Sau một năm thi đấu hết sức thành công, tuy nhiên với Thể thao Đà Nẵng, nhiều khó khăn vẫn đang chờ đợi khi mùa thi đấu 2011 đã sắp bắt đầu.
Thể thao Đà Nẵng đang cần có một sự bổ sung kịp thời các lực lượng VĐV như Kim Dung để đạt thành tích tốt. |
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng Nguyễn Phúc Linh cho biết:
- Năm 2010, Thể thao Đà Nẵng được đánh giá đã thành công vượt bậc, thông qua những kết quả đạt được tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010). Với việc đoàn VĐV Đà Nẵng giành được vị trí thứ 4 toàn đoàn cho thấy, Thể thao Đà Nẵng đã đầu tư đúng hướng, đúng trọng tâm với nhận thức “biết người, biết ta”. Qua đó, có thể khẳng định, Đà Nẵng xứng đáng là một trong những trung tâm thể thao hàng đầu của quốc gia.
Từ thành công tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010), đội ngũ cán bộ làm công tác thể thao, HLV và VĐV Đà Nẵng tự tin hơn khi Thể thao Đà Nẵng vẫn có thể đạt được những kết quả khả quan như đã có. Hơn nữa, lãnh đạo ngành cũng đã rút ra được những bài học cần thiết từ sự thành công lẫn những hạn chế đã bộc lộ tại các giải thi đấu vừa qua.
Đã có những thuận lợi ban đầu song khó khăn chưa hẳn không còn.
Trong những ngày đầu năm mới, nỗi lo đã xuất hiện khi có thông tin về việc chế độ dinh dưỡng cho VĐV không còn được duy trì như năm 2010 với nhiệm vụ trọng tâm là Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010). Rõ ràng, để bảo đảm tốt nhất sức khỏe và nền tảng thể lực cho VĐV, đáp ứng được yêu cầu phát triển chiến lược của Thể thao Đà Nẵng trong giai đoạn mới, cần có chế độ dinh dưỡng cho VĐV. Nếu tình hình giá cả thị trường biến động như hiện nay, tiền ăn cho VĐV giảm thiểu, cũng đồng nghĩa với chất lượng nuôi dưỡng sẽ giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, theo kế hoạch, việc di dời toàn bộ Trung tâm HL-ĐT VĐV trong năm nay sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh hoạt, tập luyện của các đội tuyển. Bởi ngoài đội tuyển Bơi lặn, Bóng bàn và Taekwondo đã có địa điểm tập luyện cố định, các môn khác như Điền kinh, Billiards, Cầu lông và một số môn võ sẽ phải chờ đợi sự hỗ trợ từ Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Đà Nẵng hoặc Trung tâm Giáo dục Thể chất Đại học Đà Nẵng cùng Trung tâm Thể thao Quốc phòng 3 (Quân khu 5).
Sau những thành công vừa qua, ngành TDTT đã chủ động xây dựng kế hoạch nghiêm túc, chặt chẽ với một chu kỳ phù hợp để hướng đến Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 (2014); xây dựng chiến lược phát triển thể thao thành tích cao giai đoạn 2011-2020; trong đó, có đề ra kế hoạch cụ thể của chu kỳ 4 năm (2011-2014).
Ngoài việc xác định để có hướng đầu tư phù hợp cho những môn thế mạnh, những nội dung trọng tâm và đầu tư có trọng điểm cho những VĐV chủ lực, ngành TDTT Đà Nẵng cũng đánh giá lại lực lượng VĐV để điều chỉnh kế hoạch và xây dựng lực lượng VĐV phù hợp. Theo đó, vẫn ưu tiên phát triển các môn thể thao trong hệ thống Olympic, cùng với việc duy trì những môn thế mạnh để bảo đảm đạt thành tích tốt nhất. Xây dựng chiến lược phát triển thể thao Đà Nẵng theo hướng bền vững và từng bước phù hợp với xu thế phát triển của thể thao Việt Nam, thể thao khu vực và thế giới...
Bài và ảnh: BẢO AN