Thanh Tùng- “thân” bến Nhà Rồng, “thần” bến Sáu Kho

Những người yêu nhạc Việt có lẽ đều ít nhất một lần từng nghe “Thời hoa đỏ” và mê đắm cả giai điệu lẫn ca từ của nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ thơ Thanh Tùng. Bước vào tuổi 75 của đời người, cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhà thơ Thanh Tùng dù “thân” đang ngự ở Sài Gòn, nhưng “thần” phiêu lãng hướng về thành phố bên bờ biển Đông có tên “Hải tần phòng thủ” - Hải Phòng, với sắc đỏ thắm của hoa phượng.

Người thơ của “Thời hoa đỏ”

 

7 năm đã trôi qua, nhưng khó quên cái ngày ấy, khi người thơ “Thời hoa đỏ” bước vào bar Lotus, tham dự một cuộc trình diễn thơ-nhạc mang tính thử nghiệm ở TP. Hồ Chí Minh. Một người không còn trẻ, tóc hơi rối, nhưng ánh mắt thì rất có thần. Và đặc biệt khi ông đọc thơ, hình như những dấu ấn của năm tháng trên gương mặt ông đã bị thơ hay sắc đỏ của một thời hoa phượng xa xưa đất Cảng Hải Phòng xóa mờ.

Tháng 11- 2008, 73 tuổi, ông mới có một sinh nhật cho mình, mà lại do bạn bè yêu ông và yêu thơ ông tổ chức. Ông như một chàng trai trẻ của cái thời “mải mê về một màu mây xa”, đắm đuối với thơ, phiêu lãng với thơ. Và rồi không chỉ vài lần mà là nhiều lần, ông thường có mặt trong các cuộc giới thiệu thơ của bạn bè, trong những buổi café thơ của người yêu thơ…Hình như thơ đã mang lại nguồn sinh lực cho cái tuổi “xưa nay hiếm”, mang lại cho ông sắc xuân trên gương mặt.

Ông thật ra không có nhiều thơ như nhiều người làm thơ khác, nhưng thơ của ông có sự ám ảnh với người đọc, để rất khó quên. Nhạc sĩ Phú Quang, người phổ nhạc thơ ông cũng từng nói:  Phải thừa nhận, Thanh Tùng có những câu thơ đọc một lần thì ám ảnh khôn nguôi. Ngoài cái tứ, thơ Thanh Tùng cũng giàu nhạc điệu. Tôi đang phổ một bài thơ khác của Thanh Tùng viết về mẹ với hình ảnh đắt giá “tiếng mẹ run như sóng, tiếng mẹ mềm như tơ, mẹ cười hay mẹ khóc, chỉ thấy mắt ta mờ”. Thanh Tùng lãng mạn, điều đó đọc trong thơ ông là rõ nhất, nhưng tính thích đùa, thì chỉ có gặp ông, nói chuyện với ông, mới thấy ông cũng dí dỏm, khôi hài, như khi  nói về "Thời Hoa Đỏ" ông tưng tửng:“Đó là một trong những phi vụ của tôi”..

Vào phương Nam, những tưởng cuộc sống sôi động của TP. Hồ Chí Minh sẽ “nuốt” ông trong cái không khí ồn ã nhộn nhịp quanh năm suốt tháng, đêm ngày như nhau, khó mà làm thơ. Nhưng không, cái “thần” của người đất Cảng Hải Phòng, nơi có bến Sáu Kho lẫy lừng một thời đã thấm vào ông, để ông nhìn phương Nam bằng trái tim và tâm hồn của một con người phóng khoáng như gió nắng phương Nam. Trong Trường ca “Hành Phương Nam ”, câu thơ ấn tượng nhất có thể mãi sống với thời gian: "Gió tự do thổi rộng mặt hè", như ông đã thấu hiểu rõ cá tính của người phương Nam .

Nghiệp thơ của nhà thơ Thanh Tùng mang lại không nhiều thành công như những người thơ cùng thời với ông, nhưng những gì ông đạt được, lại có sức sống với thời gian và tình cảm của người yêu thơ. Hai lần nhận giải thưởng thơ công nhân do Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng; nhiều lần nhận giải nhất các cuộc thi thơ viết về Hà Nội. 60 tuổi, mới xuất bản được tập thơ đầu tiên cho riêng mình mang tên Thời hoa đỏ (NXB Văn học -2001) được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng năm 2002. Năm 1997, ông được cử làm đại diện của Việt Nam sang Hy Lạp đọc thơ với đại biểu các nước, có thể nói là “sự kiện thơ” duy nhất trong đời ông.

Ông xuất thân từ người thợ, rồi thành nhà thơ. Đời thợ và đời thơ luôn hiện diện trong nhiều câu thơ của ông, như một trong những “dấu hiệu” của thơ Thanh Tùng khó lẫn với ai: “Cái nghề khuân vác của tôi/ Trong cơn mê còn thấy giọt mồ hôi cười/ Tôi sợ nó và tôi yêu nó/ Như người mẹ sợ cơn đau đẻ mà vẫn thèm có con” ,“Tôi đến trước cửa lò/ Người thợ cả trao cho tôi cây thông lò/ Và ngọn lửa thở như bão”.

 

Nhà thơ Thanh Tùng trong lễ ra mắt tác phẩm của đồng nghiệp.
Nhà thơ Thanh Tùng trong lễ ra mắt tác phẩm của đồng nghiệp.

Là nhà thơ thì phải sống chết với thơ

 

Gặp được ông thật khó, vì những ngày giáp Tết, nhiều bạn thơ mời ông, người ra mắt tập thơ mới, người muốn gặp đọc thơ cho nhau nghe như chia sẻ tình yêu với thơ. Và cuộc trò chuyện đầu xuân này cũng phải mất 2 buổi, giữa 2 cuộc ra mắt thơ của 2 nữ sĩ, một ở TP. Hồ Chí Minh, một là Việt kiều Italia.

- Kính thưa nhà thơ, nếu không làm thơ mà làm thợ thì điều gì sẽ xảy ra?

- Tôi từng làm thợ khuân vác trên bến cảng Hải Phòng, rồi làm công nhân đóng tàu, rồi làm người áp tải hàng hóa. Bài thơ “Thời Hoa Đỏ” khi được phổ nhạc là lúc tôi đang thất nghiệp, đi bán sách vỉa hè. Không làm thơ, thì không có Thanh Tùng nhà thơ để cho cô phỏng vấn (cười). Và cũng không thể có một người thợ giỏi Thanh Tùng nếu không làm thơ. Ừ, thơ cho tôi nhiều mà lấy đi của tôi cũng nhiều. Mất đầu tiên là một cuộc tình, nhưng bù lại có một “Thời Hoa Đỏ”.

- Quan niệm về thơ của ông?

- Đã là nhà thơ thật sự thì phải biết sống chết vì thơ. Thơ là một vẻ đẹp đặc biệt của ngôn ngữ, vừa có hình ảnh vừa có nhạc điệu. Đã bước chân vào thi ca thì phải biết cái gốc của thơ, biết được cội nguồn gốc rễ của ông cha, những tinh hoa tinh túy của dân tộc, tạo nên hồn thơ, có như thế mới có thể sáng tạo nên những vần thơ đẹp, để đi vào tâm hồn người, để thơ “sống” với thời gian. “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, làm thơ mà chạy theo số lượng trong khi không ai nhớ câu thơ nào của mình thì cũng là “không phải đạo” với thơ.

Hãy tự xem mình có thuộc về thơ không, có dám hy sinh cho thơ không vì vẻ đẹp của thơ rất khắc nghiệt. Đi theo thơ là đi theo mơ mộng, những phiêu lãng, “cơm áo không đùa với khách thơ”. Làm thơ là phải chịu sự thiệt thòi ghê gớm. Làm thơ mà chạy theo đồng tiền là phản thơ, mất uy tín với thơ ca. Yêu thơ thì thơ quyến luyến, như được “Nàng Thơ” yêu.

- Theo ông, thơ trẻ của ta như thế nào?

- Thơ trẻ bây giờ có một số người viết tốt. Họ có học vấn, có người khá cao, tiếp cận các công nghệ hiện đại nhanh, lại có nhiều điều kiện để phát huy năng khiếu, sở trường, có nhiều môi trường tốt để làm thơ… Tuy vậy, niềm đam mê và cảm thụ thơ của họ chưa chắc đã bằng thế hệ trước. Vì họ luôn bị cái bề ngoài che lấp hết chiều sâu. Do vậy thơ của họ có nhiều cái lạ, nhưng đẹp thì chưa phải là đẹp, chưa kể có nhiều nhà thơ trẻ đã biến thơ thành một thứ gì đó rất khó gọi là thơ. Và họ cũng chưa có đam mê thơ để sống chết với thơ, mà thơ với họ như một thứ trang sức thêm vào trong cuộc đời.

 

Khi “thân” bến Nhà Rồng, “thần” bến Sáu Kho

 

Gần như những bài thơ nổi tiếng và được nhiều người yêu thơ nhớ của nhà thơ Thanh Tùng là viết về Hải Phòng. Ông sống ở TP. Hồ Chí Minh đã lâu, ông cũng có nhiều bài thơ về Hà Nội, nhưng cái “thần” hướng về TP. Cảng cứ như ám ảnh không nguôi trong ông. Ở nơi đó là kỷ niệm của tình yêu, của những mất mát, của khổ đau và  khó nhọc, của nước mắt, mồ hôi và những vết chai trên bàn tay…

- Ông sống ở TP. Hồ Chí Minh nhưng hình như thơ ông vẫn đắm đuối với Hải Phòng?

- Tôi sinh tại Mỹ Lộc , Nam Định, nhưng tôi đã gắn bó với Hải Phòng gần trọn cuộc đời. Tôi làm thơ trong khi đẩy xe bò thời thanh niên xung phong. Tôi  làm thơ trong khi quai búa thời công nhân. Tôi làm thơ trong khi thất nghiệp. Và tôi làm thơ trong khi áp tải nhọc nhằn kiếm sống qua ngày.

Hải Phòng còn nguyên giọt nước mắt chưa khô, bạn bè cực khổ, văn chương đọa đày. Nơi ấy, tôi có một căn nhà nhỏ, có hạnh phúc ngắn ngủi và dằng dặc đổ vỡ. Thơ đã giữ gìn giùm tôi chút khói sương chiều Tam Bạc, chút nắng gió Cát Dài, chút xa vắng Cát Cụt….

Tôi về trong trẻo ngày thơ/Nơi đã trui rèn ngọn lửa/Lẽ nào chỉ là khách lạ/Gót chân hờ gõ mặt hè/Phố xưa bây giờ khác thế/Tôi vẫn nhận ra vị muối mặn xa xưa/Tôi dễ dàng thành tôi hôm nay/Một cốc bia tươi, một khoanh mực nướng/Đã thấy mình bay giữa những nhịp cầu treo/Hay con sóng nào vừa quăng lên nối hai bờ sông Bính/Cho thơ tôi quấn quýt với chân người! (Hải Phòng trở lại).

- Xuân này ông có gì tặng Hải Phòng?

- Thơ và thơ. Tôi chỉ có thế. Thơ cho tôi như được trở về thành phố tôi yêu bằng cả tâm hồn và trái tim. Hải Phòng có trong từng giấc mơ của tôi.

Lời chúc đầu Xuân Canh Dần 2010, đến tất cả những người Hải Phòng ở Hải Phòng và ở khắp mọi miền đất nước cũng như ở hải ngoại, nhiều thành công, thành đạt, và dù làm gì ở bất cứ đâu vẫn luôn giữ mãi truyền thống con cháu bà Lê Chân của một Hải tần phòng thủ bên bờ biển Đông.

 

Mùa xuân này nhà thơ Thanh Tùng bước sang tuổi 75, ông vẫn như một “lão ngoan đồng” tóc bạc, da hồng, say đắm với thơ, và “thở như bão”. Chúc ông sức khỏe trường thọ và có tình yêu vĩnh cửu với Nàng Thơ.

Hoài Hương

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.