành hành thì xổ số rơi vào ế ẩm", bà Viên chia sẻ.
Cuộc "soán ngôi" dễ dàng
Sự sa sút của nghề bán xổ số, việc vé số ế ẩm cũng có phần không nhỏ lỗi của chính công ty xổ số. Theo trí nhớ của bà Viên thì ngày đó chỉ có 16 hoặc 18 giải thưởng. Nghĩa là chọn mua 1 tờ vé có hai số đuôi bất kỳ từ 00 đến 99, người chơi rất khó có thể trúng thưởng với xác suất 16- 18%.
Và thực chất, đi tìm sự may mắn khi mua xổ số, người chơi luôn hy vọng được trúng những giải thưởng cao như giải đặc biệt còn gọi là độc đắc. Nhưng giải độc đắc ngày đó phải so cả số seri, là ký hiệu riêng trên từng tờ vé, nên cái cơ hội được trúng thưởng lại càng mong manh. Rồi đến đầu những năm 1990, tệ nạn lô đề bắt đầu phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh gay gắt với xổ số kiến thiết...