Một người đàn ông đã tỏ ra rất đau khổ khi cậu quý tử mới chưa đầy 15 tuổi của mình bị bắt vì tội cướp giật. Ông đã không thể lý giải nổi bởi con ông không thiếu một thứ gì. Cậu lại vốn là cậu bé khoẻ mạnh và hết sức ngoan ngoãn, hiền lành. Chính vì vậy mà ông bà hết sức yên tâm bỏ mặc cậu ở nhà với người giúp việc. Đến một ngày... ông bà mới vỡ lẽ ra rằng đã từ lâu rồi cậu được các bạn rủ đi đua xe, rồi tham gia cướp cho vui chứ không phải vì cần tiền.
Có một thực trạng cần cảnh báo đối với các bậc phụ huynh hiện nay là khi con ở tuổi mẫu giáo, nhà trẻ thì họ rất quan tâm. Nhưng đến khi con ở tuổi vị thành niên, lúc đó không còn phải lo đến chuyện chăm bẵm, ăn uống nữa thì bỏ lửng. Điều này hết sức nguy hiểm vì đây là lứa tuổi "chấp chới" giữa trẻ con và người lớn, luôn muốn làm người lớn, luôn muốn khẳng định mình, nhưng suy nghĩ lại vẫn trẻ con.
Nếu gia đình không có sự quan tâm, giáo dục lành mạnh, giúp các em có lối sống đúng thì việc các em mất phương hướng là điều hiển nhiên (Ảnh minh họa) |
Một cô bé đã thốt lên rằng, em lúc nào cũng cảm thấy buồn tủi vì em không cần tiền. Có tiền mà em luôn thui thủi một mình ở nhà với người giúp việc xa lạ cả trong cung cách nói năng và sở thích... thì chẳng để làm gì. Em không thích giàu có, chỉ muốn có một gia đình ấm áp tiếng cười nói của bố mẹ sau mỗi ngày đi học về mà thôi. Thời gian gần đây em luôn trong trạng thái thu mình vào vỏ ốc, không muốn giao thiệp với bất cứ ai.
Trong cuộc sống gấp gáp hôm nay, cũng khó tránh được việc những ông bố bà mẹ phải cố gắng công sức để tạo dựng sự nghiệp, cho con cái một cuộc sống vật chất dư thừa. Nhưng chính cuộc sống thực của những đứa con họ lại quên mất.
Một người con đã tâm sự: Kể từ lúc biết suy nghĩ, chưa bao giờ em được nói chuyện với bố mẹ. Bố mẹ chỉ biết đi làm từ sáng đến tối, kiếm thật nhiều tiền. Sự im lặng lâu ngày biến em thành một con người khác. Ở trường em ít bạn. Rồi em đến với những người bạn học kém, mải chơi, bởi họ làm cho cuộc sống trầm lặng bấy lâu của em khuấy động. Em bắt đầu lao vào những cuộc ăn chơi, yêu đương bạt mạng mà bố mẹ cũng không hay biết. Có những lúc em thấy chán ghét, khinh bỉ những trò vui ấy và căm ghét chính cả bản thân mình. Nhưng em nhận thấy cuộc sống vô nghĩa, bởi bố mẹ em thờ ơ quá, lạnh lùng quá thì em còn biết làm gì hơn.
Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, bố mẹ không nên phó mặc con cái cho nhà trường. Bởi nếu gia đình không có sự quan tâm, giáo dục lành mạnh, giúp các em có lối sống đúng thì việc các em mất phương hướng là điều hiển nhiên. Và thay vì trách con mình hư, không biết làm cho bố mẹ mở mày mở mặt, thì hãy tự trách chính bản thân mình đã quá thờ ơ với con cái.
Có một ông bố khi nghe tin con trượt tốt nghiệp phổ thông đã đánh con nát mấy cái roi. Nhưng ông đã quên mất rằng từ lúc con bước vào cấp ba chưa một lần ông hỏi xem con học hành thế nào. Đã không ít lần con ông muốn nói về những điểm yếu của em trong học tập, muốn hỏi ông bài nọ, câu văn kia, ông đều gạt đi, ông ném cho con một nắm tiền bảo con "hãy đi tìm thầy giỏi mà học thêm, bố còn đang bận". Không phải vì không tìm được thầy giỏi. Mà chính thái độ thờ ơ của bố đã khiến em phản kháng bằng cách không cần học nữa. Vì học để làm gì, có được điểm tốt bố mẹ cũng đâu có quan tâm.
Theo Kinh tế&Đô thị