Hàn Quốc đang xem xét lại việc có nên tiếp nhận lao động Việt Nam nữa hay không sau 7 năm “gắn bó” với Việt Nam trong chương trình EPS. Nguyên do, lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng trốn ở lại tới hơn 50%. Một số lao động mới sang đã bỏ trốn ngay tại sân bay.
Văn bản Bộ LĐTBXH gửi xã Cương Gián- Hà Tĩnh về việc lao động của xã này bỏ trốn tại sân bay Hàn Quốc |
Sau cuộc “sơ tán” lao động lớn nhất trong lịch sử đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với hơn 10.000 lao động từ Libia về nước tháng 3 vừa qua. Những tín hiệu xấu từ thị trường Hàn Quốc báo hiệu thời kỳ “suy vong” thấy rõ của hoạt động XKLĐ của nước ta.
Biểu hiện rõ rệt nhất là sự sụt giảm các đơn hàng lớn từ các thị trường truyền thống đối với lao động Việt Nam như Trung Đông, Đài Loan.
“ Đã từ hai năm nay chúng tôi không còn những đơn hàng tốt tiếp nhận hàng trăm lao động từ UAE, Ca-ta, Ả rập xê út. Những đơn hàng Đài Loan phí môi giới ngày một cao, rất khó làm và nhiều rủi ro bởi người lao động có thể hết việc trong khi hợp đồng vẫn còn tới hơn 2 năm”, giám đốc một đơn vị XKLĐ cho hay.
Theo phân tích của vị giám đốc này, nguyên do sụt giảm lượng đơn hàng dành cho lao động Việt Nam là bởi ảnh hưởng kéo dài của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Bên cạnh nguyên nhân khách quan đó, nguyên nhân chủ quan nằm ở chất lượng lao động Việt Nam và cung cách hoạt động thiếu cạnh tranh bình đẳng của chính các doanh nghiệp cung ứng lao động Việt Nam.
TNS công ty Lod học tiếng trước khi xuất cảnh |
“ Hiện tượng doanh nghiệp được cấp phép hoạt động nhưng khoán trắng mọi hoạt động từ việc tìm kiếm thị trường, thực hiện hợp đồng cung ứng lao động cho Chi nhánh, Trung tâm trực thuộc hoặc tổ chức cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam vẫn diễn ra và là một tồn tại cần được giải quyết triệt để”, ông Nguyễn Lương Trào- Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam khẳng định.
Chính việc khoán trắng, cho thuê giấy phép này đã làm phát sinh các hệ lụy như: chất lượng lao động không đáp ứng yêu cầu của chủ sử dụng, chi phí xuất cảnh tăng cao khiến người lao động khi sang làm việc tại nước bạn dễ bỏ trốn và vi phạm pháp luật nước sở tại.
Trước đây, chính bởi tỷ lệ lao động bỏ trốn quá cao mà Đài Loan đã dừng tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực giúp việc nhà. Nhiều doanh nghiệp cũng đã bị các nghiệp đoàn của Nhật Bản cho vào “danh sách đen”, ngưng tiếp nhận lao động vì tỷ lệ lao động bỏ trốn cao.
Giờ đây, ngay cả lao động đi theo chương trình của nhà nước như chương trình EPS cũng bỏ trốn, là dấu hiệu cho thấy cần xem xét lại tổng quan chất lượng nguồn lao động xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần khảo sát, điều tra lại cách thức tuyển, đào tạo nguồn lao động này ở các địa phương, ngăn chặn những tiêu cực trong khâu tuyển, đào tạo nguồn để “lẫn” những phần tử xấu, không tôn trọng pháp luật.
Anh Phương