Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-BCT ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã tập trung, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; huy động sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành từ TP tới cơ sở và phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong việc phát triển Du lịch Thủ đô.
Điểm lại tình hình du lịch của Hà Nội thời gian trước, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, lượng khách du lịch đến Hà Nội trong giai đoạn 2016-2019 tăng trưởng nhanh và ổn định, năm sau cao hơn năm trước, mức tăng trung bình đạt bình quân 10,1%/năm.
Cụ thể, năm 2016, đạt 21,83 triệu lượt, năm 2017 đạt 23,83 triệu lượt; năm 2018, đạt 26,3 triệu lượt và năm 2019 đạt 28,95 triệu lượt khách, hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu khác đều đạt các con số ấn tượng.
Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã làm cho cả thế giới và Việt Nam nói chung, TP Hà Nội nói riêng chịu nhiều tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, làm cho nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế gặp khó khăn, trong đó đặc biệt Du lịch là ngành chịu sự ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch.
Nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, các khách sạn, cơ sở lưu trú phải đóng cửa. Hoạt động du lịch bị đình trệ đã dẫn tới doanh thu du lịch lữ hành bị giảm sút nhiều gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế.
Mặc dù hiện nay, dịch COVID-19 trong nước đã cơ bản được kiểm soát tốt, du lịch nội địa vẫn hoạt động nhưng liên tục bị gián đoạn bởi các đợt giãn cách xã hội khi dịch bùng phát. Những khó khăn chồng chất cùng với việc đi lại giữa các quốc gia còn chưa được mở trở lại hoàn toàn, đã buộc ngành Du lịch phải chuyển hướng tập trung khai thác và phát triển du lịch nội địa.
Việc thúc đẩy du lịch nội địa là giải pháp cứu cánh cho doanh nghiệp lữ hành trong trạng thái bình thường mới hiện nay và dần thích ứng với lộ trình mở cửa đón khách quốc tế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề ra.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, kể từ năm 2017 đến nay, sau khi không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm đi vào hoạt động, bên cạnh các hoạt động văn hóa của TP, rất nhiều sự kiện quảng bá văn hóa - du lịch các địa phương đã được tổ chức hiệu quả, đưa hình ảnh con người, các địa danh cũng như các tiềm năng phát triển du lịch của các tỉnh, TP trên cả nước đến với nhân dân Thủ đô và khách du lịch trong cả nước như: chương trình "Quảng Bình trong lòng Hà Nội", "Sắc màu Sơn La - Tây Bắc", Festival di sản và quảng bá du lịch Quảng Nam, hoạt động quảng bá du lịch của tỉnh Bình Định…
Đáng chú ý, trong chương trình hợp tác tuyên truyền quảng bá của TP Hà Nội trên kênh truyền hình quốc tế CNN, bên cạnh những nội dung tuyên truyền TP Hà Nội -Trái tim và Thủ đô của Việt Nam, Hà Nội cũng đã tập trung giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Việt Nam như bãi biển tuyệt đẹp của Quy Nhơn, món cao lầu của Hội An, hoạt động câu mực đêm tại Hạ Long và rất nhiều địa điểm du lịch của các tỉnh, TP trong cả nước đã lần lượt xuất hiện trên kênh CNN quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước nói chung và ngành du lịch nói riêng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, TP Hà Nội đã chủ động ban hành và triển khai kế hoạch kích cầu du lịch nội địa và hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch Thủ đô, trong đó kích cầu những sản phẩm du lịch liên kết giữa Hà Nội và các địa phương nhận được sự ủng hộ tích cực từ du khách Thủ đô và các tỉnh, thành khác.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng cho biết, trên cơ sở ký kết hợp tác "triển khai hành lang an toàn du lịch giữa các địa phương" tại hội nghị, TP sẽ đưa ra các Kế hoạch tổ chức thực hiện; xây dựng chương trình, sản phẩm du lịch cụ thể, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành Du lịch Việt Nam cũng như thực hiện mục tiêu kép "vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế" theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và các tỉnh, TP.
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang đã thông tin về hoạt động du lịch Thủ đô năm 2021 và định hướng phát triển năm 2022 và những năm tiếp theo.
Cùng với đó, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận những vấn đề cần thiết để "Triển khai hành lang an toàn du lịch giữa các địa phương" trong trạng thái bình thường mới; các vấn đề nhằm từng bước phục hồi lại ngành du lịch, trong đó, tập trung vào các nội dung trọng tâm, thiết thực.
Cụ thể là đơn giản hoá, thống nhất giữa các địa phương về quy trình, thủ tục khai báo y tế khi qua các chốt kiểm dịch dành cho các đoàn khách du lịch do doanh nghiệp lữ hành tổ chức; Cập nhật, công khai danh sách các điểm đến du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn an toàn phục vụ khách du lịch tại các địa phương; Hướng dẫn cách thức xử lý tình huống trong đoàn khách du lịch có ca F0, F1, trách nhiệm các bên liên quan và cách thức giải quyết; Quan điểm của các địa phương về việc quản lý, giám sát các đoàn khách du lịch thực hiện theo phương thức "bong bóng du lịch"…
Trong khuôn khổ Hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch an toàn giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trong trạng thái bình thường mới của 12 tỉnh/TP bao gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang.
Ngay sau Hội nghị, ngày 18/12/2021, Sở Du lịch Hà Nội sẽ chủ trì tổ chức đoàn Famtrip cho các đại biểu khảo sát, trải nghiệm một số sản phẩm, dịch vụ du lịch ngoài mùa lễ hội trên địa bàn huyện Mỹ Đức - Khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn (Chùa Hương)./.