Sau một năm triển khai, việc phối hợp của 02 ngành đã đạt được kết quả nhất định trên tất cả các nội dung phối hợp như cung cấp, trao đổi, thông tin; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; kiểm tra công tác thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng; hướng dẫn nghiệp vụ, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác xử lý nợ xấu. Hai bên cũng phối hợp trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật đối với các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan được quy định tại Luật Thi hành án dân sự; các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự; Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT/BTP-BTC-BLĐTBXH-NHNN hướng dẫn việc cung cấp thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án và thực hiện phong tỏa, khấu trừ tiền để thi hành án; Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT/BTP-NHNN về hướng dẫn việc xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại tại các tổ chức tín dụng và các văn bản pháp luật khác có liên quan, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Về hình thức phối hợp, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa, các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn và các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ dưới nhiều hình thức từ tổ chức các cuộc họp, trao đổi trực tiếp giữa Ngân hàng với cơ quan Thi hành án dân sự để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành (Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Ngoại thương…) đến việc các ngân hàng, tổ chức tín dụng kịp thời cung cấp các thông tin liên quan đến người phải thi hành án khi được Chấp hành viên và cơ quan Thi hành án dân sự đề nghị. Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh cũng tổ chức các buổi làm việc với lãnh đạo một số Chi cục có nhiều vụ việc như Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thanh Hóa, Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Bỉm Sơn, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tĩnh Gia… để chỉ đạo và tìm phương hướng giải quyết, xử lý dứt điểm các vụ việc lớn, phức tạp nhưng có điều kiện giải quyết, kiên quyết không để tồn đọng kéo dài.
Sau một năm thực hiện (năm 2016) đã đạt được kết quả như sau: Tổng hợp số việc các ngân hàng và tổ chức tín dụng được thi hành án là 199 việc (năm 2015 chuyển qua là 95 việc); số tiền phải thi hành án là 578.264.506.000đồng (năm 2015 chuyển qua là 232.408.498.000 đồng).
Tuy nhiên, qua một năm phối hợp vẫn còn tồn tại những hạn chế, vướng mắc. Tỷ lệ giải quyết được việc và tiền còn thấp. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và triển khai thực hiện nội dung Quy chế phối hợp của lãnh đạo một số đơn vị (kể cả từ phía Ngân hàng và cơ quan Thi hành án dân sự) đôi khi còn chưa đầy đủ, kịp thời. Ý thức trách nhiệm, năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức trong một số cơ quan Thi hành án dân sự và tổ chức tín dụng chưa cao, có nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng còn tồn tại ý thức coi đây là trách nhiệm đương nhiên của cơ quan Thi hành án dân sự...