Sau hai phiên liên tục kiểm tra, áp lực tâm lý đã giảm bớt khi khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh trong thời điểm chỉ số đi xuống. Thị trường đã đóng cửa phiên cuối tuần với một chút sắc xanh tươi sáng. Mặc dù về mặt điểm số, mức tăng 0,2% của VN-Index hầu như không đáng kể, nhưng diễn biến giao dịch trong phiên lại cho thấy sự tích cực trong chuyển biến tâm lý. Điểm đáng chú ý nhất hôm nay là lực cung muốn thoát khỏi thị trường trước áp lực của hai ngày sụt giảm bất ngờ trước đó. Hôm nay cũng là ngày T+4 của những người mua vào quanh mức hỗ trợ 500 điểm của tuần trước. Như đã nói, tâm lý nghi ngờ lúc này chắc hẳn bắt đầu lan rộng hơn sau khi VN-Index không có được một ngày tăng nối tiếp phiên 13/7. Lực cầu ngày 15/7 là tương đối yếu và bên bán ra hàng mạnh tay. Thị trường chờ đợi một đợt giảm nữa trong ngày cuối tuần, khi áp lực bán thông thường mạnh lên trước khi nghỉ.
Việc người mua chấp nhận tung lệnh khớp vào dư bán cuối ngày rõ ràng mang một sắc thái tâm lý khác với chiến thuật treo lệnh chờ mua ở các mức giá thấp đầu phiên - (Ảnh: Quang Liên) |
Sàn HOSE trải qua một đợt thoát hàng sớm đầu ngày trong một kịch bản dễ đoán. Nỗi sợ hãi khi bị lỗ hay nỗi lo lắng khi “cụt” lãi đều mạnh như nhau. Dĩ nhiên lượng cung hôm nay chưa thể là của nhà đầu tư đã mua vào trong phiên ngày 13/7 mà chủ yếu của người kẹt tại mức 515 và một số mua được đúng đáy lúc VN-Index lình xình 3 phiên dưới 500 điểm. Không rõ lực lượng nào bán ra nhiều hơn, nhưng những gì diễn biến trên bảng điện cho thấy áp lực cung không mạnh. Trong khoảng 21 phút đầu đợt hai, khi áp lực bán mạnh nhất, khối lượng chuyển nhượng chỉ có 240 tỷ đồng. Chỉ số giảm từ mức 505,47 điểm lúc mở cửa xuống thấp nhất 504,17 điểm. Thực tế mức điểm này cũng không phải là ngưỡng điểm đặc biệt nào vì ngưỡng hỗ trợ về kỹ thuật nằm sâu hơn một chút, tương đương mức thấp nhất của ngày 13/7. Chỉ số dừng lại ở mức 504 điểm chủ yếu do lực bán không còn đủ sức đè giá xuống sâu hơn. Nếu theo dõi sát bảng điện có thể thấy nhịp độ giao dịch tại thời điểm này rất chậm. Chỉ số dao động cực hẹp (khoảng 0,3 điểm) trong đợt bán này và ở hầu hết cổ phiếu, đặc biệt là blue-chip, đều được chặn giá dưới bằng lượng dư mua. Các lệnh bán trực tiếp đều khớp vào dư mua với khối lượng thấp. Áp lực bán quá yếu là nguyên nhân chính khơi mào sóng tăng kế tiếp. Người mua bắt đầu thiếu nhẫn nại và chấp nhận đặt cao hơn. Khối lượng giao dịch bắt đầu tăng một cách cẩn trọng khi lệnh mua được khớp trực tiếp vào dư bán. Chỉ số tăng gần như liên tục từ 9h21 đến 10h với giá trị giao dịch khoảng 550 tỷ đồng. Mặc dù sàn HOSE về cuối phiên hai xuất hiện một đợt bán ra nhẹ khiến chỉ số thoái lui từ mức cao nhất 507,12 điểm nhưng giá trị cũng khá thấp, khoảng 164 tỷ đồng. Phiên khớp lệnh đóng cửa giúp chỉ số lấy lại 0,36 điểm, đóng cửa ở mức 506,21 điểm. Khối lượng đóng cửa hôm nay khá tốt, đạt 7,82 triệu đơn vị, tương đương 243,1 tỷ đồng. Nếu thống kê chi tiết có thể nhận thấy phần lớn cổ phiếu được khớp tại giá dư mua. Điều đó cho thấy lực bán trong phiên 3 là yếu hơn so với tương quan mua vào. Thanh khoản hôm nay tăng 11% so với phiên trước. Nếu chỉ nhìn tổng thể khối lượng cuối ngày, bức tranh sẽ thiếu sót. Thực tế khối lượng giao dịch giúp VN-Index tăng điểm trong phiên hôm nay chiếm tới 62% tổng khối lượng. Điều đó có nghĩa là mức độ mua chủ động đã chiếm phần lớn trong khối lượng chuyển nhượng. Việc người mua chấp nhận tung lệnh khớp vào dư bán rõ ràng mang một sắc thái tâm lý khác với chiến thuật treo lệnh chờ mua ở các mức giá thấp.
Theo Lan Ngọc
VnEconomy
VnEconomy