Dự án của những kỷ lục
Dự án nhà máy điện mặt trời Thuận Nam (Ninh Thuận) có công suất 450MW, kết hợp trạm biến áp 220/500kV Trung Nam - Thuận Nam và 17,5 km đường dây 500kV, 220kV do Trung Nam Group (TNG) làm chủ đầu tư với tổng vốn 12.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, dự án này là dự án đầu tiên cho phép doanh nghiệp tư nhân làm đường dây truyền tải điện.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc TNG, cho biết, TNG xác định thời gian thực hiện dự án này là cuộc chạy đua thần tốc nên thay vì làm lễ khởi công, Trung Nam phát động luôn chiến dịch 102 ngày đêm cho kịp tiến độ đã cam kết với tỉnh Ninh Thuận. Thực hiện dự án lớn với tổng số vốn gần 12.000 tỷ đồng trong thời gian ngắn nên Trung Nam đã lên kế hoạch báo cáo tiến độ và họp giao ban hàng tuần với UBND tỉnh để đưa dự án về đích đúng dự kiến.
Ông Tiến khẳng định, đây là dự án có nhiều điểm đặc biệt nhất, bao gồm: Nhà máy điện mặt trời lớn nhất Việt Nam (với 450 MW); Dự án đầu tiên thực hiện Nghị quyết 55 cho phép tư nhân làm lưới điện; Sẽ bàn giao lưới điện 0 đồng cho Tập đoàn điện lực Việt Nam và đặc biệt là kỷ lục thời gian thực hiện dự án.
“Dự án này không còn đường lùi nên Tập đoàn đã làm việc với Công ty trực thăng để khảo sát và thuê trực thăng trong công tác thi công làm lưới điện vì đường dây phải vượt qua núi với chiều dài 11 km đến Vĩnh Tân. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị tất cả mọi công việc như số lượng thiết bị với hơn 10.000 container đang chuẩn bị sẵn sàng đến công trường, ký cam kết thi đua hoàn thành các hạng mục với 22 nhà thầu để dự án phải được đóng điện và hòa lưới điện quốc gia vào đầu tháng 10 năm 2020” - ông Tiến nói.
Tham vọng có thành?
Đây được xem là dấu mốc lịch sử ngành năng lượng Việt Nam khi doanh nghiệp tư nhân lần đầu tiên được tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải năng lượng. Đáng chú ý hơn, dự án được cam kết hoàn thành trong một khoảng thời gian kỷ lục với khối lượng công việc khá lớn và mức độ phức tạp của công việc khá cao.
Một chuyên gia năng lượng cho PLVN biết, dự án khó có thể về đích như cam kết của TNG.
Vị này phân tích, hơn 17 km đường dây truyền tải điện có thể thi công trong thời gian không dài nhưng việc dựng cột, kéo dây và trạm biến áp không thể làm với thời gian 3 tháng vì sau khi đúc móng còn phải chờ móng liên kết đúng cường độ bê tông mới dựng cột. Với nỗ lực cực lớn của chủ đầu tư thì có thể làm xong 17 km đường dây truyền tải điện nhưng không thể xong được cả trạm biến áp.
“Theo kinh nghiệm của tôi, trong trường hợp đã tiến hành chuẩn bị xong mặt bằng, tất cả các thiết bị đã được tập kết tại công trình hay nói cách khác đã làm xong tất cả mọi công việc chỉ còn “đổ gạo vào nồi” thì cũng phải mất ít nhất 5-6 tháng mới lắp đặt xong trạm biến áp” - vị chuyên gia này khẳng định.
Tuy nhiên, một vị chuyên gia khác lại cho rằng, dự án này nhận được sự đồng thuận rất lớn, đón được việc thực hiện Nghị quyết 55 về phát triển năng lượng, Tỉnh Ninh Thuận cũng rất kỳ vọng vào dự án này nên chắc chắn cũng sẽ dốc sức cùng chủ đầu tư thực hiện dự án.
Chưa kể, tham vọng “chinh phục kỷ lục thực hiện dự án” của chủ đầu tư để hưởng chính sách giá hấp dẫn (Ninh Thuận được tiếp tục phê duyệt giá mua điện mặt trời theo mức 9.35cent/kWh nếu dự án được vận hành thương mại trong năm 2020) thì theo vị này, cũng có thể hy vọng Trung Nam sẽ đưa tổ hợp dự án về đích đúng thời hạn.