Ngày thơ Lâm Đồng được diễn ra đúng Tết Nguyên tiêu - rằm tháng giêng năm Tân Mão tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Người Việt vốn yêu thơ, hay có thể ví von trong mỗi tâm hồn Việt đều có một thi sỹ và một chiến sỹ “lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa” (thơ Chế Lan Viên). Nhưng hôm nay, giữa đời sống hiện đại hối hả với nguồn thông tin xối xả từ internet, chỗ đứng của thơ có còn được trân trọng như với cha ông ta xưa kia, khi mỗi câu thơ đều có thể truyền cảm hứng cho tâm hồn người. Chúng tôi đã phỏng vấn nhanh 3 người đang gắn bó với thơ Lâm Đồng hôm nay. Họ là Nguyễn Thánh Ngã, nhà thơ hiện đang sống ở Lâm Hà; Phạm Ngọc Uyên Thao, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và ông Lê Công, hiện đang giữ vai trò lãnh đạo của Hội VHNT Lâm Đồng.NGUYỄN THÁNH NGÃ: Thơ là khoảng lặng của tâm hồn Đời sống hôm nay bon chen hối hả quá, những người được gọi là nhà thơ cũng không đứng ngoài đời sống thật được. Chúng tôi phải sống trong dòng chảy thời cuộc, phải đối mặt với những thách thức và hệ lụy của nó. Và nhất là “cơm áo không đùa với khách thơ”, nhà thơ cũng phải đối phó với vấn đề cơm, áo, gạo, tiền canh cánh và đây cũng là nỗi đau đáu của rất nhiều thế hệ nhà thơ, trong đó có nhà thơ thời hiện đại. Tôi nói thật, hiện chẳng nhà thơ nào khẳng định sống được bằng thơ, chúng tôi phải tìm nguồn khác để nuôi thơ. Nhưng dẫu khó khăn, cay đắng thì thơ ca vẫn là thứ không thể xóa bỏ, không thể phủ nhận. Con người, dù sống ở đâu, mê mải với tiền tài danh vọng với mức nào cũng phải có lúc nghỉ ngơi cho tâm hồn nhẹ nhõm. Và thơ chính là khoảng lặng đó, là nơi trú ẩn, giúp tâm hồn có chỗ dừng chân thanh thản. Dù thế nào đi chăng nữa, dù đời sống có thay đổi theo chiều hướng nào đi nữa, tôi vẫn tin thơ ca sẽ trường tồn với thời gian, với đời người vì ai không cần một khoảng nghỉ chân khi đang đi trên con đường lữ hành dài vô tận. Bởi vậy, dù cay đắng đến đâu, chúng tôi vẫn nguyện gắn bó với thơ.PHẠM NGỌC UYÊN THAO: Người trẻ ít quan tâm tới thơ ca Năm nay 20 tuổi, em tự thấy em là một người trẻ và nếu như hầu hết người trẻ khác mê mải với internet, với các trang mạng xã hội thì em lại mê mải với thơ. Bạn bè cùng lứa tuổi với em hầu hết đều rất ít quan tâm tới thơ ca. Bởi em thấy, bản thân chúng em còn thờ ơ với chính cuộc sống thì thơ ca cũng không phải ngoại lệ. Hiếm thấy bạn trẻ nào bây giờ còn đọc thơ, làm thơ, sưu tầm từng câu thơ hay như thời ông bà, cha mẹ của em. Nhưng với em, thơ vẫn chiếm một phần quan trọng trong cuộc sống. Dù làm gì, sống với nghề nghiệp nào thì thơ vẫn song hành với cuộc đời, giúp tâm hồn phong phú và và sống động hơn, dễ đồng cảm với người khác hơn. Nhiều bạn nói, người đa đoan mới làm thơ, thời nay ai còn làm thơ khi mà cần thông tin gì chỉ cần một cái click chuột. Nhưng em tin, dù trong xã hội trẻ bộn bền thông tin nhưng nhu cầu vào một nơi tĩnh lặng vẫn còn. Và nơi tĩnh lặng ấy chính là thơ. Và chắc chắn, dù có thế nào, thơ cũng sẽ vẫn tồn tại trong tâm hồn người trẻ.LÊ CÔNG: Chúng tôi cố gắng giúp nguồn thơ chảy mãi Với tư cách là người làm văn học nghệ thuật tại địa phương, bản thân tôi cũng như anh em trong Hội VHNT tỉnh đều cố gắng hết sức để nguồn thơ Lâm Đồng được tiếp nối. Các ấn phẩm về thơ dành cho bạn trẻ làm thơ và yêu thơ như tạp chí Lang Bian, Đà Lạt trẻ, những đợt tập huấn sáng tác cho nhà thơ trẻ...chúng tôi vẫn thường xuyên tổ chức, thu hút một lượng các bạn trẻ đến với thơ ca. Nhưng quả thật, lực lượng làm thơ trẻ của Lâm Đồng khá hiếm hoi. Hầu hết các bạn trẻ đều là sinh viên và khi ra trường, các bạn chia tay Lâm Đồng để đến các địa phương khác nên nguồn tiếp nối cũng có phần hạn chế. Điều này nằm ngoài tầm tay những người làm công tác văn nghệ và chúng tôi cũng rất day dứt. Điều tôi mong mỏi là cả xã hội hãy quan tâm hơn tới thơ ca, khi xã hội yêu thơ thì người trẻ cũng sẽ gắn bó với thơ nhiều hơn và sẽ có những nhà thơ trong tương lai.
DIỆP QUỲNH (Thực hiện)