Tăng trưởng kinh tế Lâm Đồng thấp nhất từ trước đến nay

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế - xã hội Lâm Đồng tăng trưởng chậm so với cùng kỳ năm trước (tăng 2,97%). Với mức tăng này, Lâm Đồng xếp thứ 58 cả nước, xếp thứ 5 Tây Nguyên.
Cục Thống kê Lâm Đồng công bố tình hình KT-XH trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2024.

Cục Thống kê Lâm Đồng công bố tình hình KT-XH trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2024.

Số liệu được Cục Thống kê Lâm Đồng công bố ngày 27/6 cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế - xã hội Lâm Đồng tăng trưởng chậm so với cùng kỳ năm trước (tăng 2,97%). Dự ước tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh 2010 tăng 2,97% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,13%; Khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 2%; Khu vực dịch vụ tăng 5,05% so với cùng kỳ.

Du lịch là mảng sáng trong bức tranh kinh tế Lâm Đồng.

Du lịch là mảng sáng trong bức tranh kinh tế Lâm Đồng.

GRDP 6 tháng đầu năm 2024 theo giá hiện hành đạt 47.300,4 tỷ đồng, tăng 8,16% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 10.551,6 tỷ đồng, tăng 8,3%; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 10.929,6 tỷ đồng, tăng 0,16%; khu vực dịch vụ đạt 22.928,7 tỷ đồng, tăng 12,24%... Với tốc độ tăng GRDP như trên, Lâm Đồng xếp vị thứ 58 cả nước và thứ 5 vùng Tây Nguyên (gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng).

Theo ông Nguyễn Công Thạnh, Quyền Cục trưởng Cục Thống kê Lâm Đồng, đây là chỉ số tăng trưởng thấp nhất của Lâm Đồng từ trước đến nay. Thậm chí có thể thấp hơn chỉ số tăng trưởng bình quân chung của cả nước (dự kiến khoảng 5%).

Một số nguyên nhân khách quan được chỉ ra như thời tiết nắng nóng, ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và một số nguyên nhân chủ quan như tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm, các chính sách về khai khoáng bị thắt chặt (một số ngành có tốc độ giảm so cùng kỳ như khai khoáng, sản xuất và phân phối điện và xây dựng)...

Thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng đặt ra nhiều giải pháp để vực dậy nền kinh tế, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 như: Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh; thúc đẩy các giải pháp sản xuất công nghiệp; tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp; quyết liệt triển khai công tác giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách nhà nước, kích cầu du lịch...

Tin cùng chuyên mục

Cần Thơ: Nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ

Cần Thơ: Nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ

(PLVN) -  Ngày 21/11, tại TP Cần Thơ, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP HCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ tổ chức hội thảo Mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ. Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến việc doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ.

Đọc thêm

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên
(PLVN) - Chuyển đổi số đang trở thành xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhận thức rõ điều này, Ban Quản lý (BQL) Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai mạnh mẽ các kế hoạch và hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới phát triển kinh tế số và xã hội số.