Liên quan đến vấn đề báo chí nêu về việc chuyển nhượng cổ phần trái luật tại BVEC và có hay không lợi ích nhóm, thâu tóm vốn nhà nước, Bộ Xây dựng đã tiến hành thanh tra công tác quản lý Dự án đầu tư xây dựng của BVEC theo quyết định số 97 QĐ/TTr ngày 24/3/2016 của Chánh Thanh tra Bộ xây dựng và đã có kết luận cụ thể.
Kết luận Thanh tra số 397/KL TTr ngày 27/9/2016 nêu rõ: Dự án đầu tư xây dựng, mở rộng Quốc lộ 51, đoạn Biên Hoà - Vũng Tàu theo hình thức BOT được Chính phủ chấp thuận các nhà đầu tư tại Văn bản số 7962/VPCP-KTN ngày 19/11/2008 gồm: Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt nam (IDICO), Tổng Công ty Sông Đà và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Các Nhà đầu tư thành lập BVEC để thực hiện Dự án.
Kết luận Thanh tra cũng nêu rõ, căn cứ vào Khoản 1, Điều 2, Nghị định 78/2007/NĐ-CP ngày 11/5/2007 (Nghị định 78) của Chính phủ, Hợp đồng BOT được ký giữa Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và Nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng nhưng Bộ Giao thông lại chỉ định BVEC là Nhà đầu tư đàm phán Hợp đồng BOT QL 51 là không đúng quy định nêu trên.
Rõ ràng theo Kết luận Thanh tra Bộ Xây dựng đã viện dẫn ở trên, BVEC không phải là Nhà đầu tư Dự án, không phải là một bên trong Hợp đồng BOT mà chỉ là pháp nhân các nhà đầu tư thành lập nên để thực hiện Dự án. Nhà đầu tư thực sự của DA là IDICO, Tập đoàn Sông Đà và BIDV và phải được Chính phủ chấp thuận bằng văn bản cho phép tham gia Dự án sau khi đã thẩm tra kỹ lưỡng về năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý Dự án.
Tập Sông Đà chuyển nhượng 100% cổ phần (tương đương 30% VĐL của BVEC) cho Tổng Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Xây dựng (DIC) theo Hợp đồng chuyển nhượng số 01/CNCP/TĐSĐ-DIG vào ngày 06/1/2011, BIDV chuyển nhượng 100% cổ phần (tương đương với 10% VĐL của BVEC) cho Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC) theo Hợp đồng chuyển nhượng số 01/CNCP.BIDV -BEDC ngày 06/5/2011 để sau đó DIC và BEDC chuyển nhượng tiếp cho Công ty cổ phần Thái Ninh không đơn thuần là việc chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông BVEC mà thực chất là thay đổi Nhà đầu tư tham gia Dự án.
Việc chấp thuận cho một Nhà đầu tư được tham gia Dự án BOT phải tuân thủ quy định tại Nghị định 78 của Chính phủ. Cụ thể, đối với Dự án BOT Quốc lộ 51, Nhà đầu tư phải được Chính phủ chấp thuận cho tham gia Dự án bằng văn bản. Việc thay đổi Nhà đầu tư tham gia Dự án BOT QL 51 rõ ràng đã không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không tiến hành thẩm định tư cách chủ đầu về năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý là vi phạm các quy định của Chính phủ liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư, dẫn đến hàng loạt các sai phạm có tính hệ thống và trong một thời gian dài sau này của Dự án như Nhà đầu tư (xét theo khía cạnh chủ thể của Hợp đồng BOT) hay cổ đông ( xét theo mối quan hệ với BVEC) không góp đủ vốn chủ sở hữu là vốn đối ứng bắt buộc phải góp đúng hạn, chủ đầu tư nợ nhà thầu hàng trăm tỷ đồng, chậm quyết toán công trình, chưa quyết toán công trình đã thu phí trái luật...
Rất tiếc, vấn đề này không được Thanh tra Bộ xây dựng xem xét một cách thoả đáng và nêu tại Kết luận Thanh tra.
Về việc cổ đông sáng lập của BVEC chuyển nhượng cổ phần trái luật, Thanh tra Bộ xây dựng cho rằng các cổ đông sáng lập này đều đã có Nghị quyết của Đại hội cổ đông phê duyệt và căn cứ vào Khoản 5 Điều 84 Luật Doanh nghiệp quy định "Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận ĐKKD, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho các cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội cổ đông" thì việc chuyển nhượng này là phù hợp với quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ Công ty BVEC.
Vấn đề là các cổ đông sáng lập của BVEC có quyền được chuyển nhượng “quyền góp vốn” hay không chứ không còn là quy trình chuyển nhượng thế nào cho đúng luật?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 84, các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán và phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận ĐKKD.
Theo Giấy chứng nhận ĐKKD lần đầu của BVEC ngày 15/12/2008, 3 cổ đông sáng lập của BVEC cùng nhau đăng ký mua 89% tổng số cổ phần phổ thông của BVEC, cụ thể IDICO (49%) Tập đoàn Sông Đà (30%) và BIDV (10%) và 3 cổ đông này phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký chậm nhất là ngày 15/3/2009.
Nếu trong thời hạn nêu trên,có cổ đông sáng lập không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua thì số cổ phần chưa góp đủ đó của cổ đông sáng lập được xử lý theo một trong các cách thức sau:
- Các cổ đông sáng lập còn lại góp đủ tỷ lệ số cổ phần đó theo tỷ lệ sở hữu của họ trong công ty
- Một hoặc một số cổ đông sáng lập nhận góp đủ số cổ phần đó
- Huy động người khác không phải là cổ đông sáng lập nhận góp đủ số cổ phần đó, người nhận góp cổ phần đó đương nhiên là cổ đông sáng lập. Trường hợp này, cổ đông sáng lập chưa góp cổ phần đăng ký đương nhiên không còn là cổ đông của công ty.
Vấn đề đặt ra là các cổ đông sáng lập của BVEC có thanh toán tiền mua cổ phần đã đăng ký trong thời hạn luật quy định là 90 ngày kể từ ngày 15/12/2008 để duy trì tư cách cổ đông sáng lập và được quyền chuyển nhượng cổ phần cho DIC và BEDC vào tháng 01/2011 và tháng 5/2011 hay không?
Theo Công văn số 1446/TDSD/TCKT ngày 28/12/2010 gửi BVEC về việc chuyển nhượng số cổ phần đã góp và quyền góp vốn cổ phần thì đến ngày 25/12/2010, tức là sau 02 năm 10 ngày kể từ ngày BVEC được cấp Giấy chứng nhận ĐKKD, Tập đoàn Sông Đà mới chỉ góp 4,5 tỷ đồng và số chưa góp là 520,5 tỷ đồng.
Quyền góp vốn vào BVEC của Tập đoàn Sông Đà và các cổ đông sáng lập khác chấm dứt sau thời hạn 90 ngày kể từ ngày 15/12/2008 và số cổ phần mà Tập đoàn Sông Đà và các cổ đông sáng lập khác đã đăng ký mua nhưng không thanh toán sẽ được xử lý theo một trong các cách thức quy định tại K3 Điều 84 Luật DN năm 2005
Do vậy các Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và quyền góp vốn vào BVEC của Tập đoàn Sông Đà cho DIC, BEDC cho Thái Ninh là vô hiệu, hay nói cách khác, bán cái mình không có.
Việc chuyển nhượng cổ phần một cách trái luật đang đặt ra vấn đề: Có hay không việc một số Nhà đầu tư/cổ đông hiện hữu của Dự án do không đủ điều kiện về năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý phải mượn danh nghĩa của các nhà đầu tư có đủ điều kiện để xin được chấp thuận của Chính phủ cho phép tham gia Dự án?.