Một thẩm phán của Mỹ ngày 12/9 đã nghe các bên phản đối trình bày lập luận của họ về thỏa thuận dàn xếp trị giá 7,2 tỉ USD mà thẩm phán này đang cân nhắc giữa các nhà bán lẻ với các công ty tín dụng Visa và MasterCard về các khoản phí thẻ tín dụng.
Ảnh minh họa. |
Sau phiên điều trần kéo dài 5 tiếng rưỡi, thẩm phán quận Brooklyn, thành phố New York John Gleeson cho biết ông đã được các bên trình bày các vấn đề “rất quan trọng và khó khăn” liên quan đến vụ kiện tụng giữa các công ty phát hành thẻ và các thương nhân.
Thẩm phán Gleeson nói ông sẽ phải mất vài tháng để cân nhắc trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc. Nếu ông Gleeson chấp nhận thỏa thuận này, đây sẽ trở thành thỏa thuận chống độc quyền có giá trị lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Vụ kiện nói trên bắt đầu từ năm 2005, khi các nhà bán lẻ như chuỗi cửa hàng tạp hóa Kroger và Safeway, Rite Aid, hiệp hội quốc gia của các cửa hàng bán lẻ và các nhóm thương mại, các nhà kinh doanh nhỏ cùng đệ đơn chống lại 2 công ty Visa và Mastercard.
Theo cáo buộc của các nhà bán lẻ, Visa và Mastercard đã lợi dụng vị thế cạnh tranh của mình để đưa ra các khoản phí mà các cửa hàng này phải trả mỗi khi khách hàng của họ thanh toán hóa đơn bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ.
Theo các bên đệ đơn, phí cà thẻ là do các công ty thẻ quy định và bị các ngân hàng phát hành thẻ khấu trừ trên mỗi giao dịch. Với việc kiểm soát hơn 80% thị phần thanh toán bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ ở Mỹ trong năm 2011, các công ty thẻ nói trên và ngân hàng đã thông đồng với nhau để định ra mức phí quá cao, tương đương 2% tổng giá trị giao dịch.
Theo tính toán của Hiệp hội các cửa hàng tiện lợi quốc gia Mỹ, mức phí cà thẻ mà các nhà bán lẻ Mỹ phải chịu lên đến 50 tỉ USD mỗi năm. Khoản phí này tương đương 2% tổng giá trị giao dịch. Các nhà bán lẻ cũng cáo buộc các công ty nói trên ngăn chặn họ hướng khách hàng tới các hình thức thanh toán trẻ hơn. Tuy nhiên, cả Visa và MasterCard đều đã bác bỏ các cáo buộc này.
Đến tháng 7/2012, Visa và MasterCard đã đệ trình hồ sơ dàn xếp vụ việc. Theo đó, Visa đồng ý chi 4,03 tỷ USD, trong khi MasterCard sẽ trả 2,02 tỷ USD để dàn xếp vụ kiện. Đến tháng 11/2012, thẩm phán Gleeson đã bước đầu chấp thuận thỏa thuận dàn xếp giữa Visa và MasterCard với các bên nguyên đơn. Tuy nhiên, hàng ngàn người sau đó đã tiếp tục phản đối thỏa thuận này.
Tại phiên tòa ngày 12/9, ông Gleeson đã nghe các khiếu nại xung quanh thỏa thuận nói trên từ hơn 10 đại diện của các bên phản đối, trong đó có đại diện của chuỗi cửa hàng bán lẻ Wal-Mart Stores và tập đoàn Target Corp, đại diện của các bang Ohio và California, các nhóm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và chủ sở hữu của một trạm xăng ở bang Minneapolis.
Các bên phản đối cho rằng việc phát hành thỏa thuận dàn xếp hồi tháng 11 năm ngoái có lợi cho Visa và MasterCard. Ông Stephen Neuwirth - thuộc công ty luật Quinn Emanuel Urquhart & Sullivan, đại diện cho Tập đoàn Home Depot - nói rằng, với dàn xếp này, Visa và MasterCard sẽ vĩnh viễn được bảo vệ khỏi các đơn kiện có liên quan đến các quy định mà 2 công ty này yêu cầu các nhà bán lẻ phải tuân thủ trong tương lai.
Thỏa thuận cũng cho phép các nhà bán lẻ thu các khoản phụ phí đối với khách hàng sử dụng thẻ Visa và MasterCard trong một số trường hợp nhất định để tăng tính cạnh tranh giữa các nhà phát hành thẻ. Nhưng theo các luật sư của các bên phản đối, hiện tại hơn 10 bang của Mỹ áp dụng mức trần về phí phụ thu. Do đó, sau khi đồng ý với thỏa thuận, các nhà bán lẻ cũng khó có thể lấy được tiền từ khách hàng của họ.
Minh Tuệ (Theo báo nước ngoài)