Trong đợt chạy Chung kết 1500m nữ, “nữ hoàng điền kinh” Thanh Hằng thi đấu xuất sắc giành HCB, đây cũng là tấm HCB đầu tiên của Điền kinh Việt Nam ở đấu trường ASIAD. Chiều cùng ngày, Cầu mây nữ Việt Nam cũng giành vé thi đấu Chung kết gặp Thái Lan...
Xuất phát ở đường chạy 1500m nữ, Trương Thanh Hằng sử dụng đấu pháp hợp lý trước những đối thủ mạnh đến từ Bahrain, Nhật Bản. Chỉ góp mặt ở top giữa trong phần lớn thời gian thi đấu, nhưng ở vòng đua cuối Thanh Hằng đã tung ra cú nước rút ngoạn mục để cán đích với thành tích 4’09’’58.
Mức thành tích đủ giúp Thanh Hằng giành HCB ASIAD 16, đồng thời Trương Thanh Hằng cũng tự phá kỷ lục của chính cô tạo dựng ở SEA Games 25 (2009).
Thanh Hằng thay đổi diện mạo Điền kinh VN ở sân chơi ASIAD - Ảnh: Mạnh Hoàng
Để giành được tấm HCB quý giá, nữ VĐV Trương Thanh Hằng đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn trong lượt chạy Chung kết nội dung 1500m. Đáng kể nhất là sự góp mặt của VĐV gốc Ethiopia thi đấu trong màu áo Bahrain, Yusut người từng giành HCV ở liên tiếp 2 kỳ Á vận hội gần đây, từng Vô địch thế giới.
Ngay ở bước xuất phát, 2 VĐV của Bahrain và Nhật Bản liên tục thay nhau nắm giữ vị trí dẫn đầu ở những vòng chạy đầu tiên. Khi kết thúc 800m đầu tiên, Yusut đã thể hiện rõ sức mạnh vượt trội khi liên tục duy trì được một khoảng cách an toàn với các đối thủ bám đuổi. Ngay phía sau, một đồng đội khác cùng đội tuyển Bahrain liên tục tạo ra sức ép ngăn chặn Trương Thanh Hằng vượt lên.
Tuy nhiên, với bản lĩnh thi đấu dày dạn và biết cách duy trì thể lực phù hợp, Thanh Hằng đã có cú nước rút thần tốc. Ở nửa vòng đua cuối, “nữ hoàng điền kinh” Việt Nam bắt đầu tăng tốc, vượt qua sự đeo bám của các đối thủ để bứt top bám đuổi với Yusut.
Nhưng sự nỗ lực của Thanh Hằng cũng chỉ giúp chị cán đích ở vị trí thứ 2 với thành tích 4’09’’58, còn Yusut bảo vệ thành công tấm HCV với thành tích ấn tượng 3’56’’18.
Thanh Hằng (942) có màn nước rút ngoạn mục - Ảnh: Mạnh Hoàng
Không thể giúp Điền kinh Việt Nam hoàn thành ước mơ giành HCV, nhưng tấm HCB vừa giành được, cộng với việc vượt qua cột mốc thành tích của chính mình của Trương Thanh Hằng cũng là sự kiện đáng nhớ tại ASIAD 16. Sau khi “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương hoàn thành nhiệm vụ “người mở đường”, Trương Thanh Hằng đã giúp Điền kinh Việt Nam tiếp tục tạo ra điều thần kỳ ở sân chơi ASIAD.
Nối tiếp niềm vui, chỉ ít phút sau Điền kinh Việt Nam tiếp tục gây ấn tượng khi giành vé vào thi đấu lượt Chung kết nội dung tiếp sức 4x100m nữ, nhờ phong độ xuất sắc của 2 gương mặt chủ lực là Vũ Thị Hương và Lê Ngọc Phượng.
Với phong độ xuất sắc mà Vũ Thị Hương đang có, Điền kinh Việt Nam vẫn còn hy vọng cạnh tranh huy chương nội dung 200m, khi nữ VĐV Vô địch châu Á cự ly 200m người Bahrain không thi đấu ASIAD 16.
Sau khi không thể bảo vệ thành công HCV nội dung đồng đội, tuyển Cầu mây nữ Việt Nam lại có cơ hội hoàn thành chỉ tiêu “Vàng”, sau khi vượt qua chủ nhà Trung Quốc để gặp lại “địch thủ” Thái Lan trong trận Chung kết nội dung đội tuyển thi đấu lúc 15 giờ chiều mai (24/11).
Cầu mây nữ Việt Nam gặp lại Thái Lan trong trận Chung kết - Ảnh: Mạnh Hoàng
Quay lại với trận đấu quyết định với chủ nhà Trung Quốc, các nữ VĐV Việt Nam đã phải hứng chịu sức ép nặng nề đến từ khán đài nhà thi đấu. Với ưu thế khán giả nhà, Trung Quốc đã nhập cuộc khá tự tin và gây ra nhiều khó khăn cho Việt Nam, bằng những tình huống tấn công ghi điểm tận dụng kẽ hở xuất hiện bên cánh.
Tỷ số liên tục bám đuổi sít sa, càng về cuối hiệp 1 cuộc đua tranh trở nên khốc liệt hơn. Điểm số luôn ở thế cân bằng 17-17, 19-19. Nhưng cuối cùng, bản lĩnh thi đấu cũng giúp đội nữ Việt Nam chỉ giành thắng lợi trong hiệp đầu với cách biệt 22-20.
Bước vào hiệp 2, đội tuyển Việt Nam đã dần khắc phục được những điểm yếu và làm chủ thế trận trên sân, dễ dàng vượt qua đối thủ với khoảng cách 21-11 để giành chiến thắng chung cuộc 2-0, qua đó gặp lại Thái Lan ở trận Chung kết diễn ra chiều mai.
Trong ngày mai (24/11), hy vọng giành “vàng” của đoàn Việt Nam còn nằm ở môn Karatedo, đáng chú ý nhất là việc ĐKVĐ Vũ Nguyệt Ánh gặp Ghasemi (Iran) vòng 1/8 hạng 50 kg. Ở môn Điền kinh, Trương Thanh Hằng - Nguyễn Đình Cương thi đấu vòng loại nội dung 800m nam, nữ. Vũ Thị Hương vòng loại 200m nữ.
Kết thúc ngày thi đấu 23/11, đoàn Trung Quốc tiếp tục đứng đầu với 165 HCV, 85 HCB, 79 HCĐ. Hàn Quốc vững chắc ở ngôi Á quân, Nhật Bản tiếp tục đứng thứ 3 trên BXH.
Nguồn: Dân trí