Thị trường bán lẻ Việt Nam: “Sân chơi” còn nhiều trở lực

Thị trường bán lẻ Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là sân chơi còn nhiều cơ hội và thách thức cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thị trường bán lẻ Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là sân chơi còn nhiều cơ hội và thách thức cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mạng lưới phân phối bán lẻ của Việt Nam chủ yếu vẫn thông qua hình thức bán lẻ truyền thống. Kênh bán lẻ hiện đại mặc dù  được mở rộng, nhưng tốc độ phát triển chưa cao, chưa làm thay đổi thói quen của nhiều người tiêu dùng. Đặc biệt, cả hai hệ thống này vẫn phải thông qua nhiều tầng trung gian khiến người tiêu dùng phải chịu nhiều thiệt thòi.

 

Hệ thống siêu thị phát triển trên địa bàn thành phố hải Phòng Ảnh: Duy Lân

Hệ thống siêu thị phát triển trên địa bàn thành phố hải Phòng

Ảnh: Duy Lân

Khó kiểm soát

 

Hiện mô hình bán lẻ hiện đại của Việt Nam chỉ chiếm gần 20%, còn lại hơn 80% là bán hàng kiểu truyền thống. Thị trường bán lẻ Việt Nam chủ yếu vẫn là những cửa hàng tạp hóa độc lập, những người bán hàng rong, các chợ... Một thực tế có thể dễ nhận thấy là có quá nhiều hình thức mua bán và thương nhân nhỏ lẻ hoạt động tự do và độc lập ngoài vòng kiểm soát, làm cho thị trường trở nên manh mún, lộn xộn, lợi ích của người tiêu dùng không được tôn trọng.

 

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, cho biết: có một lực lượng đông đảo người bán hàng rong hằng ngày len lỏi vào các khu dân cư đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng. Chính đội ngũ này góp phần làm  giá cả hàng hóa hạ từ 3% đến 5%. Nhưng về chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm  khó có thể kiểm soát, nếu tổ chức đội ngũ này thành một hệ thống có sự quản lý sẽ hữu ích hơn nhiều. Theo ông Phú, việc quản lý các chợ truyền thống hiện còn đơn giản, xô bồ. Để bảo đảm chất lượng hàng hóa cho người tiêu dùng cũng như giá cả hợp lý cần có sự gắn kết giữa khâu sản xuất và phân phối. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta buông lỏng quản lý khâu này, khiến các tư thương cứ mặc sức tung hoành trên thị trường, người nông dân sản xuất bị ép giá, người tiêu dùng phải mua giá cao.

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cũng thừa nhận: giá cả thường bị thương lái thâu tóm, trong khi người sản xuất có xu hướng bán đứt đoạn. Chẳng hạn với mặt hàng lúa gạo, người nông dân bán cho thương lái với giá khá thấp, nhưng khi thương lái bán đến khâu xuất khẩu, giá đã cao lên nhiều.

 

Chưa gắn kết bán buôn và bán lẻ

 

Trong hệ thống bán lẻ hiện đại, thị phần của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế cả về loại hình kinh doanh, số lượng, nhưng đây lại là đối thủ cạnh tranh khá nặng ký của doanh nghiệp trong nước.

 

Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, cho rằng, điểm hạn chế của hệ thống phân phối Việt Nam là chưa gắn kết giữa bán buôn và bán lẻ. Hầu như doanh nghiệp trong nước chỉ tập trung vào bán lẻ, còn “hờ hững” với việc tác động vào khu vực sản xuất để có sản phẩm đặc thù cho mình. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài lại tập trung vào lĩnh vực này. Chẳng hạn, siêu thị Metro tạo được mối liên kết với nhiều nhà sản xuất công nghiệp và nông dân. Ngoài các điểm bán hàng, Metro còn có kho trung chuyển hàng hóa, nhờ vậy, hàng hóa của Metro phong phú, là sản phẩm của nhiều địa phương, và đặc biệt, siêu thị này bán hàng gần như dưới hình thức bán buôn. “Về lâu dài, điều này sẽ bất lợi cho chúng ta, bởi theo quy luật thị trường, bán buôn sẽ gây sức ép cho bán lẻ”- ông Phan Thế Ruệ nhận định.

 

Vấn đề phân phối có ảnh hưởng lớn đến giá cả, nếu làm tốt khâu phân phối sẽ điều hòa được giá, bởi khi sản xuất ra, phân phối không tốt, các khâu trung gian  có thể làm giá tăng. Hệ thống phân phối phải thông suốt, tạo môi trường cho giao dịch  mới hạn chế sự căng thẳng về giá trên thị trường. Tuy nhiên, theo ông Vũ Vinh Phú, hiện hệ thống phân phối của chúng ta đang có nhiều hạn chế, chi phí lưu thông tốn kém, nhiều tầng, nhiều lớp. Hàng đưa về người tiêu dùng qua nhiều khâu trung gian, do đó ảnh hưởng đến giá sản phẩm. Ví dụ, các mặt hàng sữa, thuốc, đường hay dầu ăn, nhiều siêu thị không mua trực tiếp từ nhà máy mà phải qua vài trung gian, mỗi khâu lại đội giá lên, đến tay người tiêu dùng, giá đã lên cao. Vấn đề cốt lõi là phải thanh lọc hệ thống phân phối hàng hoá, kết nối được nhà sản xuất và nhà phân phối, giảm bớt các tầng lớp trung gian.

 

Cần tăng cường hệ thống bán lẻ hiện đại

 

Ông Phan Thế Ruệ cho rằng, một nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh trong thời gian qua là do hệ thống phân phối còn nhiều vấn đề. Muốn ổn định giá cả, hệ thống phân phối phải ổn định, nghĩa là phải nắm nguồn nhập khẩu cũng như nguồn sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, thương nhân phải hỗ trợ, kết hợp, hướng dẫn nông dân trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, chế biến để bảo đảm cung ứng hàng. Điều cốt lõi là phải tăng cường hệ thống bán lẻ hiện đại mới thực hiện tốt điều này.

 

Theo ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc siêu thị BigC, nếu các đơn vị phân phối có những kho chứa lớn, có hệ thống chuyển hàng trực tiếp cho người tiêu dùng sẽ giảm bớt những chi phí không đáng có. Bởi vậy, cần hiện đại hóa hệ thống phân phối tại Việt Nam kể cả về nguồn cung cấp nguyên phụ liệu và sản phẩm đầu ra.

 

Hệ thống bán lẻ hiện đại nước ta hiện mới chỉ có ở khu vực thành thị, chưa phổ biến đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thời gian qua, một số doanh nghiệp tổ chức đưa hàng về nông thôn để bán cho nông dân, nhưng mới làm từng đợt, chưa thường xuyên và hàng Việt chưa bám rễ thị trường đang được coi là tiềm năng này. Các chuyên gia cho rằng, đó là do chưa có cơ sở hạ tầng tốt để hàng Việt có “chỗ đứng” bền vững.

 

Cơ sở hạ tầng kém cũng là yếu tố đẩy giá sản phẩm lên cao do phải cõng thêm chi phí vận chuyển. Hiện 70% lượng hàng phân phối tại Hà Nội đều từ các nhà sản xuất miền Nam , mất ít nhất 3 ngày hàng mới ra tới Hà Nội. Chính vì vậy, nếu cải thiện được vấn đề hạ tầng, lưu thông hàng hóa  dễ dàng hơn, chi phí vận chuyển cũng giảm, lúc đó giá hàng hóa sẽ bớt căng.

 

Ưu thế của doanh nghiệp Việt Nam là hiểu người tiêu dùng Việt, hàng hóa phù hợp hơn với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng trong nước. Đây  là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam phát huy lợi thế, phát triển mạnh hệ thống bán lẻ, giành lấy thị phần trên thị trường nội địa.

 

Đỗ Huyền

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.