Thời hạn cho vay trong tín dụng đầu tư của Nhà nước có thể tới 12 năm và được vay tới 85% đối với giá hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu... là những quy định mới trong dự thảo Nghị định về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu.
Để được vay vốn, chủ đầu tư là cần có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu (ảnh minh họa)
Dự án nhóm A được vay tới 50% tổng mức đầu tư
Trong tín dụng đầu tư của Nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp có dự án thuộc diện vay vốn tín dụng đầu tư (gọi chung là chủ đầu tư) nằm trong đối tượng điều chỉnh của dự thảo Nghị định.
Theo đó, để được vay vốn, chủ đầu tư là cần có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu tham gia dự án và phải bảo đảm đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, các điều kiện tài chính cụ thể của phần vốn đầu tư ngoài phần vốn vay tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Chủ đầu tư phải mua bảo hiểm tài sản tại một công ty bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với tài sản hình thành từ vốn vay thuộc đối tượng mua bảo hiểm bắt buộc trong suốt thời hạn vay vốn.
Đối với dự án đầu tư nhóm A, mức vốn cho vay tối đa bằng 50% tổng mức vốn đầu tư của dự án đó; dự án nhóm B tối đa bằng 60% và tối đa bằng 70% tổng mức vốn đầu tư đối với dự án nhóm C.
Trường hợp đặc biệt, dự án nhất thiết phải vay với mức cao hơn tổng mức tối đa theo quy định, Ngân hàng Phát triển Việt Nam báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Thời hạn cho vay được xác định theo khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng trả nợ của chủ đầu tư phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của dự án nhưng không quá 12 năm.
Lãi suất cho vay đầu tư không thấp hơn lãi suất huy động bình quân cộng với phí hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Lãi suất nợ quá hạn đối với mỗi khoản giải ngân bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn đối với từng khoản giải ngân.
Bộ trưởng Bộ Tài chính công bố lãi suất cho vay để Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện. Số lần công bố lãi suất hàng năm tối đa là 2 lần. Đồng tiền cho vay là đồng Việt Nam.
Đối tượng được hỗ trợ sau đầu tư là các chủ đầu tư có dự án trong Danh mục dự án vay vốn tín dụng đầu tư, gồm: Các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; Các dự án đầu tư phát triển công nghiệp; Các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Cho vay tới 85% giá trị hợp đồng xuất khẩu
Đối với tín dụng xuất khẩu, điều kiện bắt buộc để được vay vốn là các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước có hợp đồng xuất khẩu hoặc các tổ chức nước ngoài nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam;
Bên cạnh đó, nhà xuất khẩu phải thực hiện các quy định về bảo đảm tiền vay, phải mua bảo hiểm tài sản tại một công ty bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với tài sản hình thành từ vốn vay thuộc đối tượng mua bảo hiểm bắt buộc trong suốt thời hạn vay vốn; Còn nhà nhập khẩu phải được Chính phủ hoặc Ngân hàng trung ương của nước bên nhà nhập khẩu bảo lãnh vay vốn.
Mức cho vay tối đa bằng 85% giá trị hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu đã ký hoặc giá trị L/C đối với cho vay trước khi giao hàng hoặc trị giá hối phiếu hợp lệ đối với cho vay sau khi giao hàng.
Thời hạn cho vay xác định theo khả năng thu hồi vốn phù hợp với đặc điểm của từng hợp đồng xuất khẩu và khả năng trả nợ của nhà xuất khẩu (hoặc nhà nhập khẩu) nhưng không quá 12 tháng. Trường hợp cần thiết, thời hạn cho vay trên 12 tháng thì Ngân hàng Phát triển Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính xem xét, quyết định. Đồng tiền cho vay là đồng Việt Nam.
Lãi suất cho vay xuất khẩu do Bộ Tài chính quyết định theo nguyên tắc phù hợp với lãi suất thị trường. Lãi suất nợ quá hạn đối với mỗi khoản giải ngân bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn theo hợp đồng tín dụng đã ký với Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Điều kiện để được bảo lãnh dự thầu là nhà xuất khẩu có tài liệu hợp pháp chứng minh yêu cầu của phía nước ngoài về bảo lãnh dự thầu hoặc bảo lãnh thực hiện hợp đồng xuất khẩu, đồng thời phải có năng lực tài chính để tham gia dự thầu hoặc thực hiện hợp đồng xuất khẩu được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định và chấp thuận bảo lãnh.
Mức bảo lãnh tối đa không quá 3% giá dự thầu đối với bảo lãnh dự thầu và tối đa không quá 15% giá trị hợp đồng xuất khẩu đối với bảo lãnh thực hiện hợp đồng xuất khẩu.
Nhà xuất khẩu được bảo lãnh phải nhận nợ bắt buộc đối với số tiền Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã trả cho bên nước ngoài và phải chịu lãi suất phạt bằng 150% lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu tính trên số tiền nhận nợ.
Nguồn: Dân trí