Nhiều tiềm năng, thế mạnh
Tỉnh Lâm Đồng có tiềm năng lớn khi là trung tâm giao thương, kết nối trực tiếp với 3 vùng kinh tế trọng điểm gồm: vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; kết nối với các tỉnh, thành phố trong nước và có quan hệ hợp tác với các TP như Busan, Chuncheon (Hàn Quốc); tỉnh Champasak (Lào)…
Bên cạnh đó, Lâm Đồng cũng có nhiều điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH, xây dựng đô thị, nông thôn và công nghiệp; nguồn nước dồi dào, có lợi thế rất lớn để phát triển nông nghiệp, thuỷ điện, du lịch. Đặc biệt, với lợi thế về khí hậu, địa phương này là trung tâm nông nghiệp công nghệ cao (CNC) hàng đầu trong nước khi là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về một số sản phẩm như: hoa, rau, chè, cà phê, lụa tơ tằm, cá nước lạnh… Là vùng kinh tế nông nghiệp hàng hoá hiệu quả cao, sinh thái hữu cơ công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và tuần hoàn, quy mô lớn…
Đáng chú ý, với thương hiệu “Lâm Đồng - Điểm đến an toàn, văn minh và thân thiện” cùng với thời tiết ôn hòa, mát mẻ quanh năm nên rất thuận lợi cho phát triển các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, du lịch kết hợp với nông nghiệp công nghệ cao, du lịch hoa, du lịch văn hoá, du lịch mạo hiểm, du lịch làng nghề... TP Đà Lạt là trung tâm nghỉ dưỡng lớn của cả nước và khu vực, được Thủ tướng công nhận là thành phố festival hoa. Năm 2023, Đà Lạt chính thức gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc; “Thành phố lễ hội châu Á” do Hiệp hội Festival và sự kiện quốc tế - khu vực châu Á công nhận sẽ tạo thêm tiền đề vững chắc cho ngành du lịch Lâm Đồng.
Công bố quy hoạch tỉnh - cởi “nút thắt” để bứt phá
Cuối tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng ký ngày 29/12/2023.
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, quy hoạch tỉnh Lâm Đồng xác định những nhiệm vụ trọng tâm cùng với những khâu đột phá để phát triển. Trong số các nhiệm vụ, tỉnh Lâm Đồng ưu tiên tăng cường liên kết vùng, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng diện rộng; xây dựng tỉnh Lâm Đồng trở thành điểm đáng đến, đáng sống, khẳng định vị thế và vai trò của tỉnh Lâm Đồng đối với vùng Tây Nguyên và cả nước.
Cùng với đó, Lâm Đồng tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững, trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng năng suất, đổi mới, sáng tạo hướng tới tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Nhiệm vụ nữa Lâm Đồng chú trọng để hiện thực hoá các mục tiêu đề ra là chú trọng phát triển văn hóa - xã hội và nguồn nhân lực; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần Nhân dân. Thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong các hoạt động kinh tế - xã hội và xây dựng chính quyền số; nâng cao hiệu quả quản trị công và cải cách thủ tục hành chính. Khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, quản lý và bảo vệ rừng, sử dụng hiệu quả quỹ đất. Xử lý ô nhiễm môi trường, bảo vệ các giá trị cốt lõi về thiên nhiên và lịch sử văn hóa, lập lại trật tự trong quản lý đô thị và nông thôn.
Những khâu đột phá phát triển
Lâm Đồng xác định những khâu đột phá phát triển gồm: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với xây dựng, phát triển đô thị bền vững, hoàn thiện các tuyến giao thông kết nối; Tổ chức sắp xếp lại hợp lý không gian kinh tế - xã hội; Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản lịch sử - văn hóa, thiên nhiên; bảo vệ môi trường; bảo vệ các quỹ đất rừng, nguồn nước và đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư.