“Thiến hóa học” tội phạm ấu dâm - có nên luật hóa?

“Thiến hóa học” tội phạm ấu dâm -  có nên luật hóa?
(PLO) - Trước hàng loạt vụ án xâm hại tình dục trẻ em bị phanh phui và lên án thời gian qua, hình thức “thiến hóa học” đã được đề xuất như một biện pháp để trừng phạt những kẻ có hành vi ấu dâm. Tuy nhiên, hình phạt này vẫn cần được nghiên cứu về nhiều mặt… trước khi xem xét có nên luật hóa hay không.

Đề xuất “thiến hóa học” tội phạm ấu dâm

Thời gian gần đây, hàng loạt vụ án xâm hại tình dục trẻ em đã được phát hiện khiến dư luận phẫn nộ, đứng ngồi không yên, các bậc làm cha, làm mẹ không khỏi lo lắng cho số phận của con em mình. Các em bị xâm hại ở tuổi còn quá nhỏ, cái tuổi các em chưa đủ khả năng để tự bảo vệ mình, chưa đủ nhận thức để nhận biết được hậu quả mà các em phải gánh chịu… 

Để bảo vệ các em khỏi nạn ấu dâm, nhiều người, trong đó có nhiều chuyên gia về tâm lý, luật pháp, hoạt động xã hội… đã lên tiếng đề xuất hình phạt “thiến hóa học” cho loại tội phạm này. Đây là biện pháp được thực hiện bằng cách tiêm dung dịch hoặc uống thuốc có chứa chất kháng hormon testosterone (testosterone là một loại androgen, khoảng 90% đến 95% các androgens được tạo ra trong tinh hoàn, trong khi phần còn lại được tạo thành ở các tuyến thượng thận) vào người, từ đó làm giảm thấp nhất mức độ ham muốn tình dục. Nói cách khác, người bị “thiến hóa học” sẽ không có cảm giác ham muốn tình dục nữa.

Thực tế, luật “thiến hóa học” này được nghiên cứu và thông qua tại nhiều quốc gia như bang California, Georgia, Montana, Florida của Mỹ. Tại châu Á, Indonesia và Hàn Quốc là 2 quốc gia tiên phong áp dụng luật “thiến hóa học”. Còn châu Âu có Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Ba Lan... Tuy nhiên, cũng có nhiều luồng ý kiến phản đối về hình phạt này vì hình phạt “thiến” là vi phạm nghiêm trọng Công ước Nhân quyền Liên Hợp quốc. 

Hiện tại, luật pháp Việt Nam chưa áp dụng, nhưng nếu “thiến hóa học” được áp dụng như một hình phạt thì nhiều người lo lắng là cách làm này có thực sự xóa bỏ hoàn toàn dục vọng xâm hại tình dục hay không và người bị áp dụng sẽ phải chịu những tác hại gì đối với sức khỏe? 

Chỉ có tác dụng trong vòng 4 - 6 tháng

Theo tin tức từ trang WebMD, trang web cung cấp thông tin y khoa hàng đầu thế giới thì “thiến hóa học” có thể hiểu là thiến bằng cách sử dụng thuốc làm giảm hormone sinh dục xuống mức thấp nhất được áp dụng cho cả nam và nữ, qua đó kìm hãm bản năng, nhu cầu về “chuyện ấy”, thậm chí cả suy nghĩ về “chuyện ấy” cũng biến mất.

Các bác sĩ sẽ có sẵn những loại thuốc dạng viên, tiêm hay cấy ghép giúp giảm hormone testosterone mà không cần phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn. Trang WebMD khẳng định, mặc dù đây là phương pháp rất tốt để làm suy giảm, thậm chí mất khả năng tình dục ,nhưng không có tác dụng lâu dài. Theo thời gian, các tế bào không phụ thuộc hormone sẽ lây lan và bác sĩ cần chuyển sang phương án điều trị khác. 

Về cơ bản, “thiến hóa học” không giúp triệt tiêu toàn bộ ý nghĩ đen tối mà làm giảm đến mức tối đa, đồng thời khiến đối tượng không còn khả năng thực hiện bản năng nữa. Nhưng về lâu dài, đối tượng phải tiếp tục sử dụng liệu pháp cho những lần sau để giảm bớt ham muốn tình dục. Chưa hết, những phản ứng có thể đảo ngược hoàn toàn nếu ngưng dùng thuốc.

Chu kỳ tiêm của thuốc chỉ có tác dụng trong vòng 4 - 6 tháng, sau đó ngưng thuốc, người tiêm có thể bị mắc bệnh tim mạch, loãng xương, béo phì. Đối với những người đang trong quá trình sử dụng thuốc cũng có thể gặp phải những tác dụng phụ như mất hoàn toàn khả năng tình dục, bốc hỏa, ngực đau, ngực phát triển to hơn bình thường, giảm lượng cơ, giảm cân, mệt mỏi và giảm cholesterol tốt trong cơ thể.

Theo thông tin từ trang WebMD là như vậy, nhưng chuyện “thiến hóa học” cho những đối tượng ấu dâm vẫn còn đặc biệt lạ lẫm với Việt Nam. Một bác sĩ chuyên ngành nam khoa tại Hà Nội cho biết: “Không rõ thuốc giúp giảm hormone testosterone là thuốc gì nhưng hormone testosterone bị giảm xuống mức thấp nhất sẽ ảnh hưởng nhiều đến các vấn đề sức khỏe khác như giảm ham muốn tình dục, giảm chất lượng tinh trùng, giảm khả năng sinh sản, giảm lượng cơ, liên quan đến khả năng tạo máu và rất nhiều vấn đề khác”.

BS. Lê Thị Kim Dung - Trung tâm Y khoa Thái Hà cũng chia sẻ, nếu hóa chất có thể hủy hết ham muốn thì đồng nghĩa cũng có thể tiêu hủy rất nhiều chức năng khác của con người. Hơn nữa, thuốc có thể hủy khả năng quan hệ tình dục nhưng nếu diệt hoàn toàn vấn đề ham muốn thì không phải đơn giản. Do vậy, với những người bị ấu dâm cần xem xét họ có bị ảnh hưởng bệnh tâm thần hay không, nếu không bị mới tìm hình thức khác xử lý.

Với việc “thiến hóa học” bằng tiêm các hormone cần phải có cơ sở khoa học vì việc tiêm hormone ảnh hưởng tinh hoàn, làm teo tinh hoàn nhưng các bộ phận khác có bị ảnh hưởng hay không, cái lợi và có hại của hình thức này cần có sự đánh giá của người chuyên môn.

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.