Kinh phí nghiên cứu khoa học trong trường đại học sẽ được tập trung cho các đề tài liên trường, liên ngành có khả năng ứng dụng cao.
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý tại Hội nghị tổng kết hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng 2011 - 2015 các trường khối kỹ thuật, công nghệ và khoa học tự nhiên do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 27/10, tại Hà Nội.
Ít tiền lấy đâu đề tài hay?
Tại Hội nghị, PGS Hà Duyên Tư, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết mức kinh phí dành cho các đề tài cấp trường rất thấp, trung bình chưa đến 6 triệu đồng một đề tài. Hơn nữa, ở nhiều trường, việc xét duyệt, thực hiện đề tài còn mang tính hình thức nên chất lượng chưa cao. Thực tế tại một số trường, đề tài chỉ báo cáo trước hội đồng nghiệm thu, không phổ biến trong bộ môn nên ý nghĩa áp dụng đề tài vào phục vụ giảng dạy, đào tạo gần như là con số 0. Có trường đưa ra tiêu chí NCKH cấp trường để đánh giá thi đua nên nhiều cán bộ đòi hỏi được tham gia để lấy thành tích chứ không phải vì khoa học.
Đồng quan điểm, PGS TS Phạm Hùng Cường, phó hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng, than thở: “Kinh phí chỉ 2,5 triệu đồng một đề tài nên tâm lý thực hiện và đánh giá đề tài tại hội đồng nghiệm thu nhiều khi dễ dãi”. Thế nên cũng không quá ngạc nhiên khi phong trào NCKH trong SV chưa được nhiều trường quan tâm. Vì vậy, các trường có phong trào NCKH mạnh cũng chỉ có 3 - 5% SV tham gia. Tỷ lệ giảng viên tham gia hướng dẫn NCKH chưa cao, những trường có phong trào SV NCKH mạnh như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Mỏ địa chất, HV Kỹ thuật quân sự… tỷ lệ là 20 - 30%, còn các trường khác chỉ vài %.
Tỉ lệ sinh viên tham gia NCKH ở nhiều trường ĐH còn rất thấp. (Ảnh: Trung Kiên) |
Chú trọng đề tài trọng tâm
Các đại biểu tại Hội nghị đã thống nhất, trong 5 năm tới hoạt động NCKH sẽ tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ sinh học; công nghệ thông tin và truyền thông; vật liệu; cơ khí điện tử-tự động hóa… Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội; tăng cường liên kết NCKH với đào tạo, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ.
Thứ trưởng Bộ GD-DT Trần Quang Quý đề nghị các trường tăng cường quan hệ với các địa phương, doanh nghiệp để tìm kiếm các lĩnh vực cùng quan tâm để tập trung nghiên cứu. Tăng cường liên kết giữa các trường trong khối ngành để tập trung giải quyết những vấn đề lớn hơn. Ông Quý cho biết tới đây Bộ sẽ ưu tiên kinh phí cho những đề tài NCKH liên trường, liên ngành giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm có khả năng ứng dụng cao. Tăng cường nguồn lực đầu tư NCKH cho các trường bằng một dự án đang khởi động có giá trị khoảng 50 triệu USD. “Bộ GD-ĐT sẽ tập trung đầu tư trọng tâm trọng điểm và chỉ đầu tư cho các trường đăng ký dự án tốt”, ông Quý nhấn mạnh.
Theo ông Trần Quang Quý có bốn nguyên nhân làm kìm hãm NCKH, đó là việc chậm đổi mới tư duy trong NCKH đã kìm hãm sự phát triển của trường, không khơi dậy sự năng động, tiềm năng, tiềm lực của các cơ sở NCKH; Sự gắn kết nhà trường-nhà khoa học-doanh nghiệp chưa chặt chẽ; Cơ chế chính sách cho KHCN đặc biệt là chính sách thuế, thanh quyết toán đề tài chậm thay đổi khiến các nhà khoa học không muốn nghiên cứu; Giảng viên các trường tập trung vào giảng dạy nhiều nên không có thời gian tham gia NCKH. |
“Để nâng cao chất lượng các đề tài KH nên có một hội đồng nghiệm thu mà 1 người phản biện nằm ngoài khoa, hoặc trường để tăng tính khách quan. Các trường chủ động đặt hàng đề tài các khoa một số đề tài phục vụ công tác quản lý đào tạo. Đặc biệt, tăng trách nhiệm của các khoa, bộ môn đối với chất lượng đề tài”. PGS TS Phạm Hùng Cường. |
Theo Thủy Trúc
Đất Việt