Tháng Giêng được người Việt xưa kia ví von là “Tháng ăn chơi”. Trong tháng này, lễ hội diễn ra khắp nơi. Lễ hội có thể để tưởng nhớ tới những bậc anh hùng, bậc hiền nhân, cũng có thể để khơi lại những trò chơi dân gian truyền thống, hay đơn giản chỉ là những món ăn có từ lâu đời...
Trong tháng Giêng có những lễ hội đặc sắc đáng chú ý
Lễ hội Lồng Tồng: Là lễ hội truyền thống đặc trưng của cộng đồng người Tày, được tổ chức hàng năm vào tháng Giêng, tháng Hai âm lịch theo từng địa phương, mang ý nghĩa cầu phúc, cầu mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên, no ấm với các trò chơi dân gian cổ truyền: ném còn, bịt mắt bắt dê, hát lượn…
Lễ hội cầu an bản Mường: Là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng rất quan trọng đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc (đồng bào dân tộc Thái ở Mai Châu, Thuận Châu, Mộc Châu và đồng bào dân tộc Mường) diễn ra vào cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai âm lịch hằng năm. Lễ hội có nhiều hoạt động về đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh, mùa màng, sức khỏe và sự làm ăn của cả cộng đồng trong năm, được tổ chức rất trọng thể.
Lễ hội gò Đống Đa: Diễn ra hằng năm vào ngày mùng 5 Tết Nguyên đán tại quận Đống Đa (Hà Nội), được tổ chức để tưởng nhớ tới chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung có công đánh đuổi quân xâm lược. Sau những hội trống, chiêng báo hiệu bắt đầu cuộc rước thần chiến thắng, tượng trưng biểu dương khí thế quân Tây Sơn, từ đình làng Khương Thượng về gò Đống Đa. Sau phần nghi lễ là các trò chơi dân gian: múa rồng, múa lân, đấu vật, chơi cờ, chọi gà…
Hội Chùa Hương: Diễn ra từ ngày mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch tại xã hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Đây là lễ hội có thời gian mở dài nhất trong năm. Với người Việt xưa, Hương Sơn được coi là là cõi Phật và Chùa Hương là nơi thờ Phật Bà Quan Âm. Chùa Hương là một lễ hội độc đáo hàng năm thu hút hàng chục vạn người đến viếng thăm, vãn cảnh.
|
Chùa Hương là lễ hội lớn và là lễ hội kéo dài nhất trong năm |
Hội Cổ Loa: Đây là một trong những lễ hội tiêu biểu của đất nước, tưởng nhớ và suy tôn An Dương Vương Thục Phán, người có công dựng nước Âu Lạc và xây thành Cổ Loa, diễn ra tại làng Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội, từ ngày 6-16 tháng Giêng âm lịch với các trò chơi dân gian: bắn nỏ, đánh đu, đấu vật truyền thống, hát quan họ trên thuyền, bên giếng Ngọc trước cửa đền Thượng...
Hội Lim: Diễn ra tại huyện Tiên Du (Bắc Ninh) vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm, Hội Lim là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc với nhiều trò chơi dân gian: đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm. Trong đó phần hát hội là phần căn bản và đặc trưng nhất của hội Lim. Từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng...
Hội rước pháo Đồng Kỵ: Diễn ra từ mồng 4-6 tháng Giêng tại xã Đồng Quang, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) để tưởng nhớ, tái hiện lại âm vang ngày Thánh Thiên Cương (vị tướng sau này được dân tôn thờ làm thành hoàng làng, người ra lệnh xuất quân đánh giặc). Được chuẩn bị từ sáng sớm ngày mùng 4 Tết nhưng phải đến đúng 9 giờ sáng, hai quả pháo lớn tượng trưng cho pháo Nhất, pháo Nhì được các thanh niên trai tráng trong làng rước ra đình làng, sau đó là màn hát quan họ, hát tuồng, đấu cầu lông, bóng chuyền, cờ tướng, chọi gà…
Hội rước “ông” Lợn: Vào ngày 13 tháng giêng âm lịch hàng năm, làng La Phù, huyện Hoài Đức (Hà Nội) tổ chức lễ hội rước “ông” lợn. Tất cả các thôn xóm trong làng đều sửa lễ để ra đình cúng tế một vị thần hoàng làng, nguyên là một bộ tướng dưới thời vua Hùng có công dẹp giặc ngoại xâm. Lễ vật của mỗi xóm là một “ông” lợn to và đẹp nhất, được mổ và để nguyên con sau đó trang trí thật đẹp mắt, được đưa vào đình cúng tế và dự thi. Lễ cúng bắt đầu từ 20h30 cho đến đêm. “Ông” lợn của xóm nào to và đẹp nhất sẽ đạt giải nhất.
Hội chọi trâu Hải Lựu: Diễn ra tại xã Hải Lựu, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) vào ngày 17 tháng Giêng, là lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất Việt Nam. Tương truyền, lễ hội này có từ thế kỷ 2 trước Công nguyên. Sau mỗi trận thắng giặc xâm lược, Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để động viên quân sĩ. Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu thờ làm thành hoàng và lễ hội chọi trâu có từ đó.
Lễ hội Yên Tử: Khai mạc vào ngày 10/1 âm lịch tại xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí (Quảng Ninh) với những nghi lễ truyền thống: dâng hương, lễ cầu quốc thái dân an, biểu diễn các tiệt mục nghệ thuật truyền thống, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử… là nhiều hoạt động hấp dẫn với sự tham gia của đồng bào dân tộc ít người quanh vùng núi Yên Tử và các vùng lân cận làm phong phú các chương trình và gắn chặt tình đoàn kết của các dân tộc anh em.
|
Cùng với chùa Hương, Yên Tử là lễ hội thu hút lượng lớn du khách |
Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn: Diễn ra từ mùng 5-7 tháng Giêng, lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam) mang ý nghĩa khuyến nông. Lần đầu tiên lễ hội được diễn ra vào thế kỷ X ở Hà Nam, trên quê hương vua Lê Đại Hành và được khôi phục sau nhiều năm thất truyền kể từ năm 2009. Sau phần lễ là các gian hàng trưng bày sản phẩm, bán hàng lưu niệm; tổ chức giải vật Tịch điền Đọi Sơn và một số trò chơi dân gian, vui chơi giải trí.
Hội hoa Vị Khê: Diễn ra tại làng Vị Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực (Nam Định) - một trong những làng chuyên cây cảnh lâu đời nhất nước từ ngày 20-30 tháng Giêng. Tại lễ hội, cây cảnh từ khắp nơi mang về tụ hội, khoe sắc.
Hội Xoan: Diễn ra từ 7-10 tháng Giêng tại Làng Hương Nha, huyện Tam Thanh (Phú Thọ), lễ hội tưởng nhớ Xuân Nương, một nữ tướng tài giỏi của Hai Bà Trưng. Khởi đầu lễ hội là tiệc cầu Xuân dâng Thành hoàng, theo truyền thống dọn cỗ chay, có củ mài và mật ong. Tục truyền việc mổ trâu “nồi da xáo thịt” diễn lại tích năm tướng của vua Hùng thờ thần sông mà thoát nạn, khi lên bờ tìm trâu mổ thịt, lấy da làm nồi nấu để tế thần sông. Các vai diễn cày, bừa, gieo mạ, tát nước, bán con ngài tằm, bán bông rất hấp dẫn được diễn ra tại lễ hội này.
Lễ hội Bà chúa Kho: Là một trong những lễ hội lớn tại miền Bắc, nhất là đối với giới kinh doanh, làm ăn buôn bán “cuối năm trả nợ, đầu năm đi vay bà chúa Kho”. Đền bà chúa Kho nằm tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh (Bắc Ninh) được khai hội vào 14 tháng Giêng âm lịch với tục dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa (tượng trưng) “cầu tài phát lộc”.
Hội Chợ Viềng: Diễn ra vào mùng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm, tại Xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực (Nam Định). Khách đến từ khắp nơi. Đây được coi là nơi “mua may bán rủi”. Ở chợ phiên này có tục người bán không hề nói thách và người mua cũng không hề mặc cả với ý thức tâm linh chỉ cần bán hoặc mua được một vật gì đó dù rất nhỏ thì người bán kẻ mua đều gặp nhiều may mắn tốt lành, và cả đôi bên đều cùng vui vẻ hỉ hả ra về.
Lễ hội cầu Ngư: Là lễ hội của nhân dân làng Thái Dương hạ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế), được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch hằng năm, để tưởng nhớ vị thành hoàng của làng là Trương Quý Công (biệt danh của Trương Thiều), người gốc Thanh Hoá có công dạy cho dân nghèo đánh cá và buôn bán ghe mành. Thường cứ ba năm một lần, làng tổ chức đại lễ rất linh đình, có tổ chức các trò mô tả những sinh hoạt của nghề đánh cá, trong đó có “bủa lưới” mang ý nghĩa trình nghề, khắc họa đậm nét ghi lễ dân gian của cư dân vùng ven biển. Người dân vùng duyên hải miền Trung rất coi trọng lễ cầu Ngư hằng năm để mong được thuận buồm xuôi gió.
Lễ hội Đền Bà Đen: Còn được gọi là lễ hội đền Linh Sơn Thánh Mẫu, được xây trên lưng chừng núi cao độ 380m. Lễ hội được tổ chức vào đầu mùa xuân, sau Tết nguyên đán, từ ngày 10 đến rằm tháng Giêng. Hằng năm, đến ngày lễ hội Đền Bà Đen, dân chúng các tỉnh đến rất đông để đến xin phước lành bà Linh Sơn Thánh Mẫu có đến cả trăm ngàn người.
Trong số hàng trăm lễ hội lớn nhỏ rải rác khắp mọi miền Tổ quốc, miền Bắc chiếm đa số. Hầu hết các lễ hội đều diễn ra vào mùa xuân, nhiều nhất là vào tháng Giêng
Quang Minh