PV: Tôi nhớ trong một bài báo anh từng nói: Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) là nơi chắp cánh ước mơ học toán và nghiên cứu toán của anh. Anh có thể chia sẻ rõ hơn về bản thân?
TS. Mai Viết Thuận: Ngày tôi nhập học cơ sở vật chất của Trường chưa được khang trang và đầy đủ như bây giờ. Điều này làm cho chúng tôi cũng cảm thấy hơi ái ngại. Tuy nhiên, dưới sự động viên của cô giáo GS.TS. Lê Thị Thanh Nhàn, cô giáo PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, thầy giáo PGS.TS. Nông Quốc Chinh, tôi đã quyết tâm chọn trường Đại học Khoa học để học tập và nghiên cứu. Dưới sự dìu dắt của thầy cô chúng tôi dần trưởng thành.
Sau 4 năm học, tôi được giữ lại trường làm giảng viên. Thầy hiệu trưởng PGS.TS. Nông Quốc Chinh yêu cầu chúng tôi (gồm có 3 bạn được giữ lại trường năm đó là TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền, TS. Phạm Hồng Nam và tôi) phải đi học tập nâng cao trình độ tại cơ sở đào tạo tốt nhất về Toán học. Sau đó tôi học cao học và làm nghiên cứu sinh tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Dưới sự hướng dẫn tận tình và nghiêm khắc của GS.TSKH. Vũ Ngọc Phát, tôi đã hoàn thành chương trình thạc sĩ năm 2009. Năm 2010, thầy Vũ Ngọc Phát động viên tôi đi học tiến sĩ tại Viện dưới sự hướng dẫn khoa học của Thầy. Đầu năm 2015, tôi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Toán học tại Viện Toán học. Trong suốt quá trình học tập của tôi, tôi may mắn được gặp các thầy cô không những giỏi về chuyên môn mà còn có phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Tôi học được ở các thầy cô rất nhiều điều.
PV: Tại sao anh quyết định ở lại Khoa Toán – Tin, Trường Đại học Khoa học, trong khi anh đã từng có cơ hội tới làm việc ở một số cơ sở đào tạo khác?
TS. Mai Viết Thuận: Làm việc và cống hiến tại ngôi nhà khoa Toán –Tin - nơi tôi từng học là mơ ước và niềm hạnh phúc của tôi. Một điều quan trọng khác khiến tôi chưa có ý định chuyển công tác tới cơ sở giáo dục khác là tại trường Đại học Khoa học, các nhà khoa học được tôn trọng, được tạo điều kiện thuận lợi để nghiên cứu khoa học. Do đó mặc dù thu nhập tại đây thấp hơn khá nhiều so với các trường Đại học ở Hà Nội, tôi vẫn quyết định chọn Đại học Khoa học là nơi tôi giảng dạy và nghiên cứu.
TS. Mai Viết Thuận là đảng viên trẻ tiêu biểu của Trường Đại học Khoa học đi dự Đại hội Đảng bộ Đại học Thái Nguyên năm 2020 |
PV: Đã có hơn 30 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI khi còn rất trẻ. Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm cụ thể về cách viết và đăng bài chứ?
TS. Mai Viết Thuận: Tôi có nhiều điều kiện thuận lợi so với các đồng nghiệp khác là được sự hướng dẫn của GS.TSKH. Vũ Ngọc Phát. Một người thầy giỏi chuyên môn, nghiêm khắc trong cách rèn luyện học trò. Được sự giới thiệu của thầy hướng dẫn, trong các năm 2011 và 2015, 2016, tôi được mời hợp tác nghiên cứu với nhóm nghiên cứu tại trường Đại học tổng hợp Deakin, Australia do GS. Hiếu Trịnh làm trưởng nhóm.
Tại đây tôi được GS. Hiếu Trịnh chỉ bảo rất nhiều điều cả về công việc cũng như cuộc sống. Ngoài ra, nhóm học trò của GS. TSKH. Vũ Ngọc Phát ở Việt Nam có nhiều anh rất xuất sắc có thể kể đến PGS. TS. Phan Thanh Nam (Đại học Quy Nhơn), PGS.TS. Lê Văn Hiện (Đại học Sư Phạm Hà Nội), TS. Nguyễn Trường Thanh (Đại học Mỏ Hà Nội), TS. Nguyễn Hữu Sáu (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội). Tôi hợp tác NCKH và học hỏi được ở họ nhiều điều. Hướng nghiên cứu chính hiện nay của tôi là nghiên cứu tính chất định tính của một số lớp hệ động lực mô tả bởi hệ phương trình vi phân hàm, hệ phương trình vi phân phân thứ, mạng nơ ron thần kinh...
Hiện nay tôi đã công bố khoảng 30 bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI. Số bài báo khoa học của tôi so với nhiều đồng nghiệp không phải là nhiều. Tôi còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để có thể đăng bài báo trên các tập san TOP đầu thế giới. Đấy là mục tiêu và mơ ước của tôi trong những năm tiếp theo.
Về kinh nghiệm viết bài và đăng bài báo trên các tập san quốc tế ISI, có một số điểm sau mà tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ:
- Để đăng được bài báo khoa học trên các tập san quốc tế ISI cần có một vốn tiếng Anh tương đối tốt và luôn không ngừng học hỏi để nâng vốn tiếng Anh của bản thân;
- Nội dung nghiên cứu để công bố quốc tế phải có tính thời sự và phải nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học. Vì vậy cần phải thường xuyên đọc các bài báo mới nhất trên các tập san tốt để tìm hướng nghiên cứu và tìm các vấn đề mở để tiếp tục nghiên cứu;
- Hợp tác nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong công bố quốc tế. Vì vậy cần hợp tác với các nhà khoa học cùng hướng nghiên cứu trong nước cũng như quốc tế. Từ đó bản thân sẽ học hỏi được nhiều điều từ các nhà khoa học đó. Hơn nữa, các công trình có sự hợp tác thường được trích dẫn nhiều hơn và nhận được sự quan tâm của cộng đồng khoa học hơn;
- NCKH là một công việc rất vất vả và mất rất nhiều thời gian, công sức. Vì vậy sự quyết tâm, niềm đam mê khám phá cái mới và sự chăm chỉ là yếu tố quan trọng để làm nhà nghiên cứu và công bố quốc tế;
- Các nhà quản lý, cũng như Hiệu trưởng các sơ sở giáo dục cần có chính sách khuyến khích các nhà khoa học công bố quốc tế. Cần có chính sách lương thưởng hợp lý để khuyến khích NCKH, không thể cào bằng một người có nghiên cứu khoa học tốt với một người không có công bố quốc tế nào.
PV: “Tạp chí từ chối xuất bản trong nghiên cứu khoa học là chuyện rất bình thường”. Điều này có đúng không? Bí quyết anh thuyết phục các tập san trong quá trình họ đánh giá như thế nào?
TS. Mai Viết Thuận: Như tôi đã nói ở trên, việc NCKH là một công việc rất cực khổ và đòi hỏi sự cố gắng của giảng viên và nhà khoa học. Để có một bản thảo tốt, các nhà khoa học đã phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức, tiền của.
Thông thường thời gian hoàn thành một bản thảo là từ vài tháng tới vài năm. Sau đó họ gửi bản thảo của họ tới các tập san phù hợp với nội dung cũng như chất lượng của bản thảo. Thời gian phản biện từ vài tháng cho tới một năm. Nếu may mắn bản thảo sẽ được cho chỉnh sửa và có cơ hội để được nhận đăng. Trường hợp không may, bản thảo sẽ bị từ chối.
TS. Mai Viết Thuận được tuyên dương là thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác tại Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VI năm 2020 |
Các tập san quốc tế uy tín có tỷ lệ từ chối rất cao, thông thường chỉ có 30% bản thảo được nhận đăng. Tập san chất lượng càng cao thì tỷ lệ bản thảo bị từ chối càng lớn. Do đó việc bản thảo khoa học bị từ chối là chuyện rất bình thường.
Với bản thảo bị từ chối, các tác giả cần xem những đóng góp và bình luận của phản biện để sửa chữa, làm bản thảo có chất lượng tốt hơn. Sau đó sẽ gửi bản thảo tới một tập san phù hợp khác. Không có một bí quyết chung nào để thuyết phục các tập san sẽ công bố công trình của mình. Bản thân các nhà khoa học phải tự cải thiện kết quả nghiên cứu, cải thiện vốn tiếng anh để có thể công bố trên các tập san quốc tế.
PV: Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những lần xuất bản các nghiên cứu của anh là gì?
TS. Mai Viết Thuận: Tôi có một bản thảo hoàn thành và gửi tới tạp chí Acta Applicandae Mathematicae vào ngày 5 tháng 10 năm 2017. Qua 3 vòng phản biện, mãi tới ngày 3 tháng 8 năm 2020, bản thảo của tôi mới được nhận đăng. Đây là bài báo mất nhiều thời gian nhất để được nhận đăng của tôi.
PV: Vậy, điều gì là quan trọng để duy trì đam mê trong nghiên cứu, thưa anh?
TS. Mai Viết Thuận: Làm NCKH phải có đam mê, tự học hỏi, tự làm mới bản thân, không nản bước trước những khó khăn. Đó là điều quan trọng nhất để duy trì đam mê NCKH. Ngoài ra, tôi rất mong các nhà quản lý, Hiệu trưởng các trường đại học quan tâm nhiều hơn nữa tới các nhà khoa học có công bố quốc tế để các nhà khoa học có thể sống khỏe bằng NCKH.
PV: Trở thành một trong những giảng viên trẻ có thành tích nghiên cứu và công trình công bố quốc tế xuất sắc nhất trong toàn khối Đại học Thái Nguyên (5 lần được nhận thưởng “Công trình Toán học” của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, đạt giải nhì Tài năng Khoa học trẻ Việt Nam dành cho giảng viên trẻ dưới 35 tuổi, và đảm nhiệm rất nhiều đề tài trọng điểm khác..), có khi nào anh nghĩ mình là nhà khoa học thực thụ?
TS. Mai Viết Thuận: Thú thật, nếu chỉ tính riêng trong giai đoạn 2018-2020, tôi có trên 15 bài báo trên các tập san quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI (Institute for Scientific Information, Hoa Kỳ) và góp phần nâng tầm Đại học Thái Nguyên trên bảng xếp hạng quốc gia và quốc tế.
Tôi luôn ý thức rằng những thành tích, kết quả mà mình đạt được mới chỉ là bước đầu. Tôi nghĩ bản thân mới là một nhà khoa học trẻ, con đường ở phía trước còn rất dài và rất nhiều chông gai. Tôi sẽ luôn cố gắng học hỏi, làm mới bản thân để có được các công trình công bố trên các tạp chí TOP đầu của thế giới.
PV: Được tuyên dương là thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc 2020 và là một trong những tấm gương truyền cảm hứng cho các học viên, sinh viên trong và ngoài trường. Anh có điều gì nhắn gửi đến các bạn trẻ?
TS. Mai Viết Thuận: Tôi rất tự hào là một cựu sinh viên của trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên. Bản thân tôi sẽ cố gắng phấn đấu, rèn luyện hơn nữa để có thể trưởng thành hơn, có những công trình xuất sắc hơn. Một điều tôi muốn nhắn nhủ tới các bạn tân sinh viên của trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên đó là các bạn hãy tự tin học tập, rèn luyện, tin vào các thầy cô đang truyền đạt kiến thức và kỹ năng cho mình. Trong tương lai không xa, các bạn sẽ trưởng thành, sẽ bay xa. Tôi mong rằng thời gian học tập tại trường đại học sẽ được các bạn sử dụng hiệu quả, không lãng phí.
PV: Xin trân trọng cảm ơn TS!