Thẩm tra Dự án Luật Cư trú (sửa đổi): Đa số tán thành bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại phiên họp
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại phiên họp
(PLVN) - Tại phiên họp toàn thể lần thứ 28 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thẩm tra Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) ngày 12/5, các ý kiến đều tán thành với việc Dự thảo Luật đã bỏ các quy định về Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú cấp cho hộ gia đình, cá nhân. Bên cạnh đó, một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi, thống nhất. 

Thay đổi phương thức quản lý cư trú

Cho ý kiến tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cư trú để tiếp tục thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do cư trú của công dân, tạo hành lang pháp lý bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân. 

Việc sửa đổi toàn diện Luật Cư trú nhằm ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong quản lý cư trú, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân trong việc thực hiện quyền tự do cư trú. 

Về phương thức quản lý dân cư theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú, theo Tờ trình của Chính phủ, một trong những chính sách lớn của Dự án Luật là thay đổi phương thức quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ quản lý bằng sử dụng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Theo đó, Dự thảo Luật đã bỏ các quy định về Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú cấp cho hộ gia đình, cá nhân theo Luật Cư trú hiện hành. Các ý kiến tại phiên họp đều bày tỏ nhất trí với đề xuất này. 

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội (QH) - chỉ ra rằng, năm 2013, khi sửa đổi Luật Cư trú, chúng ta đã bàn đến chuyện theo lộ trình đến thời điểm này sẽ bỏ sổ hộ khẩu giấy. Thực tế, khi làm Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch cũng đã đặt vấn đề đến thời điểm nhất định sẽ tích hợp việc quản lý liên quan đến cư dân thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Thẻ căn cước công dân.

“Đây là hoàn toàn phù hợp với những gì chúng ta đã xác định trong quá trình ban hành chính sách, quy định liên quan đến quản lý hộ tịch, căn cước. Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư là nền tảng, kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành, thế này là phù hợp”, ĐB nói.

Theo ĐB, về mặt kinh tế, việc này rất phù hợp với chủ trương hiện nay là triển khai Chính phủ điện tử, Cổng Dịch vụ công Quốc gia, kinh tế số… và chúng ta có đủ điều kiện để bỏ hộ khẩu giấy. Bên cạnh đó, bỏ hộ khẩu giấy sẽ tiết kiệm nhân lực, con người, thời gian, chi phí ngân sách.

ĐB cũng chỉ ra rằng, thời gian qua, trong một số hoạt động liên quan đến quản lý nhà nước, nếu chúng ta đưa vào khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quản lý hộ tịch, hộ khẩu thông qua hệ thống điện tử, như công tác điều tra dân số vừa qua rõ ràng, thuận lợi. 

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thanh Hồng cũng đề nghị Chính phủ đánh giá thêm tác động, làm rõ xem có xung đột nào giữa luật này với các luật khác hay không và cần rà soát lại các luật có liên quan đến quản lý hộ khẩu. ĐB cũng đề nghị Chính phủ đánh giá thêm về việc thực hiện Luật Hộ tịch, cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư; báo cáo thêm sự kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu…

Băn khoăn tính khả thi

Một số ý kiến cũng chỉ ra rằng, phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân. Trong khi đó, theo Báo cáo của Bộ Công an, đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân thông qua công tác cấp căn cước công dân, đăng ký khai sinh cho trẻ em và dự kiến đến tháng 12/2020 sẽ hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam. 

Tuy nhiên, cũng theo Báo cáo của Bộ Công an thì công tác này cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự chính xác, có kiểm tra, đối soát chặt chẽ. Trong khi đó, việc đầu tư, bố trí kinh phí cho hoạt động này còn chưa bảo đảm nên sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện... 

Thêm vào đó, theo Báo cáo của Bộ Công an, dự kiến tháng 6/2021 sẽ đưa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào vận hành. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho thấy, một số gói thầu về xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mới đang trong giai đoạn đàm phán ký hợp đồng. Đồng thời, kinh phí đầu tư xây dựng Cơ sở dữ liệu này cũng chưa được cấp đủ. 

Khẳng định ủng hộ phương án bỏ Sổ hộ khẩu chuyển thành phương thức quản lý dân cư hiện đại trên cả nước nhưng ĐB Nguyễn Trường Giang bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của quy định. Cho biết đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ĐB chỉ ra rằng báo cáo thẩm tra cho thấy chúng ta mới có được hơn một nửa số vốn.

“Tờ trình có khẳng định sẽ cấp đủ nhưng Chính phủ cần khẳng định với ít nhất là Ủy ban Thường vụ QH và chuẩn bị cho việc đầu tư công trung hạn ở giai đoạn tiếp theo hay bổ sung ngay tại giai đoạn hiện nay. Đề nghị phải khẳng định việc này trước QH, trong trường hợp quyết tâm làm thì phải có phương án cấp vốn đầy đủ”, ĐB nói.

Làm rõ về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, về nguồn ngân sách, Chính phủ đã khẳng định đảm bảo nốt nguồn ngân sách đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Về số định danh, theo ông Ngọc, Ban soạn thảo đã xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương về các trường thông tin để đảm bảo kết nối đồng bộ sau khi số định danh này đi vào hoạt động và được chia sẻ.

Các đơn vị cơ bản đồng tình với ý kiến của ban soạn thảo của Bộ Công an. Do đó, việc chia sẻ của các bộ, ngành, địa phương về các trường thông tin đã có bước chuẩn bị và đảm bảo các yêu cầu để làm cho đồng bộ. 

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 28, Ủy ban Pháp luật cũng thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, một số đại biểu chỉ rõ, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở thành phố Đà Nẵng là vấn đề lớn, quan trọng, mang tính chính trị - xã hội sâu sắc, cần được nghiên cứu một cách thận trọng, kỹ lưỡng nên cần báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với việc thí điểm tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị và 3 cấp chính quyền ở nông thôn tại thành phố Đà Nẵng như đề xuất của Chính phủ.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc chỉ tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ của người dân và hoạt động giám sát của HĐND đối với UBND quận, phường, các cơ quan tư pháp quận (do không tổ chức HĐND ở quận và phường nên chỉ có HĐND thành phố là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của người dân ở địa phương).

Đọc thêm

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...

Hiệu quả từ tư duy đổi mới, đột phá

Hiệu quả từ tư duy đổi mới, đột phá
(PLVN) -  Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024 tổ chức ngày 7/12 vừa qua, nhìn lại 11 tháng của năm 2024, cho thấy cả nước đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, nên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước đều phục hồi và phát triển tốt. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao.