Các nhà nghiên cứu của Nhật Bản vừa tuyên bố rút lại kết quả một số công trình nghiên cứu về tác dụng của Diovan - thuốc trị bệnh tim nổi tiếng nhất của hãng dược khổng lồ Novartis của Thụy Sỹ.
Novartis bắt đầu đưa thuốc Diovan vào Nhật Bản năm 2010, với công dụng được giới thiệu là hạ huyết áp. Tuy nhiên, công ty sau đó dựa trên các công trình nghiên cứu của 5 trường đại học ở Nhật Bản để quảng bá thuốc có nhiều tác dụng khác như giảm nguy cơ đột quỵ và suy tim. Đến năm ngoái, một số nhà nghiên cứu độc lập đã bày tỏ sự nghi ngờ về các phát biểu của Novartis.
Trụ sở Novartis tại Thụy Sỹ. |
Tháng 4/2012, ông Yoshiki Yui – phó giáo sư tại Bệnh viện đại học Kyoto của Nhật Bản gửi một bức thư ngắn tới tạp chí y học Lancet của Anh với tiêu đề “Những nghi vấn về công trình nghiên cứu bệnh tim của trường đại học Jikei”.
Ông Yui cho biết, ông thấy rất lạ lùng khi thấy độ lệch trung bình và độ lệch chuẩn đối với chỉ số huyết áp trong nhóm bệnh nhân thuộc tầm kiểm soát và các bệnh nhân được điều trị thử nghiệm thuốc Diovan trong báo cáo nghiên cứu của trường đại học y Jikei giống hệt nhau.
Jikei là một trong 5 trường đại học đã phát hiện thêm nhiều “công dụng” bổ sung của Diovan. Ông Yui cho biết, kết quả như vậy hiếm khi xảy ra.
Sau khi bức thư trên được công bố, một số trường đại học đã vào cuộc điều tra. Trong tháng 7 vừa qua, 2 trường đại học Kyoto và Jikei đã rút lại các kết quả nghiên cứu của mình sau khi các cuộc điều tra do họ tiến hành cho thấy các dữ liệu đã bị “thao túng”, dẫn đến những nghi ngờ có cơ sở đối với những tuyên bố về các công dụng của Diovan.
Trong nghiên cứu của một trường đại học không cho thấy Diovan có tác dụng làm giảm nguy cơ đối với các bệnh về tim mạch. Một cuộc điều tra khác cũng phát hiện những dữ liệu thô về chỉ số huyết áp của bệnh nhân có vẻ như đã được thay đổi trong giai đoạn phân thích dữ liệu của cuộc nghiên cứu.
Tuy nhiên, cả 2 trường đại học đều cho biết họ không thể kết luận chính xác ai đã thay đổi các dữ liệu này. Ba trường đại học còn lại đã tiến hành các cuộc nghiên cứu về thuốc Diovan cũng đã mở cuộc điều tra nhưng chưa xong. Bộ Y tế Nhật Bản trong tháng này cũng đã tuyên bố mở một cuộc điều tra về vụ việc.
Ngay sau các thông tin trên, ít nhất 8 bệnh viện tại Nhật Bản đã tuyên bố sẽ ngừng kê Diovan cho các bệnh nhân của họ trong khi những tranh cãi về loại thuốc này vẫn chưa được làm rõ.
“Đó là vấn đề về mặt đạo đức nếu tiếp tục sử dụng loại thuốc đang đối mặt với những nghi vấn về công dụng của nó” – giám đốc một bệnh viện ở Tokyo nói. Trong khi đó, Novartis đã bác bỏ liên quan đến việc bóp méo các kết quả nghiên cứu và khẳng định thuốc của họ có tác dụng trong điều trị các bệnh về tim mạch.
Vụ bê bối của Novartis tại Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều nghi ngờ về tính xác thực của các công trình nghiên cứu Y khoa trên toàn thế giới. Bê bối cũng cho thấy cuộc đua để chế tạo và giới thiệu những loại thuốc “bom tấn” – những loại thuốc có thể chữa được nhiều hơn 1 bệnh.
“Loại thuốc này sẽ không thể bán được nếu chỉ có tác dụng hạ huyết áp. Đang có một cuộc cạnh tranh giữa các nhà sản xuất dược phẩm để chứng minh rằng thuốc của họ có tác dụng ngăn chặn đột quỵ và bệnh tim” – ông Iwao Kuwajima – chủ tịch Hiệp hội đánh giá các nghiên cứu lâm sàng Nhật Bản nói.
Minh Ngọc (Theo báo nước ngoài)