Những sửa đổi, bổ sung như nêu trên đã được các chuyên gia quốc tế tham dự hội thảo “giới thiệu những nội dung mới của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 về nội luật hóa các chuẩn mực quốc tế liên quan đến tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia” do Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua (23/5) hoan nghênh.
Hệ quả toàn cầu hóa
Theo số liệu tổng hợp, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia hiện đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng ở quy mô toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Trong lĩnh vực tài chính, năm 2008, lần đầu tiên Việt Nam phát hiện vụ rửa tiền xuyên quốc gia. Cụ thể, khoảng 10h ngày 20/9/2008, một người mang quốc tịch Mozambique đến chi nhánh một ngân hàng thương mại tại Đà Nẵng mở cùng lúc 2 tài khoản (gồm 1 tài khoản ngoại tệ và 1 tài khoản VND). Ngay sau đó, lập tức có đến hơn 4,1 tỷ VND từ một ngân hàng ở Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển vào. Chủ tài khoản yêu cầu rút ngay số tiền đó. Phòng An ninh kinh tế (PA17) Công an Đà Nẵng đã phối hợp với A17 (Bộ Công an), Công an TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và Interpol điều tra khẩn cấp, phát hiện đó là một vụ rửa tiền, bắt các đối tượng liên quan.
Trong vòng 10 năm qua, không chỉ tội phạm rửa tiền mà tình hình mua bán phụ nữ, trẻ em, tội phạm tham nhũng ở Việt Nam cũng diễn ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, có xu hướng gia tăng.
Tham dự hội thảo, các chuyên gia quốc tế đồng thời chia sẻ nhiều kinh nghiệm về xử lý tội phạm quốc tế. Điển hình là vụ bắt giữ El Chapo Guzman. Guzman được coi là một trong những “trùm” buôn lậu ma túy lớn nhất thế giới. Cùng với vai trò cầm đầu trong một nhóm tội phạm có tổ chức, El Chapo đã hợp pháp hóa các khoản tiền thu được bởi “đế chế” buôn bán ma túy thông qua các hoạt động rửa tiền và đã 2 lần hối lộ để trốn khỏi nhà tù.
Ngày 8/1/2016, Mexico đã bắt giữ El Chapo sau khi đối tượng trốn khỏi nhà tù lần thứ hai vào tháng 7/2015. Sau đó Guzman không chỉ bị truy tố bởi các tòa án Mexico mà còn bởi nhiều tòa án Hoa Kỳ. Đại diện UNODC nhấn mạnh, khi gặp phải các vấn đề có tính chất xuyên quốc gia như trên thì “cần giải pháp và quyết tâm xuyên quốc gia”.
Theo các chuyên gia, rõ ràng quá trình hội nhập quốc tế hứa hẹn sự thịnh vượng cho hàng triệu người, đồng thời làm cho nhiều người dễ trở thành tội phạm hoặc nạn nhân của tội phạm mang tính chất quốc tế. Để có thể đấu tranh với các loại tội phạm này, nỗ lực của từng quốc gia đơn lẻ không thể mang lại sức mạnh mà cần phải có sự hợp tác quốc tế trên phạm vi toàn cầu.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Việt Nam đã là thành viên của một số Công ước quốc tế như Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), Công ước của Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UBTOC) và Nghị định thư kèm theo (như Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp, trừng trị tội buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ, trẻ em), Bộ 40 khuyến nghị về rửa tiền của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF)...
Cộng với từ thực tế tội phạm nêu trên, với định hướng nội luật hóa những quy định của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, BLHS 2015 đã có những sửa đổi cơ bản và toàn diện về nhóm các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Thứ trưởng Tụng cho biết, những sửa đổi, bổ sung này nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh về phòng, chống tội phạm trong điều kiện hội nhập quốc tế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Một số quy định mới
Giới thiệu những nội dung mới liên quan đến lĩnh vực trên của BLHS 2015, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Hoàn một lần nữa nhấn mạnh, BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm nội luật hóa các quy định có liên quan của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên.
Cụ thể, đã sửa đổi, bổ sung quy định về chuẩn bị phạm tội theo hướng bên cạnh các hành vi chuẩn bị phạm tội được quy định trước đây (như tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm), còn bổ sung thêm hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm để thực hiện một tội phạm cụ thể. Quy định này tạo cơ sở pháp lý để chủ động ngăn chặn sớm tội phạm xảy ra, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm, đồng thời phù hợp với tinh thần Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Ngoài ra, Bộ luật đã sửa đổi, bổ sung cấu thành tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi trên tinh thần Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Theo đó, hành vi cấu thành tội mua bán người phải hội đủ cả 3 yếu tố hành vi, mục đích và phương thức, thủ đoạn phạm tội. Nếu thiếu 1 trong 3 yếu tố thì hành vi không cấu thành tội mua bán người.
Riêng với tội mua bán người dưới 16 tuổi, phương thức, thủ đoạn phạm tội không phải là yếu tố bắt buộc, và BLHS có quy định loại trừ với trường hợp chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi vì mục đích nhân đạo nhưng có giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.
Theo ông Đỗ Khắc Hưởng, đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính - tư pháp (Bộ Công an), thậm chí luật mới đã sửa đổi, bổ sung tội rửa tiền nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu khuyến nghị của cơ quan quốc tế là Lực lượng đặc nhiệm tài chính về phòng, chống rửa tiền.
Nổi bật là BLHS 2015 chỉ rõ dấu hiệu “biết rõ tiền, tài sản do phạm tội mà có” bằng cách khẳng định tài sản đó là “do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở biết là do người khác phạm tội mà có”. Quy định này nêu được 2 hình thức rửa tiền là “tự rửa tiền” hoặc “rửa thay” người khác.
Tham gia hội thảo, đại diện Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) đánh giá cao, hoan nghênh những sửa đổi nêu trên của BLHS 2015, và khuyến nghị Việt Nam sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để thực thi pháp luật áp dụng đúng, thống nhất, góp phần đưa các quy định đi vào cuộc sống, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền con người.