Bỏ học làm tin tặc
Năm 2009, Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50 – Bộ công an) Việt Nam nhận được đề nghị của cơ quan chống tội phạm nguy hiểm có tổ chức – Vương quốc Anh (SOCA), đề nghị điều tra một nhóm tội phạm có nguồn gốc ở Việt Nam.
Theo thông tin từ SOCA cung cấp, nhóm có biệt danh “Mattfeuter” đã chiếm đoạt hàng trăm triệu USD từ hoạt động mua bán thông tin thẻ tín dụng trộm cắp của người nước ngoài.
Từ nguồn tin ít ỏi của nước bạn cung cấp, trong khi đó các đối tượng tội phạm công nghệ cao đều sử dụng thông tin “ảo” nên cơ quan điều tra Việt Nam đã gặp không ít khó khăn. Lần theo đường dây, C50 phát hiện một đối tượng có tên Trương Hải Duy.
Tuy nhiên Duy lại là người khuyết tật có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Phải chăng đây là vỏ bọc hoàn hảo của “ông trùm” công nghệ?.
Với con mắt nghiệp vụ sắc sảo, các trinh sát dày dặn kinh nghiệm của C50 nhận định: Trương Hải Duy chỉ là bức “bình phong”, đối tượng thực sự cầm đầu đường dây còn giấu mặt. Phải mất hai năm, cơ quan CSĐT mới khiến “ông trùm” thực sự của đường dây tội phạm công nghệ cao này lộ diện.
Văn Tiến Tú (SN 1987, TP HCM) trước kia là sinh viên khoa Công nghệ thông tin của một trường Đại Học ở TP HCM. Mặc dù chỉ học 2 năm rồi bỏ giữa chừng, nhưng đối tượng rất giỏi về tin học.
Đầu năm 2009, Tú phát hiện một số tin tặc (các đối tượng chuyên lấy cắp thông tin thẻ tín dụng) loại: Visa Card, Master Card, Amex Card … (gọi tắt là CC) tại các nước Anh, Pháp, Mỹ và một số nước trên thế giới. Những đối tương này giao bán số thẻ mà chúng lấy được trên một số diễn đàn của nước ngoài.
Từ đây Văn Tiến Tú đã thành lập nhóm có tên là “Mattfeuter”, đồng thời tuyển dụng nhân viên mua bán thông tin trên thẻ tín dụng bị trộm.
Trong đó, Lê Văn Kiều được giao nhiệm vụ là người trực tiếp mua “CC” từ các tin tặc nước ngoài. Các đối tượng còn lại làm nhiệm vụ “tiếp thị” số thẻ tín dụng gian mà chúng mua được cho những khách hàng có nhu cầu để lấy tiền chênh lệch.
Cụ thể, giá mua mỗi thẻ là 0,6-6USD. Sau đó, các đối tượng bán ra với giá từ 1-30USD/thẻ. Ngoài ra, để nhận và chuyển tiền từ nước ngoài về, Tú tự thành lập công ty cổ phần ô tô Toàn Cầu do mình làm giám đốc. Tú khai báo với các ngân hàng, tiền từ nước ngoài chuyển về là tiền công thiết kế Website.
Từ năm 2009-31/5/2013, Văn Tiến Tú và nhóm “Mattfeuter” thu lợi bất chính số tiền hơn 61 tỷ đồng. Trong đó, Tú trả tiền công cho các nhân viên số tiền khoảng 6 tỷ đồng. Trừ chi phí, sau 4 năm hoạt động, đối tượng này “lãi”… 56 tỷ đồng.
Chỉ trong một thời gian ngắn, từ một thanh niên không có việc làm tới một đại gia sở hữu trong tay số tài sản khổng lồ, nhưng Tú vẫn muốn mở rộng “kinh doanh” làm giàu hơn nữa.
Khoảng tháng 5/2012, Tú được một đối tượng ở Hà Nội cấp cho các tài khoản trên trang “ibet888.com” và “sbobet.com”. Từ các tài khoản này, đối tượng lập ra các tài khoản nhỏ cung cấp cho các “con bạc” chơi cá độ. Với những lần “con bạc” thua, Tú nhận được 50% số tiền. Nếu “con bạc” thắng, Tú phải trả 50% và “đầu trên” của Tú ở Hà Nội phải chịu số tiền còn lại.
Tú đã tuyển mộ cả một đội ngũ nhân viên có trình độ tin học để phục vụ cho đường dây đánh bạc của mình. Trong đó, hai đối tượng chịu trách nhiệm kỹ thuật, thiết kế Website. Các đối tượng còn lại có nhiệm vụ hướng dẫn trực tuyến cho các “con bạc” về cách thức tạo tài khoản, cách thức chuyển tiền đánh bạc, nhận tiền thắng bạc.
Tổng số tiền thu lợi bất chính từ hành vi tổ chức đánh bạc là 864 triệu đồng. Trong đó Tú được hưởng hơn 520 triệu đồng.
Để tránh sự phát hiện và xử lý của cơ quan chức năng, Tú bố trí nhóm hỗ trợ viên đến làm việc tại một căn nhà thuê ở Campuchia (nằm giáp biên giới giáp Tây Ninh của Việt Nam).
Tinh vi hơn, đã che mắt dư luận, đối tượng đã chọn thuê nhiều nhân viên là người khuyết tật, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Do đó, dù hoạt động suốt thời gian dài, chiếm đoạt số tiền lớn nhưng đường dây của Tú vẫn không bị phát hiện.
Khắc phục toàn bộ 56 tỷ đồng
TAND sơ thẩm nhận định: Văn Tiến Tú phạm tội với vai trò chủ mua, cầm đầu, là người tổ chức điều hành hoạt động cho các đồng phạm trong nhóm mua bán thông tin thẻ tín dụng cũng như phân công và chỉ đạo các bị cáo thực hiện hành vi “Tổ chức đánh bạc”.
Quá trình điều tra có đủ căn cứ xác định số tiền bị cáo Văn Tiến Tú thu lợi bất chính trong hành vi “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng” là hơn 56 tỷ đồng, trong hành vi tổ chức đánh bạc là hơn 520 triệu đồng.
Từ đó, Tòa sơ thẩm tuyên phạt Văn Tiến Tú 7 năm 6 tháng tù, cho hai tội danh là “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng Internet” và “tổ chức đánh bạc”, đồng thời nộp phạt bổ sung số tiền 300 triệu đồng. Ngoài ra về trách nhiệm dân sự phải nộp số tiền hơn 56 tỷ đồng. Các đồng phạm khác của Tú bị phạt từ 1 năm 6 tháng đến 4 năm tù giam.
Ngoài ra 19 đối tượng khác là “con bạc” cá độ trên Website của Văn Tiến Tú cũng bị VKSND truy tố về tội ‘đánh bạc”, bị tuyên án từ 1 năm 6 tháng tù treo đến 2 năm tù giam. Sau bản án sơ thẩm, Tú và 13 bị cáo khác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt
Ngày 31/10, TAND cấp cao tại TP.HCM mở phiên xử phúc thẩm vụ án. Trước ngày xét xử, Văn Tiến Tú đã khắc phục toàn bộ số tiền thu lợi bất chính là 56 tỷ đồng, đồng thời nộp phạt bổ sung 100 triệu đồng.
Theo HĐXX cấp phúc thẩm: Đây là số tiền đặc biệt lớn, do đó cần giảm án cho bị cáo. Đồng thời, một số bị cáo khác đã khắc phục thiệt hại, hoàn cảnh gia đình khó khăn, đang nuôi con nhỏ…được HĐXX cho hưởng án treo.
Với số tiền lớn, hành vi phạm tội diễn ra trong thời gian dài, thường các bị cáo chỉ khắc phục được một phần hậu quả. Thậm chí có bị cáo sẵn sàng “hi sinh” vài năm tù chứ quyết tâm không chịu trả lại số tiền thu lợi bất chính. Việc khắc phục toàn bộ số tiền hơn 56 tỷ như bị cáo Tú được cho là hiếm.
Lật lại hồ sơ của Văn Tiến Tú có thể thấy tính cách khá đặc biệt của “ông trùm” công nghệ này. Trong khi các “đại gia” trẻ tuổi thường đốt tiền cho những thú chơi ngông hoặc nuôi vài ba “chân dài” để thể hiện đẳng cấp, riêng Tú khi bị bắt, trong 5 tài khoản ngân hàng, tài khoản có nhiều tiền nhất cũng chỉ có 10 triệu đồng.
Còn lại mỗi tài khoản chỉ có vài trăm ngàn, thậm chí có tài khoản chỉ có 2 ngàn đồng. Số tiền ông trùm này gửi trong ngân hàng cũng chỉ có hơn 800 triệu đồng.
Tất cả số tiền kiếm được Tú đầu tư vào bất động sản. Mặc dù chưa tới 30 tuổi, nhưng “đại gia” công nghệ này sở hữu đến 4 ngôi nhà và một miếng đất ở trung tâm TP HCM. Ngoài ra, Tú dành số tiền không nhỏ để sắm hẳn một dàn xe hơi đắt tiền.
Thời điểm bị bắt số tài sản trên vẫn còn nguyên vẹn, vì vậy Văn Tiến Tú đã sử dụng chúng để giao nộp khắc phục hậu quả và được HĐXX giảm án 2 năm tù từ 7 năm 6 tháng xuống còn 5 năm 6 tháng tù giam.