Không qua đào tạo sư phạm nhưng kiêm nhiệm nhiều môn
Những ngày này hàng năm, ngôi nhà của thầy giáo Hoàng luôn rất đông lớp lớp học trò từ thế hệ này đến thế hệ khác đến chúc mừng Ngày nhà giáo Việt Nam – 20/11, cũng là dịp để các trò chúc sức khỏe người thầy già đáng kính trọng.
Câu chuyện về người thầy giáo già hơn 30 năm nay dạy học miễn phí cho các học trò nghèo khắp vùng thị xã Thái Hòa (Nghệ An) và huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) xưa đã không còn xa lạ với người dân nơi đây.
Tại trụ sở UBND phường Hòa Hiếu, khi hỏi về thầy Hoàng, người học trò cũ từng được thầy dạy dỗ năm xưa giờ đây là Phó chủ tịch phường đã dẫn chúng tôi đến nhà thầy giáo cũ của mình. Ông giáo ngoài 80 tuổi, dáng người nhỏ thó, tóc đã bạc, làn da đồi mồi đã xuất hiện trên bàn tay hay cầm phấn hay cả trên trán, trên mặt thầy.
Thầy Hoàng dẫn chúng tôi vào phòng, trên bàn còn có mấy bó hoa tươi của nhóm học trò cũ mới về thăm chúc mừng thầy hôm qua còn đó. Thầy nói “mấy đứa mới về họp lớp học thêm tại đây tặng hoa chúc mừng đó. Năm nào cũng thế, chúng nó kéo về vui lắm…”, ông giáo già không giấu được niềm xúc động trên khuôn mặt.
Thầy Hoàng là học trò nổi bật nhất ở Trường Quốc học Huỳnh Thúc Kháng, khóa học 1955 – 1958, với hoàn cảnh khó khăn, vừa đi học, vừa đi cộng sổ cho các doanh nghiệp ở Vinh để kiếm tiền nhưng lại học rất giỏi và đều các môn. Nhưng thầy Hoàng cũng là trường hợp duy nhất dù không đỗ “ông nghè”, chưa một lần được bước vào giảng đường đại học. Chỉ học hết lớp 10 (hệ 10/10) thì thầy Hoàng phải dừng con đường học vấn lại mà theo gia đình lên miền Tây xứ Nghệ để làm công nhân.
Ngọn lửa truyền thụ kiến thức cho học trò chưa bao giờ tắt, dù thầy Hoàng đã hơn 80 tuổi. |
Sau hơn 1 năm làm công nhân, thầy Hoàng được lãnh đạo nông trường động viên làm thầy trong lớp bình dân học vụ. May mắn bắt đầu từ đó, những lớp học trò là người bác, người chú, người anh, người chị… mù chữ được thầy xóa mù đều thoát mù và đọc viết lưu loát sau vài tháng theo học.
Năm 1978, khi huyện Nghĩa Đàn có chủ trương mở Trường Năng khiếu Nghĩa Đàn, thầy Hoàng được tin tưởng giao trọng trách là hiệu trưởng trường năng khiếu. Sau 5 năm sau, trường giải thể, thầy về giảng dạy tại Trường THCS Thái Hòa cho đến khi về hưu.
Dù chưa qua một lớp đào tạo nghề giáo nào, hay một khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm nào nhưng hơn ba mươi năm gắn bó với nghề dạy học thầy Hoàng có thể dạy văn, vừa có thể dạy toán, dạy vật lý, dạy hóa học. Thành quả là rất nhiều học trò của các môn được thầy đào tạo đều có những thành tích cao trong các cuộc thi và đậu nhiều trường đại học danh tiếng.
Còn “truyền lửa” nếu còn sức
Lớp học của thầy Hoàng nằm trong căn nhà cũ bên cạnh hồ Bàu Sen, cái bảng đã cũ kỹ, những bộ bàn ghế cũ kỹ nhưng đã không biết bao nhiêu thế hệ học trò đã được thầy dạy và ra đời thành người có ích cho xã hội. “Khi nào trái tim còn nhịp đập, cái đầu còn tư duy bàn tay còn cầm phấn, tôi còn sức khỏe thì tôi vẫn còn đứng lớp. Và như thế tôi mới thấy mình sống có ích, biết rằng học trò vẫn còn cần tôi, xã hội vẫn cần tôi…”, thầy Hoàng nói.
Ở thị xã Thái Hòa, thầy Hoàng không chỉ “nổi tiếng” vì giỏi kiến thức, dạy được nhiều môn học, đa tài mà còn là một người thầy giáo tâm huyết, hết lòng vì học sinh nghèo. Thầy không ưu tiên học trò giỏi để dạy mà thầy còn rất quý những học sinh nghèo, học sinh học kém muốn được học, và muốn có kiến thức.
Từ đầu những năm thập niên 80 lớp học của thầy Hoàng được mở ra, nếu những gia đình khá giả thì không nói làm gì, nhưng với những học sinh con nhà nghèo thì thầy Hoàng đặc biệt không lấy tiền học phí mà còn tận tình chỉ dạy. Có những gia đình có đến 3 thế hệ trong một nhà đều là học trò của thầy dạy và thành đạt.
Điều đáng nói là không chỉ dạy cho có mà học trò sẽ có kiến thức khi được thầy chỉ dạy và chăm chỉ học hành nghiêm túc. Không chỉ kiến thức được truyền trong những lớp học miễn phí mà đạo đức, lối sống, cách làm người cũng được thầy truyền lại cho các thế hệ học trò.
“Để các em biết được dù học giỏi hay học kém mà đạo đức lối sống kém thì cũng là người không có ích cho xã hội…”, thầy Hoàng nói. Vì thế mà mỗi thế hệ học trò được thầy chỉ dạy ra đời đều nhìn về thầy như một người cha, một người ông đánh kính trọng, một người thầy tuyệt vời. Dù đã nghỉ hưu theo chế độ hơn 20 năm nay nhưng lớp học thêm của thầy Hoàng chưa một ngày khép lại, trừ những ngày thầy mệt hoặc đau ốm thì mới nghỉ. Hiện nay, do tuổi cao sức yếu nhưng thầy vẫn đang nhận dạy hai lớp học trò mỗi tuần. “Thấy học trò ham học, có kiến thức thì tự nhiên người nó khỏe ra chứ không phải ăn ngon mặc đẹp mới khỏe…”, thầy cười nói.
Người học trò của những thế hệ năm xưa giờ đây là Phó chủ tịch UBND phường Hòa Hiếu nơi thầy sinh sống và giảng dạy, anh Kiều Đình Việt chia sẻ: “Tôi là một thế hệ học trò của thầy Hoàng, không phải vì thế mà tôi nói tốt cho thầy nhưng thực sự thầy là người thầy, người cha, người ông là tấm gương sáng để nhiều thế hệ như chúng tôi và sau này phải soi vào để học tập.
Lớp học của thầy vẫn đều đặn diễn ra dù tuổi đã cao nhưng thầy chưa ngày nào ngừng nghỉ vì thầy không muốn các học trò mình ngừng rèn giũa kiến thức, rèn tâm hồn để thành người có ích cho xã hội. Hằng năm, mỗi dịp Ngày nhà giáo Việt Nam, lớp lớp học trò đều tranh thủ về thăm thầy, chính quyền cũng có các đoàn đến tặng hoa, động viên thầy…”.