Thị trường vừa trải qua giai đoạn điều chỉnh khá sâu, đa số giá các loại cổ phiếu sụt giảm mạnh so với tuần trước. Mặc dù nguồn tiền vẫn liên tiếp được rót vào thị trường nhưng theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, hàng hóa trên thị trường chứng khoán niêm yết của Việt Nam tuy nhiều nhưng chỉ có một phần mã chứng khoán được nhà đầu tư quan tâm.
Nhiều nhưng vẫn thiếu
Theo đánh giá của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), con số doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay không hề nhỏ so với thông lệ quốc tế. Mặc dù vậy, thị trường vẫn thiếu hàng, không phải thiếu về lượng mà là thiếu những cổ phiếu đạt chất lượng cao.
Thống kê của UBCK cho thấy, trên TTCK Việt Nam có 612 mã đang giao dịch, bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, các chứng chỉ quỹ và vẫn còn đến 959 công ty đại chúng đăng ký chưa niêm yết với UBCKNN. Tổng giá trị vốn hóa trên thị trường, tính đến ngày 4- 5- 2010 đạt 740.433 tỷ đồng, chiếm 45% GDP năm 2009 và khoảng 37,78% GDP ước tính năm 2010. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư tính đến ngày 31- 3- 2010 là 879.730 tài khoản.
Trên sàn niêm yết, có nhiều tên tuổi lớn như Sacombank, Vietcombank, ACB, Vinaconex, Hoàng Anh Gia Lai, Vincom... Những thương hiệu này góp phần không nhỏ tạo sức hấp dẫn cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, VAFI cho rằng, nhìn ở góc độ tổng quan, thị trường vẫn còn vắng bóng đại diện của một số ngành, trong đó có những ngành, khu vực thực sự có thể tạo ra sự khởi sắc cho thị trường như viễn thông, dầu khí, xăng dầu, FDI...
Phiên giao dịch tại sàn chứng khoán Ảnh: Duy Lân |
Trong khi đó, kế hoạch cổ phần hóa của hai đại gia hàng đầu trong lĩnh vực viễn thông là MobiFone và VinaPhone tiếp tục trễ hẹn. Theo VAFI, sự chậm trễ này có thể làm mất tính thời điểm của các doanh nghiệp khi chào sàn. Trong vài năm tới, thị trường cung ứng dịch vụ viễn thông gần tới điểm bão hòa, tốc độ tăng trưởng của ngành chậm cộng với vốn điều lệ lớn, khi hoàn thành CPH, những doanh nghiệp này sẽ khó gây được sự chú ý cho giới đầu tư. Cũng như vậy, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, dầu khí và xăng dầu… chưa mặn mà với việc cổ phần hóa và niêm yết. Đối với khu vực FDI, nhà đầu tư khó trông chờ nhiều vì những doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả sẽ chọn niêm yết tại chính nước họ. Điều này giúp họ thuận lợi hơn trong kế hoạch thu hút vốn đầu tư. Đối với bộ phận doanh nghiệp thuộc các tập đoàn đa quốc gia, theo thông lệ, họ thường ít tham gia CPH và niêm yết tại thị trường bản địa, nhất là những thị trường còn kém phát triển như Việt Nam.
Nâng cao chất lượng
Trước thực tế này, VAFI cho rằng, cần đẩy nhanh tốc độ CPH các tập đoàn kinh tế Nhà nước để các tập đoàn hoạt động hiệu quả hơn. Vấn đề đặt ra là cần xác định mức giá hợp lý mới có thể giải quyết hết những vướng mắc.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng hàng hóa đang niêm yết bằng nhiều giải pháp, cụ thể như: nâng cao tiêu chuẩn niêm yết tại sàn HOSE, sàn HNX. Như vậy, sẽ có một bộ phận doanh nghiệp niêm yết từ sàn HOSE không đủ tiêu chuẩn phải chuyển sang sàn HNX, một bộ phận doanh nghiệp đang niêm yết tại sàn HNX chuyển sang sàn UPCoM đồng thời đẩy nhanh việc bán bớt cổ phần Nhà nước tại các doanh nghiệp niêm yết bằng nhiều hình thức bán dần theo lộ trình, bán toàn bộ cho nhà đầu tư chiến lược hoặc thực hiện phương án hợp nhất sáp nhập với những doanh nghiệp mạnh... Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…, Nhà nước cần có chính sách không cho phép thành lập doanh nghiệp mới, đồng thời nâng tiêu chuẩn vốn điều lệ tại các tổ chức tài chính trên để giảm đáng kể số tổ chức tài chính, tập trung nguồn lực, giảm thiểu tình trạng cạnh tranh gay gắt và không lành mạnh...
VAFI kiến nghị nâng cao chất lượng hàng hóa của từng sàn để nhà đầu tư dễ phân biệt và từng bước xây dựng sàn HOSE theo tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể, tại sàn HOSE, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ hơn 120 tỷ đồng (hiện chuẩn là 80 tỷ đồng). Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ (mức bình quân của 3 năm trước khi niêm yết) phải ở mức từ 20% hoặc 25% trở lên. Kết quả sản xuất kinh doanh bị lỗ trong 3 năm liên tục phải bị hủy niêm yết, kể cả trong trường hợp nguồn vốn chủ sở hữu vẫn còn lớn hơn 120 tỷ đồng. Mức bình quân của tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ (tại thời điểm niêm yết) của 5 năm niêm yết liên tục phải trên 15%. Quy định như vậy để các doanh nghiệp niêm yết luôn cố gắng làm tốt công tác quản trị doanh nghiệp, chứ không chỉ cần hội đủ điều kiện niêm yết.
Tại sàn HNX, doanh nghiệp phải đủ vốn điều lệ hơn 40 tỷ đồng (hiện là hơn 10 tỷ đồng). Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ (bình quân của 3 năm trước khi niêm yết) phải từ 10% trở lên. Kết quả sản xuất kinh doanh bị lỗ trong 3 năm liên tục phải bị hủy niêm yết, kể cả trong trường hợp nguồn vốn chủ sở hữu vẫn còn lớn hơn 40 tỷ đồng. Mức bình quân của tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ của 5 năm niêm yết liên tục phải trên 10%. Đối với việc niêm yết chứng chỉ quỹ, VAFI cũng đề nghị xem xét thành tích của công ty quản lý quỹ và tiêu chuẩn là nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỷ trọng 30% quỹ đầu tư công chúng trở lên.
Thanh Hiệp