(HPĐT)- Ngày 31-5, Quốc hội nghe: Tờ trình dự án Luật thuế bảo vệ môi trường; Báo cáo thẩm tra dự án Luật thuế bảo vệ môi trường; Tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra dự án Luật khoáng sản (sửa đổi); thảo luận ở tổ về dự án Luật thuế bảo vệ môi trường.
Nên tính thuế suất theo tỷ lệ phần trăm ( %)
Đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) cho rằng, phương pháp tính thuế nên áp dụng thuế suất tính theo tỷ lệ phần trăm, đảm bảo ổn định không để biến động giá cả, nhất là khi giá hàng hoá biến động. Về tiêu chí xác định mức thuế chưa thống nhất, do đó cần phải lý giải một cách có căn cứ. Ngoài ra, biên độ tính thuế rất rộng, tính toán, do đó cần phải qui định từng nhóm để có căn cứ áp dụng một cách hợp lý. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng), Trần Đình Nhã (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng: Trong dự thảo luật quy định căn cứ tính thuế dựa trên số lượng hàng hóa tính thuế và mức thuế tuyệt đối là không chính xác. Các đại biểu nêu ý kiến, cách tính thuế nên theo tỷ lệ phần trăm (%) bởi vì có những mặt hàng như xăng dầu, giá cả lên xuống thất thường, không cố định, biên độ rộng nên rất khó tính thuế. Việc áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm có ưu điểm là số thu tăng, giảm theo giá hàng hoá, linh hoạt trong việc phục vụ cho thực hiện chính sách của Nhà nước khi cần điều tiết thị trường, điều tiết cung cầu.
Một số ý kiến đại biểu cho rằng, cần phải giải trình rõ nội hàm phí môi trường và thuế môi trường. Đến nay dự thảo luật đã rút gọn đối tượng chịu thuế đã thu lại còn 5 nhóm. Tuy nhiên, do hiện tình trạng ô nhiễm môi trường còn phổ biến, dự thảo luật cần phải có lộ trình cụ thể để từng bước chứng ta bổ sung hợp lý, đưa thêm các đối tượng chịu thuế vào luật phù hợp tính chất đạo luật này. Cũng có ý kiến đại biểu băn khoăn, khi luật thuế bảo vệ môi trương có hiệu lực có thể sẽ gây tăng giá cho các sản phẩm tiêu dùng, cần phải có sự cân nhắc tính toán các biểu thuế khi chúng ta áp dụng luật này.
Không để sót đối tượng chịu thuế
Các đại biểu Thái Thị An Chung, Nguyễn Hữu Nhị (Nghệ An) cho rằng: Chính phủ cần rà soát và đưa thêm các đối tượng gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường nằm ngoài diện phải nộp thuế trong luật này như các loại nước thải sinh hoạt ở khu dân cư, các chất tẩy rửa công nghiệp… Chủ nhiệm UB tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đồng tình với quan điểm trên, cho biết: nhiều ý kiến không tán thành việc xác định 5 nhóm hàng hoá áp thuế như trên vì “vô tình” loại bỏ nhiều mặt hàng gây ô nhiễm khác (đặc biệt các loại hoá chất như chất tẩy rửa, hạt níc…), không đảm bảo tính khái quát, công bằng của luật. Đại biểu Trần Bá Thiều (Hải Phòng) băn khoăn, với những nội dụng như Dự thảo luật thuế bảo vệ môi trường hiện nay thì không thể bảo vệ được môi trường. Thuế còn quá nhẹ, đối tượng chịu thuế qui định trong luật còn quá ít. Trong khi hiện nay có rất nhiều lĩnh vực sản xuất gây ô nhiễm cần phải đánh thuế môi trường như: sản xuất xi măng, sắt, thép, phân bón, nhiệt điện…. Do đó, theo cần phải rà soát một cách đầy đủ đối tượng chịu thuế mới đảm bảo tính thuyết phục. Tất cả các mặt hàng có mặt trên lãnh thổ Việt Nam gây ô nhiễm môi trường đều phải đánh thuế. Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc) đề nghị Luật cần bổ sung đánh thuế rác. Đó chính là động lực để người dân suy nghĩ cách xử lý rác chuyển nó thành sản phẩm không chịu thuế./.