Trường ĐH KTQD đã có những hướng dẫn cụ thể cho mùa tuyển sinh năm 2011. Theo đó ở nhiều chuyên ngành sẽ có điểm thấp hơn điểm sàn vào trường khoảng 3 điểm.
Nhiều học sinh có điểm thi ĐH thấp hơn điểm sàn vào trường 3 điểm vẫn có cơ hội vào ĐH KTQD. |
Hiện nay trường ĐH KTQD xét tuyển theo chuyên ngành đối với các chuyên ngành như: Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn (mã ngành 417); Thống kê kinh doanh (mã ngành 447); Tin học kinh tế (mã ngành 444); Luật kinh doanh (mã ngành 545); Công nghệ thông tin (mã ngành 146),;Kinh tế lao động (mã ngành 421). Năm 2010, điểm trúng tuyển vào các chuyên ngành này thấp hơn điểm sàn vào trường từ 2-3 điểm. Trao đổi với VTC News, PGS.TS Trần Quốc Khánh, chủ nhiệm bộ môn Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết: “Năm 2010, khoa Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xét tuyển theo chuyên ngành với điểm trúng tuyển thấp hơn điểm sàn vào trường 3 điểm. Đây là cơ hội cho nhiều học sinh vẫn có thể vào được ĐH KTQD với số điểm thấp hơn mặt bằng chung. Nhiều phụ huynh nếu không đọc kỹ những hướng dẫn về tuyển sinh thì không thể biết được điều này” Ông Khánh cũng cho biết thêm, học sinh trúng tuyển vào chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn đóng học phí như các sinh viên khác, không bị thu mức học phí cao như các hệ ngoài ngân sách của một số các trường. Như vậy, khi ra trường, sinh viên vẫn sẽ có tấm bằng có uy tín của trường ĐH KTQD mặc dù điểm đầu vào thấp hơn 3 điểm so với các sinh viên cùng khóa. Ngày 2/12/2010, trường ĐH KTQD có văn bản về việc hướng dẫn triển khai thực hiện học cùng lúc hai chương trình. Theo đó, sinh viên đăng ký học cùng lúc hai chương trình là sinh viên đang học ĐH hệ chính quy của trường đang học chương trình thứ nhất (CT1) đăng ký học thêm một chương trình thứ hai (CT2) để được cấp hai văn bằng tốt nghiệp. Hình thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Sinh viên học CT2 sẽ không phải qua thi tuyển mà sử dụng hình thức xét tuyển. Khi học CT2, sinh viên được bảo lưu điểm của những học phần đã tích lũy có nội dung và khối lượng kiến thức tương đương. Theo PGS.TS Phạm Văn Khôi (trường ĐH KTQD), với việc cho sinh viên học CT2 mà không phải qua thi tuyển sẽ giúp nhiều sinh viên có khả năng thấp hơn vẫn thỏa mãn được nguyện vọng của bản thân. Thời gian để hoàn thành CT2 cũng không mất thêm nhiều vì đã có khoảng 40-50% khối lượng kiến thức chung đã được học ở chương trình 1. “Đây là điều kiện thuận lợi giúp nhiều học sinh sau khi vào các chuyên ngành có điểm sàn thấp hơn như Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, tin học kinh tế…sẽ vẫn có cơ hội được đăng ký chuyên ngành mà mình yêu thích. Khi ra trường, sinh viên có thể có cùng lúc 2 bằng cấp có giá trị của ĐH KTQD”, PGS. TS Phạm Văn Khôi nhấn mạnh.
Theo VTC News