Các trường và trung tâm dạy nghề ở ĐBSCL thiếu giáo viên trầm trọng. Nhiều trường “xé rào” quy định để tuyển dụng nhưng vẫn không đủ, giáo viên phải gồng mình dạy tăng tiết để bảo đảm chương trình học.
Học sinh trường Trung cấp nghề Trà Vinh trong giờ thực hành. Ảnh: Kiến Giang |
Nơi nào cũng thiếu
Cần Thơ có 644 giáo viên dạy nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp và các trung tâm dạy nghề trong và ngoài công lập. Trong đó, 50 người có trình độ sau đại học, 332 người đại học, 86 cao đẳng, còn lại 176 người trình độ trung hoặc sơ cấp.
Theo đánh giá của Sở Nội vụ Cần Thơ, lực lượng giáo viên nghề vừa thiếu vừa hạn chế về chất lượng. Hầu hết các trường và trung tâm đều thiếu giáo viên trầm trọng nên chất lượng dạy học thấp.
Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ, một trường trọng điểm dạy nghề ở ĐBSCL, chỉ có 70 giáo viên dạy 1.945 sinh viên chính quy, chưa kể hàng trăm học sinh đào tạo theo mô hình liên kết, ngoài chính quy.
Trong khối công lập, Trung tâm Công nghệ Phần mềm Cần Thơ có ít giáo viên nhất: chỉ 11 người và toàn bộ chưa qua đào tạo chuẩn hóa. Ở khối ngoài công lập và các doanh nghiệp có dạy nghề, số lượng giáo viên còn lèo tèo hơn, có trường như Trung học Dân lập Bách Nghệ chỉ có 8 giáo viên, trong đó có 7 người chưa chuẩn hóa trình độ.
Ở Vĩnh Long, Sở LĐ-TB&XH tỉnh thống kê: Toàn tỉnh có 619 giáo viên dạy nghề, trong đó giáo viên cơ hữu 394 người, còn lại là giáo viên hợp đồng, thỉnh giảng. Số lượng giáo viên hợp đồng, thỉnh giảng đang dạy 36 % chương trình.
Theo tính toán, cả tỉnh còn thiếu 240 giáo viên cơ hữu, và ngày càng thiếu gay gắt. Cả tỉnh có 2 trung tâm dạy nghề tư thục, 7 trung tâm dạy nghề tại các huyện thị, không nơi nào có đủ một nửa số giáo viên so với nhu cầu.
Tỉnh Trà Vinh có 5 trung tâm dạy nghề, 1 trường đại học có đào tạo nghề và một trường trung cấp nghề, nơi nào cũng thiếu giáo viên trầm trọng. Trường Trung cấp Nghề Trà Vinh có gần 2.000 sinh viên, học sinh ở các hệ đào tạo nhưng chỉ có 35 giáo viên. Bình quân hơn 1 giáo viên/57 học sinh trong khi chuẩn của Tổng cục Dạy nghề là 1 giáo viên/20 học sinh.
Giật gấu vá vai
Ông Lê Đình Thủy, Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính, Trường Trung cấp Nghề Trà Vinh cho biết: Số lượng giáo viên hiện tại chỉ có thể đáp ứng 60% chương trình của trường. Thiếu giáo viên trầm trọng nên năm nào trường cũng thông báo tuyển dụng rộng rãi từ ĐBSCL đến TP Hồ Chí Minh, ra cả Nha Trang nhưng vẫn không kiếm được người.
Năm 2010, chỉ tiêu của trường tuyển thêm 30 giáo viên nhưng đến nay mới nhận được 3 hồ sơ dự tuyển. Thiếu giáo viên nên đội ngũ giáo viên hiện tại phải tăng dạy thêm.
“Theo quy định, một năm học một giáo viên không dạy thêm quá hai trăm tiết nhưng ở trường này, mỗi giáo viên dạy thêm hàng ngàn tiết là thường” - Ông Thủy cho biết.
Trường Trung cấp nghề Vĩnh Long cũng có cơ sở vật chất khá hoành tráng, trang thiết bị giảng dạy hiện đại hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, quy mô đào tạo của trường thì lèo tèo. Trường có 1.000 học sinh theo học ở 4 ngành.
Hiệu trưởng Nguyễn Văn Dũng than thở. “Trường được phép đào tạo tám ngành nhưng do không đủ giáo viên nên nhiều năm qua chỉ duy trì được bốn ngành”.
Thiếu giáo viên và chương trình giảng dạy nhiều khiến các giáo viên thường xuyên quá tải. Để chữa cháy, trường phải tuyển dụng người có trình độ tương đương rồi bồi dưỡng thêm.
Theo Tiền Phong