[links()]Trong phiên bế mạc kỳ họp ngày 21/6 vừa qua, Quốc hội đã quyết định miễn TTNCN nửa cuối năm 2012 đối với mức phải chịu thuế ở bậc 1 (đến 9 triệu đồng). Có ý kiến cho rằng, quyết định trên khiến nhiều người chịu thuế trên ngưỡng bậc 1 chút ít bị thiệt thòi. Vì, theo tính toán, sau khi trừ đi các khoản theo quy định, người có thu nhập 5 triệu đồng thì được miễn thuế, nhưng nếu thu nhập “nhích” lên trên 5 triệu, dù chỉ chút ít, họ lại thuộc diện chịu thuế…
|
Hình minh họa |
Có ý nghĩa kinh tế, xã hội
Từ ngày 1/7/2012 đến hết ngày 31/12/2012, đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu TTNCN ở bậc 1 (có thu nhập tính thuế đến 5 triệu, chiếm khoảng 70% số người đang nộp thuế hiện nay) sẽ được miễn trong vòng 6 tháng cuối năm. Điều đó cũng có nghĩa, các cá nhân không có người phụ thuộc sẽ được miễn thuế từ tháng 7 đến hết năm nếu thu nhập của họ dưới 9 triệu đồng. Nếu có người phụ thuộc, ngưỡng chịu thuế cũng sẽ tính thêm phần giảm trừ gia cảnh.
Quốc hội cũng quyết định giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp năm 2012 đối với DN nhỏ và vừa (không bao gồm DN nhỏ và vừa kinh doanh trong lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, DN được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc tập đoàn kinh tế, TCty), DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, DN xây dựng công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.
Miễn thuế khoán (thuế giá trị gia tăng, TTNCN) và thuế thu nhập DN năm 2012 đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện hộ, cá nhân, tổ chức này giữ ổn định mức giá cho thuê nhà trọ, phòng trọ, giá chăm sóc trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011.
Theo các chuyên gia tài chính, việc ban hành quyết định này là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Đây là quyết định cần thiết trong bối cảnh DN đang rất khó khăn về vốn, về đầu ra của sản phẩm hàng hóa. Với chính sách này, nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, so với năm 2009, mặc dù quy mô đợt miễn thuế 2012 không lớn nhưng cùng có cùng mục đích là khoan sức dân, nhưng vẫn bảo đảm nguồn thu và có tính đến tình hình lạm phát trong thời gian qua.
Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, “người dân giữ được tiền và sẽ chọn lựa được cách chi tiêu hợp lý cho các mục đích phù hợp”. Điều này vô cùng có ý nghĩa khi trong suốt nhiều năm qua sức mua của người dân đã bị lạm phát làm xói mòn rất nhiều.
Chênh thêm chút ít lại chịu thiệt
Theo quyết định của Quốc hội, người có thu nhập từ tiền lương, tiền công sau khi giảm trừ gia cảnh (trừ tiền bảo hiểm xã hội, giảm trừ cho bản thân và người phụ thuộc) mà có thu nhập đến 5 triệu đồng thì toàn bộ 5 triệu đồng bị tính thuế thu nhập bậc 1 (5%) sẽ được miễn thuế.
Ngày 21/6/2012, Quốc hội đồng ý miễn thuế thu nhập cá nhân trong vòng 6 tháng cho người đang nộp thuế ở bậc một. Không phải là người có thu nhập 9 triệu đồng thì được miễn thuế, mà phải hiểu đầy đủ như sau: “Người đơn thân có thu nhập 9 triệu đồng, sau khi trừ đi BHYT, BHXH và giảm trừ gia cảnh, mức thu nhập tính thuế là 5 triệu đồng thì được miễn thuế TNCN. Cụ thể, người đơn thân có thu nhập là 9 triệu đồng (sau khi trừ BHYT, BHXH) và giảm trừ gia cảnh cho bản thân là 4 triệu đồng, còn thu nhập tính thuế là 5 triệu đồng thì được miễn thuế TNCN. Nhưng người có thu nhập là 9,1 triệu đồng; thu nhập tính thuế là 5,1 triệu đồng thì họ phải nộp thuế là 5 triệu bậc 1 là 250 nghìn đồng, 100 nghìn x 10% = 10 nghìn đồng, tức là phải nộp 260 nghìn đồng; chứ không phải là được miễn thuế bậc 1 là 5 triệu đồng, chỉ nộp 100 ngìn x5%=5.000 đồng” - bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, giải thích rõ. |
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sĩ Kiêm cho biết, chính sách này góp phần khuyến khích sức mua, kích cầu thị trường trong bối cảnh sức mua giảm sút, hàng hóa ứ đọng...
Hơn nữa, lạm phát của VN luôn tăng cao mấy năm gần đây đã gây khó khăn đến đời sống người dân nói chung, trong đó có người nộp thuế. Do đó, miễn thuế là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, nếu mức thu nhập nhỉnh hơn 5 triệu sau khi giảm trừ gia cảnh, thì người có thu nhập lại không thuộc diện được hưởng ưu tiên như bậc 1 cũng sẽ là một thiệt thòi cần được tính toán kỹ hơn.
Ví dụ, một cá nhân với thu nhập hàng tháng là là 9.250.000đồng, với các khoản phải đóng theo quy định là 220.000 đồng, giảm trừ gia cảnh là 4 triệu đồng thì còn lại là 5.030.000 đồng. Khi đó, người này lại bị đánh thuế toàn bộ 5.030.000 mà không được miễn thuế.
Bà Hoàng Thị Nguyệt, cán bộ một ngân hàng tại quận Cầu Giấy cho hay, thu nhập mỗi tháng tùy thuộc vào “biến động” với các chỉ tiêu mà “sếp” giao. Theo đó, nếu huy động được nhiều vốn thì mức thu nhập trong tháng đó tăng và ngược lại.
“Có thể tháng này thu nhập được 10 triệu, nhưng tháng sau lại được 7 triệu. Như vậy, sẽ khó tính được mức bình quân để trừ thuế cho người có thu nhập, và sẽ rất thiệt thòi cho người thu nhập hơn bậc 1 khoảng vài trăm nghìn nhưng lại chịu thuế cho cả năm triệu theo quy định”, bà Nguyệt so sánh.
Ông Hoàng Hữu Thái, cán bộ tại một DN Nhà nước cho hay, so với giá cả hiện nay thì mức lương 5 triệu đ/tháng là thấp, số tiền này mới chỉ đảm bảo chi tiêu cho các nhu cần thiết thực trong cuộc sống. “Tôi mong Nhà nước sẽ tăng mức thu nhập chịu thuế lên gấp đôi, 10 triệu đồng thì sẽ hợp lý hơn”- ông Thái kiến nghị…
Như Trang