Chọn trường ngay tại địa phương để dự thi không những có nhiều cơ hội trúng tuyển, thí sinh còn tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí đi lại, cũng như những cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường.
Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn thí sinh lại chỉ thích chọn trường tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM mà thường bỏ qua các trường ngay tại địa phương mình. Đến nay, trừ Đắk Nông, tất cả các tỉnh, thành đều có Đại học, Cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (ĐH, CĐ, TCCN).
Ảnh minh họa |
Nhiều cơ hội
Mùa thi năm 2009, ĐH Phú Yên có 900 chỉ tiêu nhưng chỉ có 784 thí sinh dự thi. Trong khi đó, ĐH Trà Vinh có 3.520 thí sinh dự thi trong khi chỉ tiêu tuyển sinh lên tới 1.800 và chỉ có khoảng 150 thí sinh đạt điểm từ 13 trở lên. Tương tự, ĐH Cần Thơ tuy có thí sinh dự thi cao nhất cả nước (64.424), song cũng chỉ có khoảng 5.300 người đạt từ 15 điểm trở lên, trong khi chỉ tiêu là 6.500. Nhìn sang những trường khác như ĐH Quảng Bình, ĐH Đồng Tháp…, thí sinh dự thi cũng có cơ hội trúng tuyển rất cao, khi số người có điểm thi đạt 13 điểm trở lên thấp hơn chỉ tiêu tuyển sinh rất nhiều.
Theo TS. Nguyễn Huy Vị, Phó hiệu trưởng ĐH Phú Yên, chất lượng thí sinh đăng ký đầu vào tại các trường địa phương thường không cao, chủ yếu là học sinh có học lực trung bình khá. Ngoài cái lợi trước mắt khi dự thi là thí sinh không phải vất vả đi xa, tốn kém nhiều chi phí, các trường ĐH địa phương còn là những trường đa ngành nên thí sinh cũng có nhiều cơ hội chọn lựa. “Mặt khác, phần lớn các trường ĐH tại địa phương là thuộc hệ công lập, do đó học phí sẽ phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình của tất cả thí sinh. Bằng cấp cũng theo hệ thống văn bằng quốc gia”, TS Vị nói.
TS Lê Thị Thanh Mai, Phó trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TP HCM) cũng đưa ra lời khuyên: “Thí sinh nên tìm hiểu, ưu tiên các trường tại địa phương mình. Do các trường tại địa phương nào sẽ đào tạo theo nhu cầu của địa phương đó, nên rất dễ tìm việc sau khi tốt nghiệp”.
Điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn
Có thể thấy, chính vì chất lượng đầu vào không cao nên mức điểm trúng tuyển của các trường ĐH, CĐ ở địa phương trong suốt nhiều năm gần đây tương đối dễ chịu, phần lớn chỉ bằng điểm sàn theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Chẳng hạn, với 64 ngành đào tạo thì Trường ĐH Cần Thơ đã có đến 42 ngành có điểm 13-15 đối với các khối A, B, C, D, bằng mức điểm sàn thấp nhất. Tương tự, ĐH An Giang có 22/27 ngành có điểm chuẩn từ 13-15, ĐH Đà Lạt: 23/32, ĐH Quảng Bình: 9/11, ĐH Tây Nguyên: 23/34, ĐH Quy Nhơn: 30/42, ĐH Đồng Tháp: 23/28, ĐH Tiền Giang: 7/8, ĐH Hà Tĩnh: 9/13, ĐH Hải Phòng: 24/32, ĐH Hồng Đức: 20/25, ĐH Hùng Vương Phú Thọ: 9/15, ĐH Tây Bắc: 23/25 ngành…, tất cả có điểm chuẩn bằng điểm sàn.
Theo TS Võ Văn Thắng, Phó hiệu trưởng ĐH An Giang, một khi thí sinh hiểu rõ thực lực của mình gồm năng lực học tập, hoàn cảnh gia đình, sở thích bản thân… thì chắc chắn sẽ chọn trường thi phù hợp. “Tất cả đều nằm trong tầm tay thí sinh.. Thí sinh phải tự tin ở bản thân mình, nếu chắc chắn mình đậu vào ngành đúng với khả năng thì không vì ngành mình dự thi có quá đông người đăng ký dự thi mà bỏ thi để chọn ngành khác”, TS Thắng chia sẻ.
Theo Đất Việt