Ông Dương Văn Lượng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, GS.TS Phạm Hồng Quang – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên và TS. Phạm Quốc Chính – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên - đồng chủ trì buổi họp báo.
Tuy nhiên, hiện nay, tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp, số lượng bộ kit được sản xuất chưa đủ để đáp ứng như cầu trong nước khi dịch bùng phát. Do vậy, việc tỉnh Thái Nguyên chủ động nghiên cứu, phát triển được bộ sinh phẩm xét nghiệm virus SARS-Cov-2 là thực sự cần thiết, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch Covid 19.
TS. Nguyễn Phú Hùng – Trưởng khoa Khoa Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Khoa học - chủ nhiệm đề tài và bộ sinh phẩm. |
Tại buổi họp báo, ông Phạm Quốc Chính - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên - cho biết, bộ sinh phẩm của tỉnh Thái Nguyên đã đạt được các tiêu chuẩn về chất lượng của sinh phẩm chẩn đoán bao gồm: độ nhạy lâm sàng đạt 100%; độ đặc hiệu lâm sàng đạt 100%; độ đặc hiệu phân tích đạt 100%; ngưỡng phát hiện từ 10 - 50 copies/phản ứng; độ bền (ổn định) trong điều kiện đá gel (2 - 8 độ C) trong 72h.
Đặc biệt, thời gian thực hiện phản ứng Realtime PCR dao động từ 1 giờ đến 1 giờ 15 phút tùy theo từng hệ thống PCR, nhanh hơn so với hầu hết các bộ Kit Realtime PCR hiện nay từ 25 - 30 phút. Giá thành dự kiến cũng sẽ giảm khoảng 15 - 30% so với một số bộ Kit đang được sử dụng hiện nay.
Nhiệm vụ khoa học này cũng đã được Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh Thái Nguyên nghiệm thu ngày 17/8/2020 bởi các chuyên gia và các nhà nghiên cứu đến từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Kiểm định Quốc gia Vắcxin và sinh phẩm y tế - Bộ Y tế, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Đại học Việt – Pháp. Các ý kiến đều đánh giá cao hướng tiếp cận cũng như kết quả nghiên cứu và nhiệm vụ khoa học “Nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 virus bằng kỹ thuật Realtime PCR” đã đạt loại giỏi.
TS. Nguyễn Phú Hùng - Trưởng khoa Khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Khoa học - Đại học Thái Nguyên, chủ nhiệm nhiệm vụ KHCN "Nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 virus bằng kỹ thuật Realtime PCR". |
Trường ĐH Khoa học - Đại học Thái Nguyên đã bàn giao 20 bộ sinh phẩm (bộ KIT) cho lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên.
Ông Dương Văn Lượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên - cho biết, sau khi nghiệm thu chính thức và công bố kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với bộ sinh phẩm này, các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện bàn giao tài sản của nhiệm vụ khoa học công nghệ theo đúng quy định tại Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ.
"Đồng thời thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu và bàn giao quyền sử dụng kết quả nghiên cứu theo quy định tại Thông tư 15/2014/TT-BKHCN ngày 13/6/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo đó, tỉnh Thái Nguyên cũng sẽ lựa chọn doanh nghiệp, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ và năng lực sản xuất phù hợp để tiến hành đăng ký, cấp phép theo quy định, phục vụ phương án sản xuất đại trà bộ sinh phẩm, đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng chống dịch Covid-19 đang cấp bách hiện nay", ông Lượng cho biết thêm.
GS.TS Phạm Hồng Quang – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên - cùng lãnh đạo Trường Đại học Khoa học cùng nhóm nghiên cứu tại buổi họp báo. |
Mặc dù là một đơn vị non trẻ nhưng những năm qua Trường Đại học Khoa học thuộc Đại học Thái Nguyên luôn là đơn vị nằm trong top đầu của Đại học Thái Nguyên về số lượng công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín ISI (khoảng 50-60 bài/năm). Trong giai đoạn 2015-2020, cán bộ giáo viên nhà trường đã công bố 288 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI, 21 bài báo Scopus, 51 bài quốc tế khác cùng hàng ngàn bài báo trong nước. Tính riêng năm học 2019-2020, cán bộ giảng viên Nhà trường đã công bố 80 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI, 8 bài thuộc danh mục Scopus và 19 bài báo quốc tế khác... Đặc biệt, lĩnh vực xã hội nhân văn đã có 5 công bố thuộc danh mục ISI/Scopus và 13 bài báo quốc tế khác.
Hiện cán bộ nhà trường đang chủ trì 13 đề tài cấp Nhà nước (11 đề tài thuộc quỹ Nafosted), 13 Đề tài cấp Bộ, 5 Đề tài cấp tỉnh và 21 đề tài cấp Đại học.