LTS: Sau khi trích đăng ý kiến của các bạn trẻ ở Đà Nẵng về thực trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) hiện nay trong số báo ra ngày 12-9, Chào bạn trẻ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến khác từ khắp nơi gửi về, đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường. Chúng tôi xin giới thiệu cùng quý bạn đọc.
Cuộc triển lãm tranh, ảnh, sách nói về môi trường luôn nhận được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. |
Ngô Văn Trung, CLB Marketing-ĐH Kinh tế Đà Nẵng: “Tìm vật liệu thay thế”
Rất nhiều chương trình vì môi trường đã được đưa ra, nhưng tính thực tiễn của nó gần như là không có. Xin lấy một ví dụ điển hình: Khắp nơi vận động người dân không tiếp tục sử dụng bao ni lông, nhưng không dùng bao ni lông thì họ biết dùng gì để thay thế? Đây mới chính là câu hỏi cần phải trả lời.
Thực tế nhất, hãy tìm cách chế ra một loại vật liệu mới, có thể thay thế bao ni lông, nhưng lại có lợi cho môi trường và đáp ứng được các điều kiện khác như giá thành, tính tiện dụng... Nếu làm được điều này, thì việc tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen sử dụng bao ni lông là không khó.
Lê Thị Trang, CLB Môi trường - ĐH Bách khoa Đà Nẵng: “Đoàn kết trong hoạt động phong trào”
Đà Nẵng hiện nay có khoảng 10 CLB hoạt động chuyên sâu về lĩnh vực môi trường. Theo tôi, trong thời gian tới, các nhóm cộng đồng cần tiếp tục phát huy năng lực cá nhân để hòa mình vào những hoạt động chung; đoàn kết, ủng hộ nhau cùng thực hiện những phong trào, chiến dịch mang lại lợi ích cho cộng đồng. Đặc biệt, thay vì âm thầm hoạt động không có kế hoạch và phương hướng rõ ràng, mỗi cá nhân cần xây dựng uy tín để chủ động học hỏi, giao lưu với các CLB môi trường ở tỉnh, thành khác...; chia sẻ nhiệt huyết để cùng nhau xây dựng một thành phố tốt đẹp hơn.
Trong thời gian tới, vẫn cần tiếp tục phát huy các phong trào kêu gọi bảo vệ môi trường, kết hợp với tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân hiểu sâu hơn và tham gia tốt hơn vào việc tự giác bảo vệ, cải thiện môi trường sống của chính mình.
Trần Thị Quỳnh Nga, Khoa Kế toán, ĐH Kinh tế Đà Nẵng: “Đánh thuế vào những sản phẩm chứa plastic, ni lông”
Hoạt động bảo vệ môi trường vẫn chưa tìm được tiếng nói chung của mọi người. Vấn đề cần làm là đánh mạnh vào ý thức mỗi người dân. Điều này không chỉ do các tổ chức hay các CLB môi trường kêu gọi, mà cần sự chung tay góp sức của các cơ quan chức năng. Cơ quan truyền thông cần dành nhiều thời lượng hơn cho những chương trình về môi trường, để người dân biết đến tình trạng ÔNMT hiện nay ra sao, tương lai con cháu họ sẽ phải gánh chịu điều gì?
Những sản phẩm tiêu dùng hiện tại mà chúng ta đang sử dụng có quá nhiều plastic, ni lông… Điều đó không chỉ xuất phát từ nhu cầu người tiêu dùng, mà nguyên nhân chính là giá của plastic, ni lông rất rẻ khiến mọi người thoải mái sử dụng mà không suy nghĩ đến hậu quả. Thiết nghĩ, nếu Chính phủ quyết tâm thực hiện các biện pháp đánh thuế làm tăng giá sản phẩm này thì tôi nghĩ sẽ hạn chế được lượng tiêu thụ. Ngoài ra, chúng ta nên áp dụng những biện pháp bảo vệ môi trường theo cơ chế sinh hóa, sẽ phù hợp và thân thiện hơn với môi trường.
Phạm Văn Siêng, 53 Trần Nhật Duật, Đà Nẵng: “Đưa bộ môn Môi trường vào học ở cấp tiểu học”
Cần có những chiến dịch mạnh mẽ hơn để người dân nhận thấy ÔNMT đã và đang tác động trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày. Trong sinh hoạt, mỗi người cần thay thế các vật liệu làm từ xốp, nhựa bằng các nguyên liệu tự nhiên như: tre, lá chuối, gốm, gỗ… Xây dựng thói quen tắt máy tính và rút dây sạc ra khỏi ổ cắm khi không còn dùng nữa.
Trong tương lai gần, cần giáo dục mạnh mẽ về môi trường cho học sinh tiểu học, để đào tạo một thế hệ trẻ nhận thức tốt về vấn nạn ÔNMT. Các cơ quan, ban, ngành liên quan cần tạo điều kiện, hỗ trợ và quan tâm nhiều hơn nữa đến hoạt động về môi trường của các CLB. Không những cùng nhau kêu gọi mà phải cùng nhau hành động.
Thạc sĩ Tô Hùng - Bí thư Đoàn Đại học Đà Nẵng: “Xây dựng quỹ môi trường “Vì thành phố Xanh”
Thời gian qua, một số CLB về môi trường tại các trường Đại học đã có những hoạt động tích cực như ra quân dọn vệ sinh, đạp xe vì môi trường, kêu gọi cộng đồng thực hiện Giờ trái đất, chống biến đổi khí hậu... Sắp tới, cuộc triển lãm “Save planet, save Future” diễn ra tại 6 trường Đại học sẽ giúp sinh viên tiếp cận với nguồn tư liệu phong phú về môi trường, giúp họ có cái nhìn cận cảnh về những tác hại do ÔNMT gây ra. Trong những chương trình về môi trường, rất nhiều giải pháp đã được đoàn viên thanh niên đề xuất như tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân; đưa ra chế tài đủ mạnh để xử phạt các hành vi vi phạm; gắn trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh… trong việc gìn giữ môi trường. Đặc biệt, ở mỗi cơ sở Đoàn, cần xây dựng quỹ môi trường “Vì thành phố Xanh” để đóng góp thiết thực cho các hoạt động bảo vệ môi trường do đoàn viên, thanh niên phát động và tổ chức định kỳ. Đại học Đà Nẵng sẽ luôn đứng sau những hoạt động mang tính cộng đồng...
Cuộc triển lãm mang tên“Save planet, save Future” (Bảo vệ hành tinh, bảo vệ tương lai) do CLB Marketing Đà Nẵng kết hợp với các CLB môi trường khác tổ chức sẽ diễn ra xuyên suốt ở 6 trường ĐH tại thành phố Đà Nẵng gồm: ĐH Kinh tế, ĐH Sư phạm, ĐH Bách khoa, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Duy Tân và ĐH Kiến trúc từ ngày 27-9 đến 26-10. Với thông điệp “Hành động nhỏ, thay đổi lớn”, Ban tổ chức hy vọng sẽ truyền cho sinh viên cảm hứng, động lực và tình yêu với thiên nhiên. Triển lãm gồm nhiều hình thức phong phú như trưng bày hai mô hình outdoor (ngoài trời) sử dụng chất liệu bằng vỏ chai trà xanh đã qua sử dụng; chuỗi câu chuyện về môi trường, ÔNMT trên các tờ phướn; triển lãm tranh ảnh ÔNMT tại Đà Nẵng; trưng bày sách báo, tài liệu về môi trường; trình chiếu các đoạn clip; chương trình “Hành động vì màu xanh”… |
Huỳnh Lê (tổng hợp)