Cộng đồng dân tộc Nùng An ở Phúc Sen (huyện Quảng Uyên – Cao Bằng) có nghề rèn nông cụ truyền thống cầm tay rất đặc biệt. Gần 200 lò rèn ở đây quanh năm luôn đỏ lửa và sản phẩm “dao, búa” của họ đang tủa đi muôn nơi…
Từ km30 – 33 thuộc QL3 qua xã Phúc Sen có dến 20 ô lán bán các loại dao, búa, sản phẩm nông cụ của người Nùng An. |
Dọc theo km30-33 của Quốc lộ 3 qua địa bàn thôn Thanh Minh gần trung tâm xã Phúc Sen, ai qua cũng nhận thấy hàng chục ô lán đơn sơ bày bán đủ các loại dao, kéo, búa, liềm, lưỡi hái, rìu và xà gạc.
Tại một lán nhỏ, ông Nông Minh Chấn (60 tuổi) ngừng quai búa giới thiệu với chúng tôi về sản phẩm truyền thống của gia đình. “Dao, búa các loại vừa bền vừa sắc, giá cả hợp lý. Dao nhọn chọc tiết lợn, dao phay, dao thái phở có cả. Dao thái nhỏ, mỗi con giá từ 15 – 20 nghìn đồng, dao có chức năng vừa thái vừa chặt giá mỗi con từ 120 – 150 nghìn đồng. Búa to mỗi cái giá 250 nghìn đồng, loại nhỏ 150 nghìn đồng. Rìu bổ củi loại to giá 180 nghìn đồng/con; loại vừa 140 nghìn đồng; loại nhỏ 120 nghìn đồng. Chú mua loại nào để tôi chọn?”, ông Chấn nhanh nhảu chào hàng.
“Có con phớ nào cầm đầm tay, sắc, dài 90 cm, bán cho một con ?”, tôi hỏi. Ông Chấn đảo mắt nhìn tôi, rồi bộc trực chỉ tay “đuổi khéo chúng tôi” về phía lán đằng chân núi: “Làng bên, có mấy lò cũng hay rèn phớ, dao bầu và các loại kiếm cho khách hàng có nhu cầu đến đặt hàng. Ở làng rèn Phúc Sen này chỉ rèn các loại nông cụ cần tay và các loại dao, kéo phục vụ nhu cầu cho nội trợ gia đình thôi. Các chú mua rìu đốn củi thì có ngay, còn muốn mua phớ thì lại đó mà hỏi!”.
Cả xã Phúc Sen hiện nay có khoảng 250 lò (với hơn 2000 lao động) của đồng bào dân tộc Nùng (còn gọi là Nùng An) làm nghề rèn nông cụ truyền thống phân bố đều ở 6/10 thôn, đó là: Đâu Cọ, Phia Trang, Pắc Rằng, Tềnh Đông, Lũng Vài và Thanh Minh.
Theo ông Chấn, các cụ già truyền lại rằng nghề rèn nông cụ của người Nùng An ở xã Phúc Sen tồn tại đến nay khoảng hơn 300 năm. Xưa kia, các thợ rèn ở Phúc Sen chỉ tập trung sản xuất nông cụ như lưỡi cày, răng bừa, liềm, dao, rựa, rìu và các dụng cụ cơ khí phục vụ cho nhu cầu sản xuất nông lâm nghiệp cho đồng bào các dân tộc một số tỉnh khu vực Tây Bắc.
Năm 1984, ông Nông Minh Chấn rời quân ngũ trở về địa phương và được cụ thân sinh cùng một số cụ cao tuổi truyền nghề kể nhiều chuyện sinh động về truyền thống của làng rèn Phúc Sen.
Trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Phúc Sen là một địa danh đặc biệt, là nơi bí mật sản xuất công cụ hỗ trợ thô sơ như dao găm, mã tấu trang bị cho dân quân và du kích; là nơi cất dấu vũ khí và cung cấp súng đạn cho bộ đội, là linh hồn của cuộc kháng chiến toàn dân chống thực dân Pháp ở Tây Bắc.
Ngoài việc rèn nông cụ phục vụ sản xuất ở hậu phương, làng Phúc sen này còn tự hào sản xuất được cả đại bác, súng thần công, lựu đạn…, tiếp viện cho bộ đội ở các chiến trường Tây Bắc.
Thời kỳ đó, cả làng rèn Phúc Sen trở thành công xưởng chế tác vũ khí phục vụ kháng chiến, các loại vũ khí được sản xuất nhiều nhất là súng thần công, súng kíp, lựu đạn, đại bác. Các loại vũ khí này sản xuất xong, một phần được chuyển lên căn cứ Pác Bó; một phần được phát cho quân du kích đóng tại địa phương tập luyện; phần còn lại chi viện cho chiến trường Đông Bắc...
Loại rìu này rất dễ bị bọn tội phạm lạm dụng dùng làm “hung khí nguy hiểm”. |
Hiểu về công trạng hào hùng của làng Phúc Sen, ông Nông Minh Chấn giờ đây càng phấn chấn yêu nghề rèn truyền thống của người Nùng An trên quê hương ông nhiều hơn. Tại lò rèn của gia đình ông Chấn hiện có 3 thợ chính và 7 nam thanh niên trong xã Phúc Sen đang học nghề. Trong những lúc giải lao, bên ấm trà nghi ngút khói, ông Chấn vẫn thường kể cho những người thợ trẻ nghe truyền thống về làng rèn Phúc Sen và đạo đức, chí tiến thủ của người Nùng An.
Ở thôn Tềnh Đông, gia đình thợ rèn Lương Văn Khang (con cụ Lương Văn Xoòng gần 90 tuổi, một trong những cụ tổ nghề rèn Phúc Sen) là một điển hình cho những thợ rèn trẻ cần học tập.
Ông Khang dáng người quắc thước, mắt sáng bắt lửa, toả ra sự lão luyện với nghề rèn. Ông Khang có 4 người con trai thì 3 người nối nghề quai búa của cụ Xoòng truyền lại. Cả 4 bố con dưới sự truyền dạy đạo đức và những bí quyết của cụ Xoòng vẫn hàng ngày cho ra lò các loại sản phẩm dao, búa có chất lượng bền, sắc.
Sự khác biệt về chất lượng “dao, búa” của làng rèn Phúc Sen so với sản phẩm cùng loại của các làng nghề thuộc địa phương khác có nhiều dấu hiệu. Về bí quyết, người Nùng An rèn một con dao bền và sắc hoặc rèn chiếc búa tốt, ông Chấn khẳng định trước hết phải có thép tốt.
Loại thép hiện nay thợ rèn Phúc Sen thường sử dụng chế tác các loại sản phẩm gia dụng làm từ nhíp ô tô zin 130, 131, U-oát của Liên Xô (cũ). Tiếp đến, kỹ thuật tôi luyện thép là khâu quyết định.
Mùa hè, nếu người thợ mà tôi luyện thép nhiều lần trong nước nóng là không nên; mùa đông nước tôi lạnh quá thì cũng không phù hợp, sản phẩm các loại dao, búa rìu ra lò khi sử dụng dễ mẻ lưỡi. Than dùng cho lò luyện thép phải là than gỗ nghín, gỗ cây mác rạc và mảy puôn – hai loại cây này chỉ mọc trên núi đá của tỉnh Cao Bằng.
Trên những con dao, chiếc búa do người Nùng An ở Phúc Sen sản xuất đều in thương hiệu đặc thù có hai chữ cái “NL”, phụ âm đầu của hai chữ “Nông Lương”.
Ông Chấn kể, cụ Nông Lương là người cha ruột của Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nông Văn Vìn, đang là giảng viên Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, và là một trong những chuyên gia hàng đầu của Nhà nước về ngành cơ khí nông cụ. Cụ Nông Lương trước khi trở thành người thiên cổ, cụ đào tạo được nhiều thợ rèn có đức độ, có kỹ thuật rèn tiêu biểu, trong đó xuất sắc nhất là ông Lương Văn Mạo, nguyên Chủ tịch UBND xã Phúc Sen.
Chính từ đạo đức truyền thống và uy tín của làng rèn Phúc Sen được hun đắp từ những người có tâm huyết với nghề, nên sản phẩm nông cụ của người Nùng An được ưa dùng, có ở khắp thị trường Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng Nam Bộ và được bán sang cả các huyện Nà Po, Trịnh Tây và Long Châu, tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc.
Từ năm 2006 đến nay, sản phẩm nông cụ của người Nùng An tuy mộc mạc nhưng 5 lần được dự hội chợ thương mại ở các tỉnh: Bắc Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên, TP. Hải Phòng và Hà Nội. Sau lần tham dự Hội chợ triển lãm tại Giảng Võ, dao, búa Phúc Sen được tặng Huy chương vàng mang vinh dự về cho huyện Quảng Uyên và tỉnh Cao Bằng.
Phóng sự của Lê Trọng Anh