Bắt nã xong còn lo tìm chỗ... nuôi con cho đối tượng

Hồ sơ truy nã Võ Thị Bích Thùy
Hồ sơ truy nã Võ Thị Bích Thùy
(PLO) -Khi chồng đã phải đi tù trả giá cho hành vi của mình, Võ Thị Bích Thùy (SN 1965, ở phường Hòa Liên, quận Hòa Vang, Đà Nẵng) lợi dụng chính sách nhân đạo cho tại ngoại nuôi con nhỏ, đã ẵm con bỏ trốn. Ngày bắt được Thùy, các trinh sát đã gặp phải một tình huống không ngờ...

Vợ chồng “đại gia ve chai” 

Trầm ngâm trước tập hồ sơ phủ bụi, thượng tá Trần Cảnh, Phó trưởng phòng PC52 cho biết, để bắt tội phạm truy nã, lực lượng chức năng không bỏ qua bất kỳ manh mối nào dù là nhỏ nhất. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, vì yếu tố nhân văn mà buộc phải thay đổi chiến thuật. Một trong những đối tượng khiến anh em truy nã “chùng tay” là trường hợp Võ Thị Bích Thùy.

Theo hồ sơ lưu trữ, Thùy sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Hòa Liên, ba mẹ đều qua đời sớm vì bệnh tật. Thùy lầm lũi với ruộng đồng nuôi các em. Về sau, thấy cuộc sống ở quê khó khăn, các em đều đã lập gia đình, Thùy mới theo bạn bè vào Đồng Nai sinh sống. Tại đây, Thùy tình cờ gặp người đàn ông cùng quê Lê Văn Thắng (SN 1954) và nên nghĩa vợ chồng vào năm 1998. 

2 vợ chồng cố gắng tích cóp, vay mượn để mở trang trại chăn nuôi heo với hy vọng làm giàu nơi xứ người. Tuy nhiên, đại dịch heo tai xanh ập xuống khiến vợ chồng Thùy tiêu tan hết tài sản. Cũng thời điểm này, Thùy sinh con nên vợ chồng quyết định về quê, chuyển qua nghề bán ve chai dạo mưu sinh.

Nhờ chịu khó làm ăn và chi tiêu tiết kiệm nên chỉ một thời gian ngắn, vợ chồng Thùy gầy dựng lại được một số vốn kha khá, mở hẳn đại lý thu mua tại nhà chứ không rong ruổi ngõ trên xóm dưới nữa.

Đầu năm 2005, 2 vợ chồng “đại gia” ve chai nghe “bạn hàng” ngồi rỉ tai về việc một số người dân dưới phố đua nhau cầm tiền tỉ lên Hòa Vang tìm mua đất đai. Nghĩ cả đời, có tích cóp tài sản cũng chỉ danh đồng nát… con cháu chẳng nở mày nở mặt được, vợ chồng Thùy quyết định lập ngay văn phòng kinh doanh bất động sản đầu tiên ở địa phương. 

Có ít vốn liếng từ trước, Thùy tân trang lại mặt bằng ngôi nhà, làm biển hiệu, bản thân vợ chồng Thùy cũng tạo cho mình vỏ bọc sang trọng, in card phân phát khắp xóm…Bắt tay vào nghề, ban đầu Thùy cũng đi săn lùng những mảnh đất cần bán trong dân, Thắng có nhiệm vụ tiếp cận người mua rồi làm trung gian hưởng chênh lệch. 

Thế nhưng khi mới giao dịch thành công cho 3 người, vợ chồng Thùy hết sạch “nguồn cung”. Song lúc này, thấy lượng người có nhu cầu vẫn tìm về quê mua đất rất lớn, vợ chồng Thùy liền nảy sinh ý định lừa đảo bằng cách “nhận bừa đất của người khác rồi mang bán”.

Theo kết quả từ CQĐT, từ tháng 5/2005- 9/2005, với thủ đoạn trên, Thùy và Thắng đã lừa của 15 nạn nhân, chiếm đoạt 859 triệu đồng. Ngoài ra, 2 vợ chồng Thùy còn nhận làm sổ đỏ, giấy tờ đất, đáo hạn ngân hàng... lừa đảo thêm hàng chục người khác. 

Giữa năm 2006, CQĐT Công an huyện Hòa Vang đã khởi tố Võ Thị Bích Thùy và Lê Văn Thắng 2 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của tổng 26 nạn nhân, số tiền hơn 1 tỉ đồng. 

Phiên tòa được mở sau đó 1 tháng. Thắng bị tuyên mức án 20 năm tù giam, Thùy 14 năm tù giam, buộc trả lại tài sản đã chiếm dụng cho các nạn nhân. Tuy nhiên, vì Thùy đang nuôi con nhỏ nên được cho tại ngoại. Thời điểm vỡ lỡ chuyện lừa đảo, gia đình Thùy phải đi thuê trọ sinh sống vì căn nhà và mọi tài sản có giá trị khác đều đã bị các nạn nhân “xiết nợ” hết.

Sau khi chồng đi tù, lợi dụng chính sách nhân đạo đối với mình, Thùy âm thầm ôm 2 con bỏ trốn. Công an huyện Hòa Vang phát lệnh truy nã trên toàn quốc đối với Thùy vào năm 2008.

Hồ sơ truy nã Võ Thị Bích Thùy
Hồ sơ truy nã Võ Thị Bích Thùy

Tình huống không có trong nghiệp vụ 

Thượng tá Cảnh cho biết, tiếp nhận hồ sơ truy nã Võ Thị Bích Thùy, Phòng liên tục có kế hoạch điều tra, truy tìm nhưng không có kết quả. Đến cuối tháng 8/2013, qua thời gian dài lần theo dấu tội phạm và bằng các biện pháp nghiệp vụ, nguồn tin trinh sát xác định được Thùy cùng 2 con đang sinh sống ở xã Quang Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. 

Ngay sau đó, Phòng PC52 đã đề xuất Lãnh đạo Công an TP. Đà Nẵng xác lập chuyên án L813 để lên kế hoạch truy bắt, đưa Thùy về quy án. 

Hành trình trốn chạy của Thùy cũng được ban chuyên án nắm lại kỹ lưỡng. Theo đó, sau khi ôm con bỏ trốn, Thùy vào Đồng Nai xin làm công nhân. Thế nhưng, do cần che giấu bản thân, Thùy vứt bỏ mọi giấy tờ tùy thân nên không nơi nào dám “chứa chấp”. Ở trong các khu trọ tồi tàn một thời gian để đỡ chi phí, nhưng khi số tiền phòng thân không còn, Thùy ôm con bắt xe lên xã Quang Sơn.

Thùy xin làm rẫy cho các ông chủ, đi đến đâu, Thùy lại xin nơi đó cho làm một cái chòi nhỏ để cả 3 mẹ con tá túc. Ban ngày, Thùy đi làm, đêm về cùng các con sống lầm lũi, không điện, không giường, không có bất cứ một vật dụng nào ra hồn. 

Các trinh sát ngồi chuyện trò mới biết, 5 năm đó, Thùy sống chẳng khác gì một kẻ đang đi tù, vừa phải chịu cảnh khổ cực, lại vừa phải đối diện với thực tế luôn làm Thùy day dứt: chỉ có đứa con gái đầu, cháu Lê Thị Bích Trâm (SN 1999) được học qua lớp 1, nhưng lúc đó cũng không còn nhớ mặt chữ, còn đứa bé sau, chưa một lần biết đến trường lớp. 

2 con lớn lên trong nỗi lo lắng, chui lủi của Thùy, nhiều bữa thiếu ăn, áo quần không có mà mặc, chăn chiếu không đủ ấm cho qua mùa lạnh. 

Cuối tháng 11/2013, khi đã có mặt tại xã Quang Sơn, các trinh sát Ban chuyên án L813 phối hợp cùng công an xã, Phòng PC52 Đắk Nông quyết định ập vào một rẫy cà phê nơi đối tượng đang làm thuê để truy bắt. 

Có vẻ gần như quá mỏi mệt với cuộc sống, Thùy cũng không bỏ chạy, không trối thân phận trước sự xuất hiện của “những người lạ” trong rẫy nữa. Nghe gọi tên, Thùy lí nhí dạ rồi cúi đầu cho tay vào còng.

Những tưởng hoàn thành việc bắt Thùy cũng đồng nghĩa kết thúc quá trình truy tìm tội phạm, thế nhưng, khi cho đối tượng gặp lại con, các trinh sát PC52 Đà Nẵng mới chết lặng trước tình huống không hề có trong nghiệp vụ. Hai đứa con gái của Thùy hiện không còn ai thân thích, ngoài mái chòi tạm bợ trên rẫy của chủ, các cháu không có nơi nào để sinh sống. 

Ý định gửi gắm 2 cháu ở lại nơi đang nương nhờ cũng không khả thi, khi các trinh sát chứng kiến cảnh chủ rẫy lúc biết Thùy thuộc đối tượng truy nã, đã lợi dụng việc này “quỵt” ngày công làm thuê của cô. Còn hỏi về người thân 2 bên nội ngoại của Thùy ở Đà Nẵng cũng chẳng còn ai để có thể nhờ vả, gửi gắm. 

Tính toán thiệt hơn, lại đang mùa mưa, việc di lý đối tượng không thể kèm theo 2 đứa con nên các trinh sát PC52 Đà Nẵng phải đứng ra kêu các tổ chức, chính quyền địa phương cưu mang, cho các cháu tạm tá túc một thời gian. 

Sau khi áp giải đối tượng bàn giao cho Công an huyện Hòa Vang, các trinh sát một lần nữa lặn lội lên Tây Nguyên để đưa con của Thùy về Đà Nẵng, đồng thời cũng tiến hành các thủ tục cho 2 cháu vào các trung tâm bảo trợ trẻ em để được nuôi nấng, dạy dỗ. 

Đọc thêm