Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, trong đó có 5 huyện vùng biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, với trên 900 nghìn dân, trong đó có 667 nghìn người là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, vẫn còn tồn tại nhiều tập quán, hủ tục lạc hậu. Tình trạng truyền đạo, vượt biên trái phép, buôn bán, vận chuyển ma túy vẫn diễn ra ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Sở Tư pháp và các ban, ngành thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn mới. Theo đó, việc tuyên truyền được áp dụng bằng nhiều hình thức đan xen, lồng ghép hoặc đơn lẻ chuyên sâu như tổ chức hội nghị, tuyên truyền lưu động; trợ giúp pháp lý thông qua câu lạc bộ pháp luật của địa phương; văn hoá văn nghệ.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2021” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 8/8/2017. Các ban ngành của tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức 1.854 hội nghị tập huấn, tuyên truyền pháp luật cho 181.782 lượt cán bộ, Nhân dân ở các huyện miền núi tham gia; 257.152 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp cho 1.589.217 lượt người; phối hợp với các cơ quan báo chí đăng tải hơn 7.744 tin, bài tuyên truyền.
Nội dung tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đang triển khai trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, như: Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật An ninh biên giới quốc gia, Luật Phòng chống ma túy, Luật Phòng chống mua bán người, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai; một số nội dung thời sự về biên giới đất liền và biên giới biển đảo nhằm gắn với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh và đối ngoại Nhân dân khu vực biên giới; bồi dưỡng, cập nhật bổ sung kiến thức và kỹ năng tuyên truyền về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, vận động đồng bào xóa bỏ các tập tục lạc hậu; vấn đề về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… .
Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ban, ngành đã thực hiện biên soạn, phát hành 1.127.983 cuốn truyền thông về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nội dung về giao thông, y tế, đất đai, môi trường; xây dựng 116 tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, 123 mô hình điểm pháp luật ở nhiều cơ quan, đoàn thể, thôn, bản, tổ dân phố và 60 mô hình tự quản về an ninh trật tự; triển khai mô hình hoạt động tư vấn, can thiệp với 123 câu lạc bộ pháp luật được thành lập ở nhiều cơ quan, đoàn thể, thôn, bản, tổ dân phố, như câu lạc bộ “Trợ giúp pháp lý”, câu lạc bộ “Phòng chống mua bán người”; mô hình “Cưới theo nếp sống mới”, mô hình “Khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, mô hình “Sản xuất giỏi công tác xã hội tốt trong đồng bào dân tộc thiểu số”... Công tác tuyên truyền pháp luật luôn được đổi mới, thông qua các cuộc thi, hội nghị biểu dương, lồng ghép qua các hoạt động văn hóa - văn nghệ… .
Qua đó, các hành vi vi phạm pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hẳn, các giá trị văn hóa truyền thống được phát huy, nhiều hủ tục lạc hậu dần được loại bỏ, an ninh trật tự địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn ổn định, đồng bào ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng.
Với những kết quả đạt được nêu trên, tình hình vi phạm chính sách, pháp luật và đơn thư khiếu kiện vượt cấp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm đáng kể; các giá trị văn hóa truyền thống được phát huy; vệ sinh môi trường nhiều nơi có cải thiện; nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã giảm hẳn; an ninh trật tự trên các địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản giữ vững ổn định, không phát sinh “điểm nóng”, lòng tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được nâng cao.