Thiber chảy giữa lòng thành phố

(Đà Nẵng Xuân 2010) - Chuyên cơ hạ cánh xuống sân bay Roma. Trái ngược với hình dung - Italia, giữa mùa đông châu Âu vẫn nắng và gió chan hòa - mặc dù chứa trong đó cả cái buốt lạnh khá “ngọt ngào” với những người vừa tới từ vùng đang gió mùa đông bắc.  

(Đà Nẵng Xuân 2010) - Chuyên cơ hạ cánh xuống sân bay Roma. Trái ngược với hình dung - Italia, giữa mùa đông châu Âu vẫn nắng và gió chan hòa - mặc dù chứa trong đó cả cái buốt lạnh khá “ngọt ngào” với những người vừa tới từ vùng đang gió mùa đông bắc.

Trong sự ồn ào náo nhiệt người, xe… với rực rỡ cờ hoa của sự đón tiếp trọng thị, nhóm phóng viên khá vất vả để tìm thấy số xe dành cho báo chí. Vừa yên vị, vài người đã kịp tếu táo, chủ yếu là kế hoạch Shopping (ra điều ta nhiều tiền!); chuyện ăn uống thế nào trong mấy ngày tại xứ sở cấm tiệt chuyện đun nấu trong khách sạn - kể cả đun nước (thật là khủng khiếp với nhóm công tác có nhu cầu và kinh nghiệm cao trong việc nấu nướng trong khách sạn 5 sao - kể cả món giả cầy!).

Xe sắp chạy, một anh chàng cao nhẳng nhảy lên xe, nói nhanh như gió: Em là Ngọc, phóng viên TTXVN thường trú tại Italia, có nhiệm vụ hỗ trợ các bác trong thời gian ở đây! Cả xe đổ mắt nhìn. Nhà báo được tiếng là trọng cái tôi, phục ai cũng soi ngắm chán chê, thế nên bảo là ấn tượng với anh chàng này thì rõ là chưa có, ngoài việc trông chờ vào sự quen thông thổ của cậu ta ở xứ sở xa xôi này.

Vậy mà, chưa hết chuyến đi đã nhận ra, mặc dù khó có đủ từ ngữ để nói về tình cảm của người dân nơi đây với Việt Nam, về cảnh đẹp cổ điển của Ý… nhưng điều đầu tiên để nhớ tới chuyến thăm nước Ý với đoàn báo chí trong chuyến đi này, lại dành cho người bạn đồng nghiệp Việt Nam - Trương Anh Ngọc.

Roma quả thật là thành phố xứng danh với tên gọi “thành phố bảo tàng”. Trong mấy ngày lưu tại đây, dù phần nhiều thời gian là “dí mũi” vào kính ô-tô, mọi người vẫn vô cùng thỏa mãn việc chiêm ngưỡng thành Roma với vô số tượng thần, lâu đài, những công trình cổ mang đậm kiến trúc Gotic, dòng sông Thiber huyền thoại hàng ngàn năm chảy lững lờ giữa hai bờ cây lá vàng hanh hao…

Là địa chỉ du lịch nổi tiếng, mỗi ngày có hàng trăm chuyến bay từ khắp nơi trên thế giới đáp xuống sân bay thành Roma. Câu thành ngữ “mọi ngả đường đều dẫn tới Roma” có vẻ cũng không sai, khi người ta đùa nếu thử kiểm tra hộ chiếu của 10 người trên đường phố Roma thì ít nhất có 6 người là khách du lịch nước ngoài. Không mấy khi có tuyết, nhưng thời tiết Roma mùa đông có vẻ như thất thường, vừa nắng và gió ấm áp, đã như đông cứng, trở lạnh đột ngột. Bữa đặt vòng hoa tưởng niệm tại Quảng trường Tổ quốc, đoàn báo chí nhiều người co rúm trong giá rét, bởi tưởng “ế” áo ấm, đã tống hết ở khách sạn. Thôi thì, trên xe có gì túm hết lên người, kể cả sơmi cộc tay ra ngoài áo len, theo kiểu “nhạc nào cũng nhảy”.

Người Ý sống nồng nhiệt, yêu và ghét phân minh. Vì vậy, thật tự hào, tới Ý chợt nhận ra, nhân dân Ý dành một tình cảm hết sức đặc biệt cho Việt Nam. Cảm động trước tình cảm đó, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Italia này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã bày tỏ với Tổng thống Italia Giorgio Napolitano, rằng Việt Nam và Italia tuy cách xa nhau vạn dặm về địa lý, nhưng từ lâu hai nước đã có sự giao lưu gần gũi và hiểu biết lẫn nhau.
 
Nhiều thế hệ người Việt Nam vẫn nhớ, năm 1973, khi đất nước gặp muôn vàn khó khăn, con tàu Hữu nghị Australe đã rời Cảng Genova, chuyển tới Việt Nam lương thực, thuốc men, các đồ dùng thiết yếu của nhân dân Italia gửi tặng nhân dân Việt Nam. Người Việt có câu: “Trong khó khăn mới biết lòng bè bạn”, đây chính là nghĩa cử cao đẹp của tình đoàn kết, hữu nghị và ủng hộ quý báu của Italia đối với nhân dân Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh.

Có lẽ di tích quan trọng nhất, ý nghĩa nhất mà chúng tôi được đến trên đất Italia, chính là di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Milan. Là thành phố phát triển bậc nhất châu Âu với mệnh danh “Kinh đô thời trang”, Milan còn là quê hương của câu lạc bộ bóng đá Inter Milan và AC Milan lừng danh - cũng là nơi tiêu tiền của giới thượng lưu đến từ khắp thế giới. Từ lâu, người dân Milan đã quen với hình ảnh các siêu sao trong những chiếc xe sang trọng lướt trên đường phố. Những con phố lát đá hàng trăm năm đen thẫm in dấu chân triệu triệu người, đến rồi đi. Mỗi ngày, mỗi ngày Milan trôi đi trong nhộn nhịp, giàu có…

Giữa Milan, rưng rưng khi nghĩ, trong dòng người giàu có đang đổ về “thiên đường mua sắm” với vô số chợ, cửa tiệm, trung tâm thương mại, hội chợ triển lãm, và các phòng trưng bày uy tín nhất thế giới kia, mấy ai biết, mảnh đất giàu có và xa xôi này, cách đây gần 80 năm đã đón và che chở một con người bình thường, giản dị, đến từ xứ sở thuộc địa nghèo khổ, mang theo một khát vọng lớn lao. Con người bình dị ấy nhiều năm sau đã đem lại cho nhân dân mình, dân tộc mình điều vĩ đại gói gọn trong 2 từ “Tự Do”.

Trong cái lạnh xứ châu Âu, gần 80 năm sau, có những người con Việt Nam đứng khóc khi chạm vào những đồ vật nhỏ bé nguyên vẹn từ những năm 30. Quán ăn nhỏ trên con phố Pasubio yên bình, những người phục vụ trong quán lặng lẽ đón khách, nhưng khi biết khách đến từ Việt Nam thì lập tức vẻ lặng lẽ biến mất. Bất đồng ngôn ngữ, thì đây, những nụ cười, những cái bắt tay siết chặt, và ríu rít, quên cả giờ khách đang đông. Hình như tất cả nhân viên phục vụ trong quán đều thuộc lòng, có thể giới thiệu tường tận, say sưa và đầy tự hào về ngôi nhà, chuyện về Hồ Chí Minh, lãnh tụ của nước Việt Nam đã từng qua lại, sống và làm việc ở đây để liên lạc với những người Quốc tế Cộng sản.

Từ những năm 1930 tới nay, quán không thay đổi, vẫn nguyên đó trụ đá trước nhà, vòm cửa sắt, quầy bar cũ kỹ, căn gác nhỏ là nơi Bác ở nhìn ra ban công có hàng lan can sứ rêu phong phủ đầy hoa giấy. Góc phòng, nơi Bác hay ngồi, một chiếc cân cổ nằm lặng lẽ. Bà chủ quán Olba Sassi - cháu ruột của ông chủ, người đã đón chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành mỗi khi qua lại, cho biết, chiếc cân có từ khi mở quán, trở thành tên quán - Quán chiếc Cân cổ - cũng có nghĩa là trọng lượng, là công lý… Hiện quán có 2 phòng, phòng Bác đứng làm việc được đặt tên là phòng Hồ Chí Minh, với tấm ảnh treo trang trọng trên tường.

Khách du lịch tại Roma

Khách du lịch tại Roma  

Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhật Bác, để thể hiện lòng yêu quý của nhân dân Ý với Hồ Chí Minh, với Việt Nam, chính quyền thành phố Milan đã gắn lên bức tường trước cổng ngôi nhà tấm biển bằng đá: “Những năm 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên qua lại nơi đây, liên lạc với những người Quốc tế Cộng sản, để đem lại tự do cho nhân dân”.

Bà chủ Olba Sassi - cái tên theo nghĩa Việt Nam là Bình Minh, tự hào kể, ngôi nhà có từ năm 1880, mấy chục năm qua, trải qua bao biến cố, nhiều người trả ngôi nhà với giá rất cao để mong mua lại, nhưng các thế hệ gia đình bà đều cương quyết không bán, với lý do không thể xa ngôi nhà từng in dấu Hồ Chí Minh. Quán nhỏ, bày biện đơn sơ, không thay đổi từ tên quán, cách bài trí và đồ đạc. Những người lui tới đây đều là những người yêu quý Việt Nam, yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều người thuộc Đảng Cộng sản Ý. Họ tới, như anh em tìm về một nhà, chung một nỗi niềm Việt Nam, chia sẻ với nhau tình cảm với Việt Nam, với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những ngày ở Ý, những người chúng tôi gặp đều bày tỏ những tình cảm hết sức gần gũi, thân mật, ai cũng chung niềm hy vọng sẽ tới Việt Nam. Phải chăng, tình cảm đó bắt đầu từ tình cảm đối với con người Việt Nam đầu tiên họ biết - con người vĩ đại mà giản dị, Hồ Chí Minh?

Như khi đến, sân bay lúc chia tay ngập cờ và hoa. Lưu luyến lắm thành Roma huyền thoại, Milan với tình yêu của người dân Ý với Bác Hồ… Thật hữu duyên, gặp nhau hay chia tay, tiếng Ý câu chào cùng âm như tiếng Việt: Chào! Thì nào, đơn giản vậy thôi, Chào, nhìn mắt nhau thấy nhiều hơn thế.

Cũng lưu luyến khi chia tay Trương Anh Ngọc tại cửa sân bay. Mấy ngày mà tình cảm đồng nghiệp đã gắn bó, đủ để bịn rịn. Nhớ nhé, về Việt Nam nhất định phải gọi! Anh chàng từng là Bình luận viên thể thao nổi tiếng ngượng nghịu: Vâng, em sẽ gọi, nhớ bún thang Hà Nội, với cái món truyền thống ở Nhật Tân quá thể…

Nhớ chứ, có ai xa quê mà không nhớ. Đi đâu, nhất vẫn là quê hương.

Bút ký của Đỗ Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.