Điều 12 Dự thảo Bộ Quy tắc đạo đức Thẩm phán quy định về ứng xử của thẩm phán với các cơ quan, tổ chức có quan hệ công tác và thông tấn, báo chí. Theo đó, Thẩm phán phát biểu quan điểm của mình thông qua bản án, quyết định. Thẩm phán không được phát biểu quan điểm của mình về việc giải quyết vụ việc khi chưa ban hành bản án, quyết định.
Thẩm phán không được cung cấp bản án, quyết định cho các cơ quan, tổ chức có quan hệ công tác và thông tấn, báo chí, trừ thông qua các hình thức công khai bản án, quyết định của Tòa án đã được pháp luật quy định.
Thẩm phán chỉ phát ngôn, cung cấp thông tin, tài liệu về xét xử, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng với các cơ quan, tổ chức có liên quan và cơ quan thông tấn, báo chí khi được cấp lãnh đạo có thẩm quyền giao theo đúng quy định của pháp luật.
Thẩm phán có thể tham gia phỏng vấn, khảo sát dựa trên kinh nghiệm công tác chuyên môn để phục vụ nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế khi hoạt động này không gây ảnh hưởng đến hoạt động xét xử hoặc thể hiện sự bày tỏ quan điểm về việc giải quyết vụ việc chưa được ban hành bản án, quyết định.
Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán mà Tòa án nhân dân Tối cao đang dự thảo áp dụng đối với Thẩm phán công tác tại các Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp cả trong trường hợp chưa được bổ nhiệm lại hoặc đã nghỉ hưu; được áp dụng để đánh giá về phẩm chất đạo đức của những người được tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm làm Thẩm phán.
Dự thảo quy định 7 chuẩn mực về đạo đức của Thẩm phán cụ thể: Tính độc lập; sự vô tư, khách quan; sự liêm chính; sự công bằng, bình đẳng; sự đúng mực; sự tận tụy và không chậm trễ; năng lực và sự chuyên cần.
Thẩm phán phải luôn đúng mực, trung thực, thận trọng, công tâm, khách quan; đảm bảo tính công khai, dân chủ, nghiêm minh trong giải quyết, xét xử các vụ việc; lắng nghe, tôn trọng ý kiến của những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; giải thích, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật; Tiếp xúc với những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng khi thi hành công vụ tại nơi quy định, bảo đảm tính khách quan, minh bạch, rõ ràng…
Trong số những việc không được làm, Thẩm phán không được: Tư vấn cho bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ việc hoặc những việc khác không đúng quy định của pháp luật; Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án; Đem hồ sơ vụ án hoặc tài liệu trong hồ sơ vụ án ra khỏi cơ quan, nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền; Tiếp bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án mà mình có thẩm quyền giải quyết không đúng nơi quy định; Sách nhiễu, trì hoãn, chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà cho người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng.
Thẩm phán cũng không được làm sai lệch hồ sơ, kết quả giải quyết vụ việc; ra quyết định, bản án trái pháp luật; truy ép, gợi ý cho người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trình bày sự việc theo ý muốn chủ quan của mình hoặc của người khác. Thẩm phán không được tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật công tác của mình và của cán bộ, công chức khác thuộc Tòa án và các ngành khác, đồng thời không được tiết lộ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của bị can, bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác…