Vào thời điểm gần Tết Nguyên đán 2010, các cơ sở sản xuất mứt tư nhân đang dồn sức chạy đua với nhau để tung ra thị trường các loại mứt phục vụ Tết. Trong những ngày qua, chúng tôi xâm nhập các cơ sở làm mứt Tết mới thấy những lát mứt được làm ra thật đáng sợ.
Nguyên liệu làm mứt: Vứt dưới nền nhà!
Thau ngâm cà rốt đặt cạnh chậu cây cảnh ngay cổng ra vào cơ sở sản xuất mứt Tết tư nhân trên đường Lê Đại Hành, quận Hải Châu. |
Trong vai một người đi đặt mứt Tết, sáng sớm ngày 15-1, chúng tôi tìm đến một ngôi nhà chuyên sản xuất mứt Tết nằm trên đường Lê Đại Hành (quận Hải Châu). Lúc này trong nhà có một người đàn ông và 2 phụ nữ đang hì hụi thực hiện các công đoạn chế biến các loại mứt. Dưới nền nhà, ngổn ngang các thau chậu ngâm gừng, dừa, cà rốt... để xen kẽ với các vật dụng gia đình, chậu cây cảnh. Còn những người làm mứt không hề đeo găng tay trong khi chế biến. Ở phía góc nhà, trong các chậu dừa đã tách vỏ, đàn ruồi chen chúc, bu bám trông thật ghê rợn. Một phụ nữ nhà gần đó cho biết, mứt ở đây chủ yếu bỏ sỉ các chợ tiêu thụ từ nhiều năm nay, ở đây không ai dám mua, vì mỗi lần đi ngang nhà thấy họ chế biến mứt đã phát khiếp.
Sáng cùng ngày, theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến cơ sở chế biến mứt Tết của bà B. ở cuối kiệt 11 đường Hoàng Diệu (quận Hải Châu). Vừa bước vào đã nhìn thấy hai bên ngõ, xác dừa chất từng đống bốc mùi nồng nặc. Bên trong sân, những chậu nước ngâm gừng, dừa để tràn lan dưới nền nhà, ngay cạnh chỗ rửa chén bát của gia đình bà B. Biết chúng tôi đặt mua mứt Tết gửi về quê, bà B. nhanh nhảu giới thiệu: Ở đây làm mứt cung cấp cho nhiều chợ, chú thích mứt gì cũng có, nhưng phải đặt cọc sớm. Nếu đặt mứt gừng thì giá 50.000 đồng/kg. Chúng tôi hỏi có cách nào làm trắng mứt gừng không? Bà B. nói ngay: Muốn làm trắng thì tôi làm trắng cho, còn muốn nhuộm màu cho đẹp thì tôi cũng làm được thôi.
Đi qua những cơ sở làm mứt Tết, chúng tôi nhận thấy nhiều nơi chế biến mứt không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vì hầu hết các cơ sở này đều tận dụng các khoảng trống trong nhà như bếp, khu rửa chén… để chế biến mứt; công nhân làm việc không mang găng tay, khẩu trang, quần áo bảo hộ lao động.
Cẩn thận khi mua các loại mứt
Công đoạn chế biến mứt Tết ở các cơ sở sản xuất tư nhân mất vệ sinh như vậy, nhưng khi tung ra thị trường, người tiêu dùng khó phát hiện được, bởi những thứ mứt được chế biến trong điều kiện dơ bẩn này đã được nhuộm màu, đóng gói rất bắt mắt. Tại chợ Hàn, các loại mứt Tết như: mứt gừng, mứt dừa, mứt bí đao… không có nhãn mác được bày bán khá nhiều. Thấy chúng tôi tỏ vẻ nghi ngờ về chất lượng gói mứt dừa đựng trong túi ni lông không nhãn mác, một chị bán hàng ở đây liền trấn an: “Anh yên tâm đi, vì cơ sở sản xuất tư nhân nên không có nhãn mác, chứ chất lượng thì tuyệt vời. Em bán mứt ở đây 3 năm ni rồi, năm nào cũng được khách khen là mứt ngon, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Nếu anh cần đặt mua mang về quê thì em đặt giúp cho, bao nhiêu cũng có”.
Trong những ngày này, thị trường hàng Tết tại thành phố Đà Nẵng, trong đó có các loại mứt đang được bày bán khắp nơi. Tại các chợ, nhiều loại mứt Tết không nhãn mác vẫn được bày bán. Từ thực tế chúng tôi ghi nhận được như trên, mong rằng các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cơ sở sản xuất mứt tư nhân để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong những ngày Tết sắp đến. Nguời tiêu dùng khi mua mứt, cần chọn những mặt hàng có tên cơ sở sản xuất, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Bài và ảnh: HÒA KHÁNH