Dự án “Xây dựng quan hệ đối tác nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của cộng đồng ven biển Việt Nam” vừa được khởi động tại Việt Nam. Dự án do Cơ quan Phát triển quốc tế Autraulia tài trợ, Oxfam phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng động (MCD) tổ chức thực hiện thí điểm tại 11 xã thuộc 3 tỉnh, thành: Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định.
Một góc Cát Bà. Ảnh: MH |
“Tiền phương” đối đầu biển đổi khí hậu
Theo cảnh báo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nhiệt độ trung bình toàn cầu và mực nước biển đã tăng nhanh trong khoảng 25 năm gần đây. Trong đó, Việt Nam được xác định là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong vòng 50 năm qua nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,5 độ C, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Đến cuối thế kỷ 21 nhiệt độ trung bình năm của Việt Nam có thể tăng khoảng 2,3 độ C, tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa tăng, mực nước biển có thể dâng từ 75cm đến 1m so với thời kỳ 1980-1999. Nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập, khoảng 10-12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.
Là một thành phố biển, Hải Phòng trở thành “tiền phương” trong cuộc đối đầu với tác động của biến đổi khí hậu. Ông Đỗ Trung Thoại – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng chỉ rõ: “Ở miền Bắc, chưa bao giờ có những cơn bão vào cuối tháng 10, đầu tháng 11.
Tuy nhiên, mới đây, đã xuất hiện bão số 8 - bão Sơn Tinh với sức tàn phá khủng khiếp các tỉnh ven biển phía Bắc. Đây được xác định là biểu hiện rõ rệt biến đổi khí hậu. Bão số 8 đã khiến 7 người bị thiệt mạng, 4 người bị mất tích, 90 người bị thương; làm sập, tốc mái hơn 47 nghìn ngôi nhà. Gần 20 nghìn ha lúa bị ngập, trên 70 nghìn ha hoa màu bị hư hại; gần 12 nghìn gia súc, gia cầm bị chết. Tổng thiệt hại của bão số 8 lên tới trên 8.800 tỷ đồng. Trong đó, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình là những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất”.
Bà Nguyễn Thu Huệ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) chia sẻ: “Những phụ nữ sống trong các cộng đồng ven biển là những người dễ bị tổn thương nhất của tác động biến đổi khí hậu bởi việc bị nước biển xâm thực. Dự án nhằm xây dựng quan hệ đối tác, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các cộng đồng ven biển Việt Nam nhằm giảm nhẹ rủi ro, góp phần hoàn thiện chính sách quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên”.
Nâng cao ý thức cho cộng đồng dân cư
Bà Nguyễn Thị Huệ cho biết, trong thời gian qua, mô hình thực tiễn “Tăng cường quản lý hệ sinh thái biển và phát triển sinh kế cộng đồng, ứng phó biến đổi khí hậu” đã được MCD áp dụng tại các xã Giao Xuân (Giao Thuỷ, Nam Định), xã Nam Phú (Tiền Hải, Thái Bình), xã Phù Long (Cát Hải, Hải Phòng).
Mô hình này đã giúp người dân nâng cao nhận thức, kiến thức và năng lực về quản lý về hệ sinh thái, tài nguyên biển, phát triển sinh kế biển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Thành công của dự án này là tiền để để MCD và Oxfam triển khai Dự án “Xây dựng quan hệ đối tác nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các cộng đồng ven biển Việt Nam” do Cơ quan Phát triển quốc tế Australia tài trợ.
Dự án có mục tiêu tổng quát là tăng cường khả năng phục hồi của người dân và hệ sinh thái ven biển có nguy cơ bị tổn thương nhiều nhất trước tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai. Dự án được triển khai trên địa bàn 11 xã thuộc huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định), Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) và huyện đảo Cát Hải (TP Hải Phòng) với khoảng 21.000 người dân, gồm những hộ gia đình nghèo và những gia đình có chủ hộ là nữ, dự kiến thực hiện trong 29 tháng (1/9/2012 – 31/12/2014.
Theo ông Đỗ Trung Thoại, việc người dân tìm mọi cách mưu sinh là một phần nguyên nhân làm ảnh hưởng đến môi trường. Do đó, tạo điều kiện sinh kế cho người dân cũng chính là bảo tồn môi trường của khu vực. Dự án sẽ giúp người dân tại khu vực đồng bằng Sông Hồng nâng cao nhận thức, kiến thức và năng lực về quản lý về hệ sinh thái, tài nguyên biển, phát triển sinh kế biển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Ông Phạm Văn Ca – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng chỉ ra kinh nghiệm thực tế ở một xã ven biển tỉnh Thái Bình trong việc chống biến đổi khí hậu: “Khi chính người dân thấy được cái lợi của rừng ngập mặn, họ đã tự đóng góp công sức và thành lập đội bảo vệ. Bảo đảm sinh thái đi đôi với quyền lợi của người dân sẽ mang lại hiệu quả cao”.
Ông Phạm Văn Ca cam kết: “Thái Bình sẽ tích cực tham gia dự án, bảo tồn và phát huy nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu gây nên không chỉ ở ba xã được tài trợ, mà cam kết thực hiện ở toàn bộ các xã ven biển”.
Linh Nhâm