[links()]Công an TP Hà Nội đã triệu tập, thẩm vấn những cá nhân được cho là có liên quan tới việc đưa lao động Nguyễn Thị Toại đi giúp việc nhà tại Ả rập- Xê út. Trong khi đó, một cá nhân người Trung Đông cũng lên tiếng xác nhận biết tên chủ sử dụng lao động Nguyễn Thị Toại đang làm việc.
Tuy nhiên, tung tích của lao động Toại vẫn hết sức mơ hồ.
Bà Bính ( ảnh trái) mẹ lao động Toại ( ảnh phải) đang tiếp tục gõ cửa các cơ quan chức năng để tìm kiếm con gái |
“Điểm sáng” duy nhất của vụ việc là Đại sứ quán Ả rập- Xê út tại Hà Nội đã tìm ra số visa của lao động Nguyễn Thị Toại là E55075900 và số hộ chiếu là B2655198.
Đơn vị đóng visa cho lao động Nguyễn Thị Toại là công ty CP Thương mại tổng hợp Bà Rịa- Vũng Tàu (Getraco). Người phụ trách đóng visa là ông Lê Đức Tuấn- khi đó là giám đốc Chi nhánh Hà Nội của công ty này.
Chi nhánh Hà Nội của công ty Getraco đã dừng hoạt động từ tháng 5.2011.
Bà Trần Khánh Ninh cho biết thời điểm trước khi về làm giám đốc chi nhánh Hà Nội của công ty Vivaxan, bà là nhân viên của ông Lê Đức Tuấn, quản lý Trung tâm đào tạo, giáo dục định hướng- nơi lao động Toại đã tham gia đào tạo 01 tháng trước khi xuất cảnh.
Bà Ninh cho biết quá trình mở trung tâm nói trên và hoạt động tại chi nhánh Hà Nội, ông Tuấn để xảy ra nhiều sai phạm và cá nhân bà đã từng phản ảnh điều này tới ông Trương Quang Nga- khi đó là PTGĐ phụ trách XKLĐ.
“Không biết khi mở Trung tâm đào tạo ông Tuấn có báo cáo công ty mẹ trong Vũng Tàu không nhưng khi tôi phản ảnh những sai phạm của ông Tuấn tới ông Nga thì ông Nga có nói sẽ xem xét, giải quyết”, bà Trần Khánh Ninh khẳng định.
Tuy nhiên, sau khi Cục Quản lý lao động ngoài nước ( QLLĐNN) có công văn yêu cầu Getraco trả lời về trường hợp lao động Nguyễn Thị Toại thì bà Nguyễn Thị Kim Dung- Phó TGĐ Getraco đã có công văn số 183 gửi Cục QLLĐNN khẳng định: trong tất cả các hồ sơ người lao động được đưa đi làm việc tại Arập- Xê út mà Công ty đang quản lý, không có trường hợp lao động Nguyễn Thị Toại.
Trong văn bản này, Getraco nhầm lần quê của lao động Toại ( Cẩm Xuyên- Hà Tĩnh) thành Cẩm Xuyên-Nghệ An.
Để tiếp tục làm rõ các thông tin về quá trình lao động Toại được đưa đi học ở Hà Nội và xuất cảnh sang Ả rập- Xê út, cơ quan công an đã triệu tập những cá nhân có liên quan, trong đó có ông Hoàng Anh Tuấn – người theo trình báo của gia đình lao động Toại- là một mắt xích quan trọng đã môi giới cho lao động Toại ra Hà Nội học tại Trung tâm XKLĐ Getraco.
Trong một diễn biến khác, sau khi báo giới thông tin về việc lao động Toại mất liên lạc với gia đình 24 tháng nay, một người Trung Đông có tên là Adel cho báo giới biết ông đã liên lạc được với người môi giới cho lao động Toại ở Ả rập- Xê út. Môi giới này xác nhận chị Toại hiện vẫn làm việc vui vẻ tại nhà chủ.
Bà Trần Khánh Ninh cũng khẳng định: lao động Toại không thể mất tích và sẽ sớm cùng công ty môi giới cũng như các mối quan hệ quen biết tại Ả rập- Xê út để đưa lao động tới Đại sứ quán Việt Nam tại Ả rập- Xê út để xác nhận.
Bộ LĐTBXH cũng đã có công văn gửi Ban quản lý Lao động Việt Nam tại Ả rập để xác định thêm thông tin về lao động Nguyễn Thị Toại.
Trước đó, PLVN Online là tờ báo đầu tiên được gia đình lao động Nguyễn Thị Toại tìm đến cầu cứu tìm kiếm thông tin về việc lao động Toại đi giúp việc gia đình tại Ả rập- Xê út đã 27 tháng ( quá thời hạn hợp đồng) mà chưa thấy trở về.
Mẹ của lao động Toại là bà Hoàng Thị Bính cho biết lao động Toại xuất cảnh tháng 10/2009, sau khi lao động Toại sang làm việc tại Ả rập- Xê út bà chỉ được nói chuyện với con 1 lần duy nhất ở thời điểm tháng 1.2010, khi lao động Toại xuất cảnh được 03 tháng.
Các cơ quan chức năng đã có văn bản tìm kiếm lao động Toại |
Với sự trợ giúp của PLVN Online, bà Hoàng Thị Bính đã ra Hà Nội, trình báo sự việc với cơ quan chức năng với mong mỏi được các cơ quan chức năng hỗ trợ tìm kiếm tung tích lao động Nguyễn Thị Toại.
Lao động Nguyễn Thị Toại được biết đến ở địa phương là một người phụ nữ hiền lành, cam chịu, đảm đang, chịu khó. Tuy nhiên, lao động Toại không biết chữ và hơi chậm chạp vì ít tiếp xúc với xã hội.
Lao động Toại đã lập gia đình và có một con trai tên là Bảo. Khi mẹ đi nước ngoài, cháu Bảo mới gần 7 tuổi, nay cháu đã 9 tuổi và luôn mong tin mẹ, mong mẹ trở về nhà.
Nhóm PVĐT